Ở biệt thự nhà giàu, tôi vẫn như giúp việc vì quan niệm lạ của mẹ chồng
(Dân trí) - Mẹ chồng tôi quan niệm, chỉ có giặt bằng tay mới thể hiện được sự trân trọng với quần áo của chồng và cho thấy sự quan tâm của người vợ.
Ngày bước chân lên xe hoa, cha mẹ và họ hàng của tôi tự hào, vì con gái được gả vào một gia đình danh gia vọng tộc, không phải lo gì về vật chất.
Sau khi cưới, chúng tôi sống trong biệt thự trị giá chục tỷ đồng với cha mẹ chồng. Nhìn cuộc sống của tôi, ai cũng ao ước. Thế nhưng, đằng sau niềm hạnh phúc bên ngoài là biết bao nỗi lo giấu kín đằng sau.
Từ ngày vợ chồng tôi còn yêu nhau, mẹ chồng tương lai tỏ ra khó tính. Trong lần đầu tiên về ra mắt, sau khi tôi rửa bát xong, bà còn kiểm tra rồi đưa ra quy tắc rửa bát của gia đình gồm 5 bước, ai ở đây cũng phải làm theo.
Mỗi lần tôi về nhà cùng bạn trai, nấu món gì, ăn ra sao, uống như thế nào cũng được mẹ chồng tương lai chú ý rất kỹ. Tôi biết điều đó, nhưng không bao giờ khó chịu. Bởi, người già luôn đòi hỏi sự chỉn chu ở con dâu cũng là điều dễ hiểu.
Sau khi cưới, tôi được mẹ chồng nêu lên một loạt nguyên tắc làm vợ, làm dâu trong nhà. Từ chuyện đối nhân xử thế, chuẩn bị cơm nước, tề gia nội trợ đều rất khuôn phép. Từ bé, tôi được bố mẹ dạy bảo kỹ càng nhưng vẫn cảm thấy "choáng" trước các nguyên tắc dành cho nàng dâu mới của mẹ chồng.
Mẹ chồng tôi yêu cầu, nếu chồng đi làm trước, vợ phải đứng ở cửa để tiễn cho đến khi ô tô ra khỏi cổng. Khi chồng về nhà, vợ phải chuẩn bị nước uống hay đon đả chào đón để người đàn ông cảm thấy được an ủi, động viên.
Về chuyện đối nhân xử thế, mẹ chồng tôi yêu cầu không được lên tiếng khi có khách, nếu như chưa được phép của chồng và cha mẹ. Ngoài ra, tôi không được kể lể, phàn nàn với gia đình bên chồng về chuyện trong nhà kẻo "họa từ miệng mà ra".
Trên đây chỉ là một vài quy định do mẹ chồng yêu cầu. Ở trong căn biệt thự giá chục tỷ, bên ngoài bề thế, bên trong không thiếu thứ gì nhưng tôi không được dùng máy giặt. Mẹ chồng cho rằng, làm vợ trong gia đình, việc bếp núc và giặt giũ là kỹ năng cơ bản nhất. Cho nên, giặt quần áo bằng tay cũng là cách để thể hiện sự nâng niu của vợ đối với đồ đạc của người chồng.
Mẹ chồng tôi quan niệm, chỉ có giặt quần áo bằng tay mới kiểm tra được hết vết bẩn ở cổ áo, trang phục không bị nhanh hỏng đặc biệt là với sơ mi, quần Tây văn phòng.
Theo yêu cầu của mẹ chồng, tôi chỉ được dùng máy giặt khi bị ốm hoặc lúc ốm nghén sau này. Hiện tại, tôi chưa quá vướng bận con cái nên phải tự giặt quần áo cho cả 2 vợ chồng. Mẹ chồng tôi muốn thấy được sự quan tâm của con dâu với con trai của bà qua những hành động nhỏ như vậy.
Tôi không ngại giặt tay nhưng sống ở một gia đình giàu có, máy giặt mua hàng xịn nhất mà không cho sử dụng là điều kể ra không ai tin. Tôi phàn nàn chuyện này với chồng, anh cũng ái ngại. Thế nhưng, tôi hiểu mẹ chồng là người toàn quyền quyết định mọi việc ở gia đình này. Vì vậy, anh khuyên nên làm theo và sẽ hỗ trợ tôi khi mẹ không ở nhà.
So với giặt máy thì giặt tay là công việc khá vất vả nhất là với người còn đi làm công việc giờ hành chính. Thêm nữa, tay của tôi dị ứng với xà phòng. Mỗi lần giặt xong, tay thường bị bong tróc da, đôi khi bị rớm máu, đau rát. Nguyên nhân tình trạng này do cơ địa gây ra, nên bôi thuốc cũng chỉ đỡ được một thời gian.
Đôi khi tôi tự hỏi, có phải chồng tôi quá nhu nhược nên không đứng ra bảo vệ vợ? Hay do mẹ chồng quá độc đoán nên bố chồng hay chồng tôi đều coi "im lặng là vàng"?
Chưa bao giờ tôi sợ giặt quần áo như thời gian gần đây, mỗi lần giặt xong không những mệt mỏi mà tay còn rớm máu. Bàn tay trắng nõn thời con gái không còn, đôi khi tôi không dám xòe tay cho đồng nghiệp xem vì xấu hổ.
Mỗi lần tôi phàn nàn, mẹ chồng tôi cho rằng chỉ cần bôi thuốc vài hôm là khỏi. Mẹ chồng còn kể, thời xưa không có máy, mọi người vẫn có thể giặt sạch mọi thứ nên bây giờ không có gì là không làm được bằng tay. Từ đó, tôi không muốn kêu ca nhiều vì có phàn nàn cũng không nhận được sự thông cảm.
Sau mỗi lần giặt, phơi quần áo, tôi tự nghĩ, làm dâu nhà giàu tưởng sướng mà có nhiều điều không ai tưởng tượng được nếu mẹ chồng quá khắt khe, cổ hủ. Giàu về vật chất thật đấy, nhưng tinh thần và sự áp lực đè nặng không phải ai cũng thấu hiểu.