Nỗi lòng ở rể

(Dân trí) - Thành vốn là kĩ sư xây dựng, rời Thanh Hóa lên Hà Nội lập nghiệp. Sau khi cưới vợ Thành ở rể, phần vì tiện công tác, phần cũng do nhà vợ neo người.

 
Nỗi lòng ở rể - 1


Ban đầu cuộc sống của hai vợ chồng tốt đẹp. Mỗi tháng vợ chồng anh góp cho mẹ vợ 1 triệu tiền nhà. Hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối mới về nên cũng ít va chạm.          

 

Khi đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc đón đứa con đầu lòng cũng là lúc mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Có con, vợ chồng Thành vất vả hơn. Lương nhà nước ba cọc ba đồng chẳng đủ trang trải cuộc sống. Vợ chồng đành gửi con cho bà ngoại, với suy nghĩ đơn giản, có cháu ở nhà bà sẽ vui hơn.

 

Thế nhưng bà tỏ ra không hài lòng về số tiền ít ỏi mà vợ chồng Thành đóng góp. Mới đầu chỉ là những lời bóng gió xa xôi, dần dần sự khó chịu bộc lộ ra mặt.             

 

Rồi mẹ vợ bắt đầu ca cẩm: “Vợ chồng chúng mày đi làm từ sáng đến tối mới về, bỏ con quấy khóc ai mà dỗ mãi được”. Đôi lúc bà nói thẳng: “Nuôi con nhỏ tốn kém, 1 triệu sao đủ…”. “Con bé ba tuổi mà bà kêu ăn tốn kém, vậy mà bà nuôi một đàn chó Becgiê sáu con, sáng nào cũng cho chó ăn thịt bò với trứng vịt lộn” - nghĩ vậy nhưng Thành nào dám nói . Song cũng từ đó thái độ của Thành với mẹ vợ đổi khác. Vừa mất tiền vừa mang tiếng là phụ thuộc. Anh lầm lì, ít nói hơn.

 

Thành bàn với vợ ra ở riêng nhưng vợ anh không muốn, thế là đâm mâu thuẫn. Gần đây nhất Thành ra tối hậu thư: “Nếu cô không đi, tôi đi, cô thích thì cứ ở lại đó mà sống”.

 

Cũng gần giống hoàn cảnh của Thành, Tiến về nhà vợ ở rể sau khi cưới. Gia đình vợ Tiến có hai chị em, Tiến là con rể thứ hai. Vợ chồng Tiến không mấy khi xảy ra xích mích như vợ chồng anh chị cả, có chăng cũng chỉ là những lúc giận hờn của vợ Tiến.

 

Có điều làm Tiến không hài lòng là mỗi khi mẹ vợ lên tiếng dạy bảo con gái đầu: “ Mày không hạnh phúc thì chia tay đi, đời này không thiếu gì đàn ông, bỏ nó tao lấy cho mày đứa khác”. Đã có lần Tiến góp ý, chuyện của vợ chồng anh chị để anh chị tự giải quyết, mẹ không nên can thiệp. Đang lúc bực tức bà nhạc nói cho Tiến một thôi chẳng ra gì. Hoá ra từ trước tới giờ bà chả coi Tiến ra gì. Nhà bà nên bà muốn nói gì chả được. Chẳng trách ông chồng thứ hai cũng không ở được với bà.         

 

Cô con gái đầu nghe lời bà bỏ chồng, lấy chồng thứ hai cũng không hạnh phúc. Bà ác nghiệt với đàn ông nên ghét lây sang cả con rể. Thấy không thể sống được với mẹ vợ, Tiến bàn với vợ về quê nội chứ không chịu sống cảnh này. Vợ Tiến không muốn về bởi trước đây mối quan hệ của Tiến và vợ bị gia đình bên nội phản đối. Tình cảnh trở nên tiến thoái lưỡng nan, vợ chồng lại to tiếng.            

 

 Đa phần đàn ông không ai muốn ở rể. Họ thà chịu khổ chứ không chịu nhục, chịu “mang tiếng”. Nhưng đôi khi vì chưa có điều kiện kinh tế, vì tiện công việc, vì gia đình nhà vợ ít người, vì lí do tế nhị... nên họ đồng ý  ở rể. Dẫu vậy, bản chất đàn ông coi trọng thể diện,  nên khi mâu thuẫn với mẹ vợ, họ ngay lập tức muốn đưa vợ con ra ở riêng.

 

Các cô vợ lại lo rằng cuộc sống bên ngoài sẽ bấp bênh khi chưa đủ lực về kinh tế, hoặc không muốn về nhà nội làm dâu, vì thế  hai vợ chồng không thống nhất được quyết định, dẫn đến xung đột, người đi kẻ ở.

 

Giải pháp trong tình thế này là mỗi bên cần nhượng bộ nhau. Nếu mâu thuẫn giữa con rể - mẹ vợ tiến triển theo chiều hướng quá xấu, việc chuyển ra ngoài là không thể trì hoãn được. Khi ấy, người vợ nên thuận theo chồng, chung vai gánh vác giai đoạn đầu có thể

khó khăn. Hãy tiên liệu trước những khó khăn ấy, lên kế hoạch cho cuộc sống mới cụ thể, rõ ràng.

 

Nếu sự việc không đến mức quá nghiêm trọng, người con rể không nên để ý từng li từng tí những câu nói của mẹ vợ. Hãy tìm giải pháp ứng xử cho phù hợp. Bà nào cũng yêu cháu, người mẹ nào cũng thương con, hãy xem đó là “điểm mạnh” của mẹ vợ để bỏ qua những lúc “ác khẩu” của bà.

 

Minh Tâm