Nữ tiến sĩ bật khóc trước tin cô gái sẩy thai giấu gia đình đi xin con
(Dân trí) - Thai phụ mất tích ở Bắc Ninh, được tìm thấy ở Gia Lai cùng với một sự thật nghẹn đắng: Cô bị sẩy thai, nhưng giấu gia đình, rồi âm thầm tự đi xin con.
Mới đây, công an Gia Lai thông tin về sự việc thai phụ T.T, 22 tuổi, được thông báo mất tích ở Bắc Ninh từ ngày 2/12.
Chị T. có thai nhưng không may bị sẩy vào tháng thứ 5. Chị giấu gia đình, vờ vẫn như đang mang thai. Qua mạng xã hội, chị biết có gia đình khó khăn ở Gia Lai, không có khả năng nuôi con nên ngỏ ý nhận nuôi và được đồng ý.
Khi biết người mẹ sắp sinh, chị T. vào Gia Lai để đón cháu bé. Chồng chị ở nhà lên mạng tìm kiếm vợ bầu vì nghĩ vợ bị bắt cóc. Sau đó, đến ngày 5/12, từ Gia Lai, chị T. gọi về cho gia đình báo mình đã... sinh con.
Khi thông tin bị vỡ lở, được biết, chị T. đang chịu rất nhiều áp lực. Trên mạng xã hội, không ít ý kiến phán xét, trách móc người mẹ.
Khi phụ nữ phải gạt bỏ nỗi đau của mình
TS giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền (Đại học East Anglia, Vương quốc Anh) chia sẻ, khi đọc được tin cô gái bị hỏng thai vào tháng thứ 5 nhưng phải giấu gia đình, xin con của người khác, cô khóc một chặp giống như bị "ma nhập".
Cô khóc vì thương cảm cho cô gái trẻ, áp lực phải sinh con phải chăng quá lớn đến nỗi cô không đủ can đảm để nói ra việc mình đã hư thai?
"Tôi hình dung lúc mất con ở tháng thứ 5 đã là một nỗi đau rất lớn của cô. Vậy nhưng, nỗi đau ấy phải gạt bỏ đi, và bị che lấp bởi nỗi sợ: Sợ đối diện với sự thất vọng của chồng và gia đình chồng khi biết con/ cháu của họ không còn? Rốt cuộc thì cô gái này đang quan tâm đến cảm xúc của ai?", bà Huyền nghẹn đắng đặt câu hỏi và thấy khó ai trả lời thay cô ấy.
Rồi bây giờ, lúc này đây, ai sẽ bảo vệ cô gái ấy? Cô còn đoạn đường dài phía trước, rất cần gia đình bao dung sau chuyện này.
Theo cô Huyền, trong câu chuyện này áp lực chuyện sinh con của những người
"Rất nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi biết tôi kết hôn gần 13 năm và chưa sinh con. Câu hỏi phổ biến: Ơ, chồng không bắt sinh à? Nhà chồng không nói gì à?", TS Nguyễn Thị Thu Huyền.
phụ nữ đã kết hôn như một công thức mặc định: lấy chồng thì phải sinh con.
"Rất nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi biết tôi kết hôn gần 13 năm và chưa sinh con. Câu hỏi phổ biến: Ơ, chồng không bắt sinh à? Nhà chồng không nói gì à? Đi kèm là bình luận: Lo sự nghiệp quá phải không? Lo kiếm tiền không cần con luôn à?
Và sự ngạc nhiên của mọi người còn lớn hơn khi nghe tôi trả lời: Ơ, em mới là người quyết định sinh con hay không chứ. Mẹ chồng tôi bảo: Con muốn thì sinh, chứ thằng A. (tức chồng cô Huyền) không có quyền quyết định thay con".
Cô Huyền cũng chia sẻ, đến giờ cô mới đường hoàng trả lời vậy, chứ năm cô 30 tuổi, không chịu nổi áp lực này, cùng với những nỗ lực với bao đau đớn, cô rời Việt Nam đi học tiếp.
"Mình nhớ trước đó có những tháng ngày mình chỉ nằm ở nhà, vừa sợ hãi phải gặp người khác, vừa thất vọng với bản thân. Mình từng đập đầu vô tường một cách tuyệt vọng. Thực chất lúc đó mình đã lờ mờ nhận ra điều gì không ổn ở đây: Mình có thực sự sẵn sàng sinh con? Mình có thực sự mong muốn? Cuộc đời của mình có coi như là bỏ đi nếu mình không sinh được con?
Câu trả lời là không rõ ràng, nhưng mình không dành đủ thời gian để suy nghĩ, vì mình bị cuốn theo sự hối thúc của gia đình, sự mặc định của mọi người xung quanh về trách nhiệm của một phụ nữ đã kết hôn", cô chia sẻ. Theo cô, mình vốn là một phụ nữ mạnh mẽ và luôn giữ quyền tự quyết các vấn đề của bản thân. Vậy mà có lúc đã không vượt qua áp lực từ người khác mà theo đuổi điều mình chưa thực sự muốn.
Việc sinh con, quyền quyết định cuối cùng phải ở người phụ nữ
Cô Huyền kể thêm tình huống, thời gian ở Anh, cô ở cùng chị M., người phụ nữ có 4 đứa con với 3 người chồng khác nhau. Một cô gái 19 tuổi, xinh đẹp phải quần quật với tã lót, tiếng khóc la và cả hàng ngàn việc không tên của một người mẹ. Sau 3 lần chia tay, sinh 4 người con, chị đều là người nuôi con dù rất vất vả.
Chị rất yêu con (tất nhiên) nhưng nếu thời gian quay trở lại, chị sẽ không chọn sự ra đời của chúng theo cách đã từng. Chắc chắn thế! Những đứa con đều đến khi chị chưa sẵn sàng hoặc không thực sự muốn. Chục năm trời thanh xuân chị quay cuồng với con cái.
"Cách nay 2 tháng, chị ấy nhắn mình rằng sẽ quay lại học tiếp sau khi đứa con gái út đã tốt nghiệp trường nghề. Gần 50 tuổi, chị mới được làm những việc mà lẽ ra những năm 20 chị nên làm", cô Huyền bày tỏ.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền tâm tư, kể những câu chuyện khác nhau như vậy để muốn nói: Có con như mong muốn là điều tuyệt vời nhưng không có con chưa hẳn là điều rất tồi tệ.
TS Nguyễn Thị Thu Huyền: "Sinh con là một lựa chọn, không phải là một nghĩa vụ, nhất là đối với phụ nữ"
Với nhiều người, có con ngoài ý muốn có thể là điều tệ hơn cho chính họ lẫn đứa trẻ. Quan trọng nhất, việc sinh con, quyền quyết định cuối cùng phải ở người phụ nữ khi họ thực sự muốn và thực sự sẵn sàng.
Cô chia sẻ thêm, cách đây hai tuần, sếp của cô nói với cô: Nếu em muốn sinh con thì phải chắc chắn rằng em muốn có con!
"Đây cũng là điều mình muốn nhắn gửi đến tất cả những người phụ nữ quanh mình. Kể cả nếu là phụ nữ độc thân, bạn vẫn có quyền có con nếu bạn thực sự muốn và thực sự sẵn sàng", TS Nguyễn Thị Thu Huyền nói.