Phụ nữ nên đòi hỏi nhiều hơn!

TS. tâm lý học John Gray - Hoa Kỳ chia sẻ: Phụ nữ hãy học cách đòi hỏi, kể cả khi bạn biết trước rằng người đàn ông của mình có thể sẽ nói “không”.

 
Phụ nữ nên đòi hỏi nhiều hơn! - 1


Đòi hỏi dù biết có thể bị từ chối

 

Phụ nữ thường ngần ngại khi muốn đề nghị chồng tham gia làm một việc gì đó trong nhà. Họ nghĩ rằng việc nhà dù gì đi chăng nữa cũng là việc của mình và họ luôn thường trực nỗi lo lời đề nghị sẽ bị từ chối và xung đột xảy ra.

 

Hơn nữa, với phụ nữ thì việc người đàn ông làm gì đó cho họ tất cả đều nên xuất phát từ sự tự nguyện và thấu hiểu một cách tinh tế.

 

“Nếu anh ấy yêu tôi, anh ấy phải tự biết nên làm gì cho tôi” -  nhiều phụ nữ nói thế. Nhưng rồi muôn đời phụ nữ cứ mãi đau khổ về việc đàn ông không hiểu mình, không biết mình muốn gì. Cũng vì tự ái, họ một mực giữ im lặng, từ việc “không muốn hỏi” thành ra “không thèm hỏi”. Đàn ông thì càu nhàu: “Em muốn gì thì em phải nói ra, cứ im lặng thế làm sao anh biết anh phải làm gì!”.

 

Cảm giác của phụ nữ tốt hơn đàn ông, và vì thế, phụ nữ cũng nên hiểu một điều ngược lại là cảm giác của đàn ông không tốt bằng họ. Đàn ông sinh ra trên đời đóng vai trò là một “sinh vật” ngốc nghếch bên cạnh người phụ nữ tinh tế. Họ thường ít tự biết nên làm gì, họ tư duy rõ ràng hơn, trực diện hơn nên họ luôn nghĩ rằng phụ nữ nên nói ra những gì họ muốn.

 

Do vậy, khi phụ nữ im lặng, họ nghĩ rằng người phụ nữ của mình không đòi hỏi gì thêm cả. Họ cứ bình thản nhận về những chăm sóc của phụ nữ và ngày một ì hơn trong việc “đối đãi lại sao cho phải phép”.

 

Đến một ngày, người phụ nữ quyết định thay đổi. Họ đột ngột đòi hỏi nhiều hơn bình thường một chút và người đàn ông lập tức nghĩ rằng: “Điều đó thật không hợp lý”. Họ đã quen với việc vợ mình không đòi hỏi sự chăm sóc ngược lại và họ cho như vậy là đúng, họ thẳng thừng nói “không” mà chẳng thấy áy náy gì hết.

 

“Tuy nhiên không vì thế mà phụ nữ nên ngừng đòi hỏi”, John cho biết. “Ai cũng có quyền nói không với một lời đề nghị họ cho là không hợp lý. Song đó sẽ là cả một nghệ thuật nếu bạn để chàng trai của mình được tự do nói “không” để có lúc anh ta nói “có”. Quan trọng là khi chàng nói “không”, bạn nên để cho chàng thấy rằng chàng không mất đi sự tin yêu của bạn, để chàng thấy thoải mái khi phải từ chối và bạn cũng cảm thấy thoải mái khi đề nghị”.

 

Và John cũng đưa ra cách “lập trình” để đàn ông nói “có” với những lời đề nghị giúp đỡ của phụ nữ. Theo đó, làm cho đàn ông cảm thấy được giúp đỡ vợ mình là một điều thật đáng tự hào, thật đáng yêu là cách tốt nhất khiến họ vui vẻ nhanh nhảu nói “có” đối với những lời đề nghị từ phía vợ.

 

Cách mạng toàn diện

 

Khiến đàn ông cảm thấy “được làm việc cho vợ là một niềm vinh dự”, thật không đơn giản! Cần một quá trình dài, một người phụ nữ kiên nhẫn, đủ biết trân trọng chồng, quý trọng bản thân và quan trọng hơn hết, biết cách đánh giá những gì chồng mình làm được.

 

Nếu bạn “sai” chồng ra ngoài đường mua bánh vào lúc 10 giờ đêm thì bạn nên biết cách biến cuộc “sai khiến” đó thành một lời đề nghị nghiêm túc nhưng đầy thiện chí, và cho anh ấy được hưởng nụ cười tươi tắn kèm lời cảm ơn khi anh ấy quay về.

 

Điều đó khiến người đàn ông cảm thấy họ như vừa làm được một điều rất tốt. Khi đó, họ còn cảm thấy được tình yêu của mình dành cho vợ và thấy mình là một người chồng tốt. Điều này sẽ kích thích đàn ông nói “có” nhiều hơn trong những tình huống tương tự.

 

Ngoài việc để đàn ông nhận thấy được họ đang làm việc vì người phụ nữ của mình, dần dần bạn sẽ tạo được cho chồng thói quen biết chăm sóc trở lại.

 

“Nói thì rất dễ nhưng để lôi kéo đàn ông vào những việc đó lại là một điều vô cùng khó”, TS Tâm lý học Trần Thu Hương, phụ trách chuyên ngành Tâm lý học Lâm sàng Pháp ngữ, ĐHKHXH&NV cho biết: “Vì đối với những người phụ nữ đó, đòi hỏi không phải là bản chất của họ. Có thể đôi khi họ nhìn thấy những người phụ nữ khác được chồng hỗ trợ rất nhiều và họ cũng muốn mình được như thế. Họ về nhà, nói với chồng rằng: “Anh nấu canh cho em nhé!”, chồng họ sẽ lập tức phản ứng. Và với bản chất đã quen chịu đựng, mọi chuyện  lại trở về như xưa”.

 

Không có một công thức duy nhất nào áp dụng được để “cải tạo” các ông chồng cả. Quan trọng là phụ nữ cần hiểu chồng mình, hiểu mình có thể làm được đến đâu và tìm được cách phù hợp để không dẫn đến bùng nổ xung đột.

 

Thay đổi một thói quen là điều rất khó, nó đòi hỏi sự cố gắng lớn từ cả hai phía chứ không phải chỉ vì đột nhiên người vợ thấy chồng mình cần phải thay đổi. Nó cần một tác động thật lớn, nó phải là một cuộc cách mạng thực sự chứ không phải là những thay đổi hời hợt nếu không người chồng sẽ chỉ cảm thấy vợ mình đột nhiên đòi hỏi phi lý và thật lắm điều.

 

Theo Thùy Ninh

Gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm