Phá thai nhiều tuần tuổi, nữ sinh 14 tuổi hồn nhiên nói "cắt vụt đi"

Nguyên Hoài Phong

(Dân trí) - Một thai nhi bị phá ở tuần 31 vứt cạnh thùng rác ở Hà Nội được giải cứu là lời cảnh báo về nguy cơ phá thai lớn. Hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà phải nói là phi nhân tính.

Hồn nhiên phá thai 

Thai nhi ở tuần 31, là một bé trai có cân nặng 1,6kg, chào đời với hình thức... bị phá bỏ. Đứa trẻ được một nhóm tình nguyện phát hiện ở thùng rác rồi được các y bác sĩ cứu sống một cách thần kỳ. 

Trường hợp này làm nhiều người tiếp tục phải rùng mình về vấn đề phá thai, đặc biệt là phá thai lớn - một sinh mệnh đã có hình có hài. 

Phá thai nhiều tuần tuổi, nữ sinh 14 tuổi hồn nhiên nói cắt vụt đi - 1

Em bé được cứu thần kỳ khi bị phá bỏ ở tuần 31 (Ảnh: Minh Nhật)

Phải nói, trường hợp bào thai 31 tuần bị phá bỏ chỉ là "tảng băng nổi". Việc phá thai lớn diễn ra không ít khi rất nhiều bạn trẻ có quan hệ tình dục nhưng lại cực kỳ ngô nghê không biết mình có thai hoặc biết lại tìm cách che giấu. Phụ huynh lại không đủ sâu sát, quan tâm đến con. 

Trong lần chia sẻ với PV Dân trí, PGS.TS Vũ Thị Nhung, nguyên giám đốc Bệnh viện Hùng Vương kể, bà đã từng gặp rất nhiều trường hợp nữ sinh 14, 15 tuổi... mang bụng bầu nhiều tuần tuổi đến bỏ thai. 

Có trường hợp nữ sinh mới 14 tuổi, được mẹ đưa đến phá thai đã lớn tuần. Khi đó, bác sĩ cảnh báo với gia đình, phá thai lớn có thể gây vỡ tử cung, nguy hiểm đến tính mạng. Cô bé hồn nhiên đáp: "Cô cứ cắt vụt nó đi ạ".

TS Vũ Thị Nhung bày tỏ, nguy hiểm nhất của tình trạng tuổi vị thành niên phá thai là các em vướng vào thai lớn. Nhiều em không hề biết mình mang thai, chỉ khi thai to bố mẹ phát hiện ra rồi tức tốc đưa đi giải quyết. Có trường hợp biết mang bầu lại tìm cách bó bụng rất chặt để che mắt mọi người.

Trong lần tập huấn về sức khỏe sinh sản vị thanh niên cho giáo viên TPHCM, bác sĩ Đặng Phi Yến (chuyên viên Sở Y tế TPHCM) cho biết, rất nhiều nữ sinh đi bỏ thai rất hồn nhiên. Các em chỉ muốn làm cho xong để kịp giờ đi học.

Nhiều em còn ít tuổi đã bỏ thai lần 2, lần 3 và không quan tâm gì đến hậu quả về lâu dài. 

Ám ảnh cả đời

Theo TS Vũ Thị Nhung, việc nạo phá thai có thể làm chảy máu, thủng tử cung, vỡ tủ cung. Phá thai càng lớn thì càng nguy hiểm. Nạo xong nếu sót nhau thì sẽ nhiễm gây viêm dính vòi trứng để hậu quả về sau rất nghiêm trọng.

Với những thai lớn, bác sĩ sẽ thúc thuốc ép sinh non, các em còn độ tuổi con nít đã phải trải qua một ca sinh đẻ thật sự nên khó tránh việc gặp phải chấn thương tâm lý rất khủng khiếp.

Phá thai nhiều tuần tuổi, nữ sinh 14 tuổi hồn nhiên nói cắt vụt đi - 2

Việc phá thai không chỉ ảnh hưởng thể chất mà còn có thể gây sang chấn tâm lý về lâu dài (Ảnh minh họa)

Chưa kể, khủng hoảng tâm lý này có thể kéo dài, ám ảnh đeo đẳng, dai dẳng suốt cuộc đời mà về sau, các em không dễ lãng quên hay tha thứ cho bản thân. 

Theo số liệu công bố dịp dịp kỷ niệm ngày Tránh thai thế giới 2019, hàng năm, Việt Nam có trên 250 - 300 nghìn ca phá thai, tỷ lệ có thai vị thành niên là 2,4% trên tổng số phụ nữ có thai; tỷ lệ phá thai ở vị thành niên là 1,5% trên tổng số ca phá thai (2017). 

Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, vị thành niên, thanh niên cần phải được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như:

Thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên, thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng. 

Điều chúng ta phải làm là giáo dục kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản cho thế hệ trẻ. Trong đó, dạy các em phải biết giữ gìn thân thể, có kiến thức về phòng tránh thai.

Bác sĩ Vũ Thị Nhung cho hay, các em phải hiểu kiến thức cơ bản nhất là nếu có quan hệ tình dục là có thể có thai. Việc phát hiện sớm là cực kỳ quan trọng để tránh nguy cơ thai lớn.

Bố mẹ phải có sự sâu sát, quan tâm, chia sẻ với con. Chứ thực tế không ít trường hợp, thai lớn tướng trẻ và bố mẹ... té ngửa.  

Phá thai trên 22 tuần là vi phạm pháp luật 

Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho biết, theo khoản 1 Điều 44 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989: “1. Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.”. 

Những trường hợp nhất định pháp luật nghiêm cấm không được phép phá thai như loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính, phá thai trên 22 tuần tuổi.