Quát vợ "đẻ được phải chăm được", chồng nhận luôn bài học vào sáng hôm sau
(Dân trí) - Phụ nữ dù nhẫn nại đến mấy cũng khó chấp nhận người chồng vô trách nhiệm, vô tâm. Nếu các anh không thể hiện được vai trò của mình trong gia đình, có cũng như không thì sẽ đến ngày họ thà là không có.
Như câu chuyện của người vợ dưới đây, diễn biến tâm lý, suy nghĩ của cô cũng trùng với rất nhiều chị em khác trong thời đại bây giờ: Phụ nữ có chồng, nhẫn nhịn đấy, hy sinh nhiều đấy, gồng mình gánh vác rất nhiều đấy, nhưng nếu cuộc đời này cái gì cũng đến vai họ gánh vác thì rốt cuộc họ cần người đàn ông để làm gì? "Tự trả mình về nơi sản xuất" sống cho sung sướng có khi là lựa chọn tốt hơn.
Trên một hội nhóm chị em, người vợ này viết:
"Chồng em sống vô tâm, ham vui, cứ bạn gọi là lên xe phóng đi không cần biết là ngày hay đêm. Vậy nhưng với việc gia đình, vợ nhắc mỏi miệng anh cũng không làm cho. Thậm chí em phải tự thay bóng điện, sửa ống nước, thông cống tắc không khác gì phụ nữ độc thân.
Lúc bầu bí, em cũng nghĩ lên chức bố, anh ấy sẽ sống có trách nhiệm hơn. Tiếc rằng thực tế ngược lại. Chồng em chỉ biết tới bản thân, con mình em chăm, anh ấy đi suốt ngày.
Về nhà thấy con, vui thì chơi với thằng bé một tí còn không cũng kệ vợ vừa chăm con vừa lo việc nhà. Con em đã hơn 1 tuổi nhưng chưa bao giờ anh biết tới cảm giác thức đêm chăm con ốm là gì. Có những đêm thằng bé khóc nhiều, chồng em ôm luôn gối sang phòng khác ngủ cho đỡ ồn, mặc vợ muốn xoay xở thế nào là việc của vợ".
Đỉnh điểm sự chịu đựng của người vợ là khi con sốt mọc răng, quấy khóc cả đêm mà chồng không nỡ đỡ đần vợ, cũng không xót con, lại còn lớn tiếng trách vợ không để mình yên dù cả ngày đi làm về đã mệt:
"Tối hôm trước con em mọc 2 cái răng hàm, thằng bé sốt, quấy khóc cả đêm. Em bế mỏi rời tay nên gọi chồng dậy vác con thay 1 lúc nhưng anh cằn nhằn: "Cả ngày đi làm, đêm về ngủ cũng không yên thân".
Nói xong chồng em ôm luôn gối sang phòng bên ngủ như mọi khi, tuyệt đối không hỏi han hay bế con thay vợ. Tới 2h sáng, thấy con trai em nóng quá, thằng bé lại cứ bám rịt mẹ không chịu nằm xuống giường, em lại phải gọi chồng lấy thuốc hạ sốt pha cho con. Em phải gọi tới chục câu anh ấy mới dậy.
Vì chưa bao giờ chăm con ốm nên chồng em còn không biết thuốc hạ sốt là gói nào. Em chỉ tận tay vậy mà anh ấy pha luôn gói hạ sốt vào cả 1 cốc nước đầy. Bực mình nhưng em vẫn nhẹ nhàng bảo rằng pha thế con uống thế nào được, rồi giục anh đổ đi pha gói khác với 2, 3 thìa nước thôi. Thế là anh ấy hùng hổ hất bát thuốc vào bồn rửa bát, quay ra mắng vợ: "Cô tự đi mà pha lấy. Đẻ được phải tự chăm được, đừng hành người khác".
Vứt cái bát xuống mặt bàn, chồng em bỏ về phòng ngủ tiếp. Em cũng không nói năng gì, đành ẵm con đi pha lại gói khác. Thằng bé khóc khàn cả tiếng, bố vẫn đóng cửa ngủ ngáy một mình".
Tưởng như một số chị em, chồng vô trách nhiệm, vô tâm là cắn răng chịu khổ một mình, cho cửa nhà yên ấm, cho con có bố, cho có cái gọi là gia đình... Nhưng không, hành động quyết liệt của cô vợ ngay sáng hôm sau khiến nhiều người gật đầu tán thưởng.
"Sáng hôm sau con cắt sốt, chồng em ngủ dậy câu đầu tiên anh hỏi vợ là: "Sáng nay ăn gì đấy, chưa nấu à?". Em không đáp lại nửa lời, anh ấy định trợn mắt quát vợ thì nhìn ra cửa thấy cái vali quần áo đặt ở đó, mặt có chút sững sờ. Chưa kịp hỏi, em lên tiếng luôn: "Tôi đưa con về nhà ngoại, đơn ly hôn để đầu giường, tôi ký rồi. Con tôi sẽ nuôi, sống với anh, mẹ con tôi chẳng nhờ cậy được gì, chỉ thêm gánh nặng. Tốt nhất chúng ta giải tán", cô vợ viết.
Ngay sau đó cô một mạch bế con về ngoại. Người chồng cuối cùng phải nhắn tin bảo vợ đưa con về, hứa sẽ thay đổi nhưng cô vợ tuyệt nhiên không nhắn lại. "Em muốn dùng thời gian này cho chồng tự kiểm điểm lại bản thân, nếu thật sự anh không nhận ra sự ích kỷ của mình, em sẵn sàng ly hôn không nuối tiếc", người vợ quả quyết với nhóm chị em.
Ngẫm về hôn nhân bây giờ, những ông chồng vẫn cố sống theo cách "chồng chúa vợ tôi", lười biếng, ỷ lại, quen có vợ "hầu" còn ra vẻ nạt nộ thật là dại. So với thế hệ trước, họ không còn nhiều "vai trò trụ cột" vì phụ nữ thời này đã được giải phóng rồi. Họ cũng ra ngoài làm việc, có thu nhập, có khả năng tài chính và tự lo liệu được cho chính mình. Họ không cần phụ thuộc ai nên đâu cần phục tùng ai.
Vợ chồng vì yêu mà đến với nhau thì chung sống với nhau cũng nên dùng yêu thương để đối đãi, bằng đối xử với vợ không tình không nghĩa, không cho họ thấy được sự hiện diện của người chồng, người cha ở bạn trong gia đình, thì đối với bạn, họ có gì phải nuối tiếc?