Ranh giới giữa "quan tâm" và "kiểm soát" trong một mối quan hệ
Nếu những hành động của đối phương khiến bạn cảm thấy tội lỗi, sợ hãi hoặc tự ti, đó là dấu hiệu cho thấy họ đang kiểm soát bạn.
Có một ranh giới mong manh giữa sự "quan tâm" và "kiểm soát" trong tình yêu. Và bởi thế, đôi khi thật khó để phân biệt mục đích thực sự mà đối phương muốn. Chính vì thế, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn xác định chính xác liệu hành động của đối phương là vì mục đích "quan tâm" hay "kiểm soát".
1. Sự thỏa hiệp luôn chỉ đến từ một phía
Nếu sau tất cả, bạn luôn là người phải nhường nhịn, thỏa hiệp với mọi mong muốn của đối phương, đó là dấu hiệu của việc bị kiểm soát. Người thực sự quan tâm đến bạn sẽ cố gắng để tìm ra ngôn ngữ chung, chứ không phải bỏ mặc những cảm xúc và lợi ích của bạn. Ngược lại, một người thích kiểm soát sẽ liên tục đặt ra các "tối hậu thư" nghiêm ngặt nhằm tạo áp lực và khiến bạn phải thỏa hiệp.
2. Sự không công bằng
Chẳng hạn, cả hai bạn đều thống nhất với nhau từ trước sẽ không đi chơi riêng cùng người khác giới. Nhưng chỉ có bạn phải làm theo quy tắc đó, còn đối phương thì có quyền phá vỡ vì những lý do riêng mà họ cho là "chính đáng". Họ coi thường quy tắc chung của cả hai nhưng vẫn muốn bạn phải tôn trọng nó. Đây là một trong những dấu hiệu chứng tỏ họ đang cố kiểm soát bạn, bằng cách tự trao cho họ những quyền lợi mà bạn không có.
3. Bạn lúc nào cũng cảm thấy như đang "đi trên vỏ trứng"
Có nghĩa là bạn luôn phải cẩn trọng với mọi hành vi, lời nói của mình. Bạn không cảm thấy thoải mái khi nói chuyện cởi mở về những nhu cầu và cảm xúc cá nhân với họ. Bạn ngại lên tiếng vì sợ chỉ một hành động nhỏ nhất có thể châm ngòi cho một "cuộc chiến". Bạn sợ họ sẽ ngay lập tức đả kích hay phản đối những câu nói của bạn. Bởi trong thế giới của những người thích kiểm soát, bản thân luôn đúng và mọi ý kiến trái chiều đều là sai trái.
4. Họ bắt bạn làm những điều bạn không thích "vì lợi ích riêng của bạn"
Nghe có vẻ thật phi lý bởi những điều họ muốn bạn làm đều là vì "lợi ích riêng của họ". Nhưng họ sẽ biết cách để khiến bạn cảm thấy điều đó tốt cho bạn. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với hành vi "quan tâm".
Ví dụ, nếu đối phương muốn bạn ăn nhiều rau hoặc động viên bạn tập thể dục để cải thiện một vấn đề sức khỏe tiêu cực hoặc giảm chứng đau lưng bạn thường gặp, họ đang quan tâm đến sức khỏe của chính bạn. Ngược lại, nếu họ ép bạn tập gym, ăn uống lành mạnh ngay cả khi bạn không muốn chỉ để cải thiện vẻ ngoài của bạn, có thể họ không thực sự quan tâm đến bạn đâu.
5. Bạn bị ép chia sẻ những điều quá "cá nhân"
Việc chia sẻ trong tình yêu là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đối phương gây áp lực bắt bạn phải kể điều gì đó khiến bạn không thoải mái, họ có lẽ không thực sự quan tâm đến cảm giác của bạn. Thay vào đó, họ chỉ đơn giản là đang tò mò và không ngần ngại xâm phạm "ranh giới" cá nhân của bạn.
6. Họ cản trở những mục tiêu nghề nghiệp hoặc học vấn của bạn
Nếu bạn là người có tham vọng lớn, người kiểm soát sẽ khiến bạn cảm thấy bản thân chưa sẵn sàng hay không đủ kỹ năng để theo đuổi những mục tiêu đó. Họ không cung cấp những sự hỗ trợ cần thiết mà chỉ liên tục chê bai, khiến bạn nản lòng. Lâu dài, bạn sẽ hình thành sự nghi ngờ về bản thân và nỗi sợ thất bại.
7. Họ can thiệp vào những mối quan hệ bạn bè, gia đình của bạn
Để có được quyền kiểm soát rộng hơn, đối phương cố gắng cách ly bạn với những mối quan hệ xung quanh. Bằng cách đó, họ cảm thấy ít bị đe dọa hơn nếu một ngày bạn rời bỏ họ. Họ muốn trở thành "tất cả" để dễ dàng trói buộc bạn bên cạnh.
8. Những cảm giác tiêu cực
Một mối quan hệ lành mạnh sẽ không khiến bạn cảm thấy nhỏ bé, bất an và không hạnh phúc. Nếu đối phương thực sự quan tâm, họ sẽ tìm cách khiến bạn cảm thấy được công nhận, yêu thương và tôn trọng. Nhưng nếu tất cả bạn nhận về là những "tối hậu thư", sự đe dọa hay trừng phạt vì một hành động nào của bạn làm phật ý họ, rất có thể bạn đang mắc kẹt trong sự kiểm soát.