Phải làm gì khi gia đình thành "sàn đấu"?

Đầu xuân, 2 chuyên gia tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình chia sẻ chuyện nhiều cặp vợ chồng liên tục thay nhau vào vai "nạn nhân - hung thủ" không lối thoát.

Nhưng xét cho cùng "nửa kia" không phải là hung thủ gây đau thương cho bạn, và bạn cũng không phải là nạn nhân trong những xung đột hay mâu thuẫn gia đình.

Chuyên gia tư vấn Tình yêu - Hôn nhân - Gia đình Nguyễn Đức Quỳnh: Hãy nâng đỡ nhau thay vì mỗi người ở một chiến tuyến

Khi đặt từ "nạn nhân" và "hung thủ" bên cạnh tình yêu, tôi thấy rất đau lòng. Nhưng thực tế có rất nhiều những cuộc hôn nhân rơi vào tình cảnh như vậy. Nhiều gia đình không còn là gia đình, bỗng trở thành sàn đấu với những trận chiến không hồi kết. Nhiều vợ chồng không còn là vợ chồng, mà liên tục thay nhau vào vai nạn nhân - hung thủ không lối thoát.

Những mâu thuẫn hôn nhân là chuyện không thể tránh khỏi. Vấn đề là mỗi người cần học cách để tự chữa lành những tổn thương ấy và nuôi dưỡng tình yêu vô điều kiện nơi mình để đón nhận, bao dung, nâng đỡ lẫn nhau. Bởi nếu không có tình yêu đích thực ấy, chúng ta sẽ luôn ôm lấy oán giận rồi tìm mọi cách để trả đũa qua lại… Cứ thế, cuộc chiến này không bao giờ dừng lại.

Phải làm gì khi gia đình thành sàn đấu? - 1

Những mâu thuẫn hôn nhân là chuyện không thể tránh khỏi. Ảnh minh họa.

 

Giải pháp ở đây là gì? Trước tiên bạn đừng bao giờ cho mình là nạn nhân trong bất cứ tình huống nào. Cảm thấy mình là nạn nhân chính là động cơ thúc đẩy bạn trở thành hung thủ, và bạn bắt đầu châm ngòi cho trận chiến trả đũa. Và rồi bạn lại thấy có lỗi khi gây tổn thương cho nửa kia. Bạn lại trở thành nạn nhân, một vòng lặp "nạn nhân - hung thủ, hung thủ - nạn nhân". Đó là điểm "kích nổ" biến tình yêu thành thù hận, cả hai sẽ dẫn nhau đi xuống địa ngục, chẳng đem đến cho nhau điều gì ngoài thương đau.

Bạn cần hiểu rằng, gốc rễ của mọi tổn thương là nằm ở chính bản thân mình. Bạn đã có sẵn nơi mình những vết thương lòng âm ỉ. Bình thường nếu không ai động đến, chạm đến thì không thấy đau. Nhưng chỉ cần đối phương vô tình hay lỡ lời chạm đến là vết thương ấy trỗi dậy và làm bạn đớn đau.

Thế nên, xét cho cùng, người kia không phải là hung thủ gây đau thương cho bạn, và bạn cũng không phải là nạn nhân trong những xung đột hay mâu thuẫn giữa hai người. Có chăng thì cả hai bạn đều là nạn nhân của "cái bản ngã, cái tôi" với hàng núi những tổn thương chưa được chữa lành.

Vì vậy khi khi hai vợ chồng xảy ra những xung đột hãy biết yêu nhau hơn và cùng nhau tìm về suối nguồn tình yêu thuần khiết để cùng được chữa lành. Hãy đứng về một phía để dìu dắt nhau, nâng đỡ nhau thay vì mỗi người ở một chiến tuyến "nạn nhân - hung thủ, hung thủ - nạn nhân".

Phải làm gì khi gia đình thành sàn đấu? - 2

Vợ chồng khi về chung một nhà, mọi thứ đều nên bình đẳng. Ảnh minh họa.

 

Chuyên gia tư vấn Hôn nhân - Gia đình Tuệ An: Vợ chồng hơn nhau ở chữ NHỊN

Vợ chồng có thể hơn nhau tuổi tác, nhưng không phải lấy đó là lý do để bắt ai phải nghe ai.

Vợ chồng trước khi lấy nhau có thể hơn kém nhau địa vị, Nhưng về chung một nhà, mọi thứ đều nên bình đẳng.

Trước khi kết hôn vợ chồng có thể hơn nhau về điểm xuất phát, nhưng khi về chung sống một nhà thì điểm xuất phát là như nhau.

Tiền tài và địa vị đâu thể làm nên hạnh phúc cuộc hôn nhân, mà vợ chồng chỉ hơn nhau ở chữ NHỊN là đủ. Hôn nhân cũng làm gì có sự tồn tại của thắng - thua - thiệt - hơn, bởi trong cuộc sống không thiếu gì những lúc nóng nảy buồn bực. Nếu ai cũng vì "cái tôi" to tướng mà cãi cho bằng được thì những đổ vỡ nhỏ sẽ dẫn đến đổ vỡ lớn, chuyện đổ vỡ chỉ là ngày một ngày hai.

Làm chồng cần biết thương vợ. Vợ biết điều gia đình tự khắc yên ấm. Chồng biết nhịn vợ thì vợ càng yêu chiều và tôn trọng chồng nhiều hơn. "Cái tôi" cao trong tất cả các mối quan hệ đều không nên có, trong gia đình càng tuyệt đối không có.