Nỗi lo tết giữa hai nhà

Tết đến, làm sao chu toàn chuyện lễ nghĩa với cha mẹ hai bên là vấn đề đau đầu của nhiều gia đình, nhất là những gia đình trẻ. Nhiều ứng xử mà “đôi trẻ” tưởng hợp lý đã khiến ngày tết mất vui.


Bên trọng bên khinh



Bên trọng bên khinh

Tết càng cận kề, chị Thu Hồng, 30 tuổi ở quận 1, TP.HCM thêm thở dài: “Tết đến phải lo đủ thứ. Vừa lo cho chồng, cho con, rồi phải lo sao cho đẹp lòng cha mẹ hai bên”. Bởi, cũng vì vô ý mà năm ngoái chị Hồng có một cái tết không vui vì bị mẹ ruột… làm mặt lạnh. Số là mùng 3 tết, sẵn dịp đi chùa gần nhà sui gia, mẹ chị Hồng ghé vào thăm hỏi. Nghe bà sui khen con gái mình mà bà… tủi thân. Thì ra, năm nào con gái bà cũng may quần áo mới cho ba mẹ chồng, mua mai chưng tết, trang hoàng nhà cửa rồi lo cả mâm cúng tổ tiên. “Vậy mà nó chỉ mang về nhà cha mẹ ruột một giỏ bánh trái chưng bàn thờ ông bà là xong trách nhiệm. Đúng là nữ sanh ngoại tộc!”, bà thầm trách con. Biết mẹ giận, chị Hồng phân trần: “Thì ba má cũng đã có anh chị Hai lo đâu thiếu thứ gì. Đâu cần con phải lo nữa”. Nguyên do chồng chị Hồng là con trai trưởng trong nhà, dưới còn hai cô em gái chưa chồng. Là dâu trưởng, chị Hồng phải phụ chồng quán xuyến, làm tròn chữ hiếu với cha mẹ chồng. Chị nghĩ đơn giản, bên nhà chị thì vợ anh Hai, chị dâu chị cũng phụ chăm lo cha mẹ chồng giống như chị. Vậy mới ra cớ sự!

Cũng vì chuyện chăm lo cho “nhà anh” hay “nhà em” mà vợ chồng anh Thanh Dư thường xuyên hục hặc. Anh Dư, năm nay 34 tuổi, rất có hiếu với mẹ. Nhà ở quận 11, TP.HCM nhưng cuối tuần nào được nghỉ làm là anh lại tìm mua những thứ mẹ thích rồi phóng xe máy về Long An thăm mẹ. Giáp tết, dù nhà còn có em trai và em dâu, anh vẫn tranh thủ về nhà mẹ quét dọn nhà cửa, gói bánh tét, chọn mua bánh mứt đầy đủ. Trong những lần như thế, vợ anh chỉ góp mặt thăm hỏi cho đúng lễ. Sau nhiều lần như vậy, anh Dư trách vợ: “Chưa bao giờ anh thấy em mua thứ gì về tặng cho má vui”. Vợ anh đáp trả: “Thì mọi chuyện đã có anh lo hết rồi, tui lo làm chi nữa. Với lại anh cũng đâu có chăm lo gì cho gia đình bên tui”!

Cần hiểu được nhau

Bà Thuỷ đang ngồi tám chuyện với mấy bà hàng xóm ngoài sân, thì con gái chở về lỉnh kỉnh đồ đạc. Bà Thuỷ khoe: “Con tui mua về chuẩn bị tết cho tui đó”. Vậy là, đề tài của mấy bà liền chuyển sang chuyện lo tết của con cái. Trong đó, có chuyện lo tết cho cha mẹ của Quốc Minh, con trai bà Út Phượng nhà kế bên. Sáng 30, vợ chồng anh Minh dẫn hai con sang chúc tết bà nội, bỏ bao lì xì mừng mẹ 1 triệu đồng. Thắp nhang xong, cả nhà cùng ngồi ăn bữa cơm cuối năm. Sáng mùng 1, gia đình nhỏ của anh khăn gói về nhà cha mẹ vợ ở Đồng Tháp ăn tết đến mùng 4. Vợ chồng anh cũng chuẩn bị 5 triệu đồng lì xì cho cha mẹ vợ. Nghe tới đây, bà Thuỷ chỉ trích: “Con trai mà sáng mùng 1 không về thắp nhang cho ông bà tổ tiên. Lại còn lì xì cha mẹ vợ nhiều hơn. Cái này chắc do vợ nó xúi”. Bà Phượng giải thích thay con: “Không phải đâu, phải hiểu mà thông cảm cho tụi nó”.

