Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, gió đã đổi chiều?

Trước đây, mẹ chồng luôn là cụm từ khiến các cô gái sắp về nhà chồng phải đắn đo, khúm núm. Nhưng thời nay, có vẻ như trong nhiều gia đình đang tồn tại một hiện tượng: Mẹ chồng phải “đi nhẹ nói khẽ” trước mặt con dâu...

 
Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, gió đã đổi chiều? - 1


Con dâu cậy mình  kiếm tiền giỏi

 

Buổi trưa nhưng tiệm cắt tóc nổi tiếng trên đường Bà Triệu, Hà Nội vẫn đông khách. Một phụ nữ trẻ tên Vân Anh đi ôtô xịn, khoác đồ hiệu bước vào. Chủ và khách niềm nở vì Vân Anh là khách quen, mới ngồi xuống ghế chị đã làm một “bài ca” nói xấu mẹ chồng.

 

Chị  kể: “Cháu vừa đi công tác về, mua 2 con tôm hùm hơn 2 triệu bạc gọi mẹ chồng tới lấy về ăn. Cháu mải nói điện thoại nên không chào bà được, bà ấy ngồi một lúc rồi dỗi bỏ về, không thèm lấy tôm. Trên đường về lại gọi cho chồng cháu để lão ấy mắng “cô làm gì mà mẹ tôi phải khóc”. Cháu có làm gì đâu cơ chứ, đã có lòng biếu tôm đắt tiền, thi thoảng quà cáp thường xuyên, còn đòi hỏi gì? Cháu nói thật, thích thì cháu tử tế còn để cháu bực mình là chả được miếng nào sất! Già rồi còn làm trò. Bà ấy là phó giáo sư, tiến sĩ đấy. Thế mà...”.

 

Bà mẹ của chủ quán muốn lấy lòng khách sộp nên xuýt xoa: “Ừ, trông mày thế mà khổ, là người kiếm tiền nhiều nhất trong nhà nhẽ ra phải thông cảm và hiểu cho mày chứ!”.

 

Được thể, Vân Anh tiếp tục: “Vâng, cứ lằng nhằng là cháu chuyển sang căn hộ khác cháu ở, chả cần thằng chồng vô tích sự suốt ngày bênh mẹ chằm chặp...”.

 

Khi chị Vân Anh bước ra khỏi quán, nhiều người nói với nhau: “Lời chào cao hơn mâm cỗ, vật chất đối với người già là thứ yếu vì già rồi họ cần gì đâu. Cách cư xử khéo léo, lễ phép mới khiến họ vui lòng. Mẹ chồng đến không thèm chào hỏi thì tôm hùm, vây cá mập cũng chẳng là gì đối với bà ấy”.

 

Gia đình anh Phạm Định (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) khá giả, vợ chồng đều có địa vị ngoài xã hội nhưng cuộc sống của họ luôn khiến hàng xóm nhức đầu.

 

Chị Thúy Mai (vợ anh Định) kiếm được nhiều tiền hơn chồng, nên coi thường chồng và gia đình nhà chồng ra mặt. Vợ chồng anh cùng quê ở miền Trung nhưng bố mẹ vợ thì ra chơi thường xuyên. Trong khi bố mẹ chồng, hàng xóm chỉ thấy mặt vài lần trong 10 năm kể từ ngày họ mua nhà về đây ở.

 

Thậm chí, chị còn cấm các con gọi cụm từ “ông bà nội” khi gọi điện thoại. Nhiều lần, anh Định nổi nóng: “Cô vừa vừa thôi, sống tử tế để phúc đức cho con. Nhà mình 2 thằng con trai, sau này cô cũng làm mẹ chồng đấy!”. Chỉ nghe chồng nói vậy, mà cô ăn vạ cả tháng trời. Chì chiết chồng, gào khóc ầm ĩ... Thấy vậy, anh Định cố nhịn cho gia đình yên ổn. Thi thoảng, anh lại bí mật báo hiếu bố mẹ, biết là không đàng hoàng nhưng anh cũng không muốn cuộc sống nặng nề khi biết vợ anh là người không “cải tạo” được.

 

Hoán đổi vị trí

 

Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền, GĐ TT tư vấn Người bạn tri kỷ Hà Nội cho biết: Hầu hết những mối quan hệ “nàng dâu, mẹ chồng” dạng này thường xảy ra ở những gia đình mà người con dâu nắm chủ quyền kinh tế. Họ thường là trụ cột kinh tế hoặc kiếm nhiều tiền hơn chồng. Thái độ thiếu tôn trọng mẹ chồng đôi khi là một cách phản ánh gián tiếp rằng: Họ không tôn trọng chồng.

 

Tiến sĩ Lê Tiến Hùng (Nguyên Giảng viên Đại học Sư phạm I) cho rằng: Xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ càng ngày càng độc lập hơn về kinh tế, nên đa số đều muốn ra ở riêng. Mối quan hệ “mẹ chồng - nàng dâu” hay ngược lại là “nàng dâu - mẹ chồng” từ xưa đến nay thường được coi là phức tạp.

 

Trước đây, con cái khi lập gia đình vẫn phải ở nhờ nhà bố mẹ nên người con dâu ở vào thế “phụ thuộc”. Ngày nay, đa số con cái đều muốn ra ở riêng. Tuy nhiên, nhiều gia đình do khó khăn về kinh tế nên vẫn phải chấp nhận sống chung. Đặc biệt, sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành phố tạo nên những gia đình trẻ là người ngoại tỉnh. Nhiều trường hợp, bố mẹ ở quê phải theo con cái ra thành phố sinh sống. Lúc này, bố mẹ lại là người ở nhà con, phụ thuộc vào con. Nếu những gia đình này, người con dâu vừa là trụ cột gia đình, lại coi thường chồng thì bi kịch “nàng dâu - mẹ chồng” rất dễ nảy sinh.

 

Thời nào cũng vậy, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu thuộc về đạo lý và nhiều người quan niệm đó là cái nợ đồng lần. Tôn trọng mẹ chồng chính là tôn trọng chồng, tôn trọng chính mình và là tấm gương để con cái soi vào.

 

Theo Trúc Vy

Gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm