“Sao đứa chết đi không phải là mày?”

(Dân trí) - Buổi sáng năm ấy, mẹ đi làm, bảo tôi ở nhà trông em. Ba chị em thơ thẩn đuổi bắt chuồn chuồn, em thứ hai của tôi trượt chân ngã xuống ao. Tôi hoảng sợ vừa khóc vừa chạy đi kêu người đến cứu.

Nhưng em tôi đã mãi mãi ra đi khi vừa qua sinh nhật 7 tuổi.

Khi ấy mẹ tôi như điên dại, vừa gào khóc vừa mắng chửi tôi: “Vì mày mà em trai mày chết. Sao đứa chết đi không phải là mày hả, con kia”. Câu nói ấy mãi mãi găm trong tim cô bé vừa lên 10 tuổi, đến nỗi lúc đó tôi cũng nghĩ đáng lẽ người chết phải là mình thì mẹ sẽ không đau buồn đến thế.

“Sao đứa chết đi không phải là mày?” - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Sau tôi vẫn còn một đứa em trai nữa, và mẹ vẫn luôn không coi tôi là gì. Mẹ luôn nói “Đẻ con gái thật vô dụng”. Tôi lớn lên trong sự ghẻ lạnh của mẹ, khát thèm tình yêu giống như mẹ dành cho đứa em trai. Mẹ thích con trai chỉ vì bố thích con trai. Tôi đã trưởng thành như thể, có bố mẹ mà luôn cảm thấy mình lẻ loi cô độc.

Vì gia cảnh khó khăn, mẹ bảo tôi nghỉ học sớm để em có thể đến trường. Mẹ nói: “Con gái học làm gì nhiều, biết chữ là được rồi”. Mười bốn tuổi tôi đã lên thành phố bán hàng thuê cho một người quen trong làng để kiếm tiền gửi về cho mẹ. Quãng thanh xuân rực rỡ nhất cũng chưa từng có thời gian để nghĩ cho mình.

Hai mươi hai tuổi tôi quyết định kết hôn khi có người thương. Anh ấy là dân thành phố, nhưng nhà nghèo nên cũng sớm lăn lộn mưu sinh giữa đời. Mẹ không đồng ý cho tôi lấy chồng với lý do: “Em mày còn chưa vào Đại học mà mày chỉ biết lo vun vén cho thân mình”. Nhưng tôi quyết lấy và mẹ từ mặt tôi.

Tôi cùng anh đi đăng kí kết hôn, nhà anh làm dăm mâm mời họ hàng, không đám cưới. Ngày tôi về nhà chồng, bố lên thành phố dúi vào tay tôi một chiếc phong bì, mẹ tôi không có mặt. Mỗi lần vợ chồng tôi về mẹ đều mượn cớ “mắng chó chửi mèo” xua đuổi. Dần dần, tôi không về quê nữa.

Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi, khi tôi còn nhỏ, khi tôi còn trẻ, nhưng nó bỗng như một thước phim đầy ám ảnh hiện về trong tôi khi vài ngày trước mẹ tìm đến tận nhà tôi sau nhiều năm coi như không có tôi trên đời với lời cầu khẩn: “Mẹ không có chỗ nào để đi, mẹ có thể về ở nhà con được không?”.

Bố tôi đi làm xa rồi bỏ mẹ đi theo người đàn bà khác. Mẹ tôi nghe lời con trai, bán hết đất đai vườn tược ở quê đưa tiền cho em trai làm ăn rồi lên sống với vợ chồng nó. Nhưng mẹ tôi không ở được với con dâu, con trai thì nhu nhược. Bà không còn chốn để về, cũng không biết đi đâu, cuối cùng tìm đến nhà tôi gõ cửa.

Mẹ tôi đã hơn 60 tuổi, nhìn rất khắc khổ đáng thương, không còn dáng vẻ ghê gớm như khi xưa tôi từng thấy, nhưng lòng tôi không hề thương. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, khóc cũng rất nhiều khi nhớ đến những đắng cay mình đã trải. Bao nhiêu năm nay tôi nào có khác gì một kẻ mồ côi. Đối với mẹ mình tôi chỉ có những kỉ niệm buồn khổ, không hề có yêu thương.

Chồng tôi hỏi tôi:

- Em định như thế nào?

- Đây là nhà anh, em không có quyền gì đón mẹ về đây ở cả.

- Nhà này là nhà của chúng ta, mẹ em cũng là mẹ anh. Anh không thấy phiền gì cả. Dù gì bố mẹ anh cũng mất rồi, chúng ta chỉ còn mẹ em thôi. Bà cũng già rồi…

- Không là không. Bà ấy đáng phải chịu như thế.

Chồng tôi không ngạc nhiên trước thái độ của tôi. Anh chỉ khuyên tôi nên bình tĩnh, nên suy nghĩ kĩ. Nhưng tôi có gì đáng để suy nghĩ hay sao?

Từ nhỏ mẹ đã mong tôi có thể chết thay em trai tôi. Bà ghẻ lạnh tôi, cướp đi ước mơ được đến trường của tôi. Tuổi thiếu niên tôi đã phải thức khuya dậy sớm đi làm thuê kiếm tiền, tháng nào bà lấy sạch tiền công tháng ấy, đến khi tôi lấy chồng không một xu dính túi. Bà còn xỉa xói tôi vì lấy chồng sớm, không tiếp tục “làm trâu làm ngựa” cho đến khi em tôi học xong đại học. Nếu không có chồng tôi yêu thương bù đắp, không biết đời tôi đã đi về đâu. Giờ bà bị chính con trai mình ruồng rẫy mới còn nhớ vẫn còn một đứa con gái ở trên đời.

Mấy hôm nay mẹ ở nhà tôi, lặng lẽ như một cái bóng. Tôi không nói chuyện với bà, không hề muốn nói. Bà vẫn đang nhẫn nại chờ một câu nói từ tôi để bà yên tâm mà ở lại. Nhưng đầu óc tôi rối bời, muốn nói thẳng với bà rằng “ngôi nhà này không có chỗ cho bà” nhưng lại không thể mở miệng ra mà nói được.

Đuổi bà đi thì không đành, mà giữ bà lại thì không cam tâm. Tôi không biết nên làm thế nào nữa.

T. P

Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, phù hợp sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính. Trân trọng!