Cha mẹ vợ của anh Minh ở tận trong cồn, đất đai chỉ vừa đủ cất căn nhà để ở. Gần 70 tuổi mà ông bà vẫn phải đặt lờ bắt cá tự nuôi thân vì các con ở gần đó đứa nào cũng nghèo. Hai vợ chồng anh Minh chỉ chờ dịp tết để dẫn con về thăm ông bà ngoại. Còn mẹ anh đã có ba đứa em phụng dưỡng rất chu đáo, nhà gần nên anh có thể lui tới thăm viếng mẹ thường xuyên.

Ngoài các trường hợp trên, một thực tế phổ biến là chồng hoặc vợ có xu hướng thiên vị cha mẹ ruột hơn, cũng là lý do khiến vợ chồng xích mích. Nhiều ý kiến đưa ra cách giải quyết là hai vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận một khoản chi dự trù dành tặng cha mẹ hai bên. Còn chuyện mua gì, tặng gì sẽ do các chị em tự quyết. Chị Ngọc Trinh ở quận 8 thì tiết lộ “tuyệt chiêu”: “Khoản chung thì đã có rồi, muốn tặng thêm bên nào thì cứ âm thầm đưa riêng!”

Sao cho vẹn đôi đường?

Nhận xét về cách hành xử trên, TS Võ Văn Nam, giảng viên khoa tâm lý giáo dục, đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, với trường hợp chị Thu Hồng, dù chị đã về nhà chồng nhưng không thể phó mặc chuyện chăm lo cha mẹ cho chị dâu. Hai bên gia đình cần được đối xử ngang bằng, bình đẳng. Hơn nữa, gia đình là nơi mình sinh ra và lớn lên, máu mủ ruột rà không nên coi thường. Cần có thái độ ứng xử theo kiểu nội ngoại tương bề, phu thê bình đẳng. Với vợ chồng anh Thanh Dư, cần coi trọng các đấng sinh thành như nhau. Chuyện nhà của anh Quốc Minh, cách đối xử với gia đình nhà vợ là đáng hoan nghênh, nhưng anh cũng cần lưu ý không vì cha mẹ đã có các em lo mà mình ít quan tâm. “Người Việt Nam có truyền thống trọng đạo tứ thân phụ mẫu, bao gồm cha mẹ mình và cha mẹ vợ/chồng, bên nội cũng như bên ngoại đều phải coi nhau như ruột thịt”, ông Nam nói. Về “tuyệt chiêu” của chị Ngọc Trinh, ông Nam cho rằng không được hay lắm, vì “việc phụng dưỡng, giúp đỡ cha mẹ hai bên là đạo hiếu, không có gì phải lén lút, cần có sự bàn bạc công khai giữa hai vợ chồng. Vì nếu mọi chuyện vỡ lỡ, tình cảm vợ chồng sẽ sứt mẻ”, ông Nam lưu ý.

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý tình yêu hôn nhân Trần Ngọc Châu, cộng tác viên trung tâm Nhịp cầu hạnh phúc (TP.HCM), vấn đề quà cáp lễ nghĩa cho cha mẹ hai bên phụ thuộc bài toán kinh tế của hai vợ chồng và phải lên kế hoạch trước. Hai vợ chồng cùng bàn bạc công khai, thẳng thắn, ôn hoà. Một lưu ý nhỏ, người phụ nữ thường chủ động đưa ra ý kiến khiến người chồng có cảm giác đang bị vợ chỉ đạo. Người xưa có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, vì vậy các chị em cần khéo léo trong khi bàn bạc để tránh cơm không lành, canh chẳng ngọt.

Theo SGTT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm