Những sai lầm khi nuôi dạy con hầu hết cha mẹ Việt mắc phải
Tất cả các phụ huynh làm cha mẹ đều mong muốn mang lại những điều tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, một số phụ huynh lại mắc lỗi trong quá trình nuôi dạy con, để lại hậu quả tới sự phát triển tương lai sau này của trẻ.
Nhiều cha mẹ Việt có những sai lầm khi dạy con nhưng không phải ai cũng nhận ra. Dưới đây những sai lầm phổ biến của cha mẹ Việt trong việc nuôi dạy con cái.
So sánh con với người khác
Trong thực tế, rất nhiều bố mẹ hay so sánh con mình với con người khác, thường dùng những câu đại loại như: “sao con đạt điểm thấp thế, bạn A được những 10 điểm cơ đấy” hoặc “bạn B ngoan thế mà con lại hư vậy…”, “con làm mẹ/bố phát điên lên ấy. Con nhà người ta vừa học giỏi lại biết thương yêu bố mẹ còn con thì…”.
Điều này sẽ dẫn đến việc tạo ra khoảng cách giữa bố mẹ và con cái. Không một đứa trẻ nào muốn mình bị đem ra so sánh với đứa trẻ khác, nhất là lại kém hơn.
Mỗi bé có những khả năng, điểm mạnh, điểm yếu riêng. Hãy nhìn nhận những điểm tốt và giúp con phát triển chúng thay vì so sánh.
Vợ chồng dạy con không nhất quán
Ngày hôm trước, bạn yêu cầu con tự dọn dẹp đồ chơi, nhưng sang đến ngày hôm nay, bạn lại tự dọn dẹp mà không nói một lời. Hôm qua, bạn rất tức giận và phạt con vì nghịch ngợm nhưng hôm nay bạn vui vẻ và cho phép con làm mọi thứ chúng muốn trong suốt cả ngày. Khi mẹ đang cau mày thể hiện sự không vừa ý với hành vi của trẻ, bố lại nhìn trẻ mỉm cười.
Đây là những ví dụ về môi trường không ổn định, khiến trẻ bối rối không biết mình có đang làm đúng những gì bố mẹ mong đợi hay không. Sự không ổn định này có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển lòng tự trọng, gây tổn thương và trầm cảm. Do đó, bạn nên chú ý đặt ra những quy tắc và giới hạn thích hợp, nghiêm túc tuân thủ để trẻ hiểu về những gì sắp xảy ra và làm thế nào để ứng phó với nó.
Dọa dẫm con
"Con có nín khóc không, mẹ sẽ đưa con đi bác sĩ/gặp chú cảnh sát" - câu nói dọa dẫm này có thể khá hiệu quả, nhưng các nhà tâm lý học khuyên phụ huynh không nên dùng cách này.
Thực tế, khi sợ hãi, trẻ không thể suy nghĩ chi tiết về hành vi của mình. Thay vào đó, trẻ sẽ rất lo lắng mỗi nhìn thấy cảnh sát, bác sĩ hay những người mà bố mẹ thường lôi ra để dọa nạt. Ngoài ra, do não bộ đã quen xử lý nhanh thông tin gây sợ hãi, trẻ sẽ càng dễ cảm thấy sợ hãi hơn.
Quá bao bọc con
Nhiều bố mẹ đang vì yêu thương con mà không phát hiện ra là mình đang bao bọc con.
Các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng, chỉ cần có tình yêu thương của cha mẹ sẽ giáo dục được con cái. Quan niệm này hoàn toàn sai. Khi trẻ biết mình lúc nào cũng được yêu chiều, chúng sẽ trở nên ích kỷ, thậm chí sẽ sử dụng “vũ khí” này để đạt mục đích.
Khi 4-5-6 tuổi, con đã có thể tham gia vào một phần công việc nhà thì nhiều bố mẹ vẫn phục vụ con từ A đến Z, thậm chí có rất nhiều con học lớp 3-4 vẫn được xúc cho ăn.
Sai lầm ở đây là bố mẹ chỉ biết phục vụ mà không hề dạy con phải thực hành thế nào.
Những đứa trẻ đó sẽ không tự lập được vì không được dạy về trách nhiệm của bản thân. Từ bé, bố mẹ chưa dạy con các kỹ năng để con tự lập thì chắc chắn khi lớn lên các con không thể tự lập được.
Thưởng không đúng cách
Các bố mẹ hay chia sẻ với nhau, con làm được điều gì thì thưởng, cho đi chơi... Đó là một điều phi lý, như vậy là bố mẹ đã làm ngược. Ăn, học là cho con, không phải cho bố mẹ. Với những đứa trẻ vốn dĩ hay được bao bọc, thậm chí con chưa cần bố mẹ đã đáp ứng mọi thứ, điều này sẽ rất tệ hại.
Đơn giản là con được ăn, con được mặc, con được ở, con được đi học, con được đi chơi, tất cả là do bố mẹ đang cho con thì con phải có trách nhiệm, nghĩa vụ làm tốt những việc của con bởi những điều đó sẽ tạo dựng một tương lai tốt đẹp cho chính con.
Không dạy tiếng Việt tốt
Nhiều bố mẹ cho con học ngoại ngữ từ sớm mà quên việc dạy tiếng Việt cho con thật tốt. Ngôn ngữ tiếng Việt cần được phát triển trong cả quá trình dài, trong 10 năm đầu đời, thì con mới có thể có khả năng giao tiếp tốt.
Bố mẹ nên dạy con nói từng câu, từng chủ đề, từng vấn đề. Đi từ việc nói cho người khác hiểu, đến việc biết phản biện, đặt câu hỏi, giải quyết các vấn đề con gặp phải thông qua giao tiếp.
Bỏ mặc con
Bố mẹ nào cũng muốn con thông minh, muốn con tự lập trong suy nghĩ và tự giải quyết được các vấn đề của mình nhưng nhiều bố mẹ hầu như đang bỏ mặc con.
Do stress, do quá bận rộn với công việc nên bố mẹ sẵn sàng để con chơi với điện thoại, máy tính bảng, tivi... để được yên thân, để đỡ bị làm phiền. Từ đó vô tình khiến con bị thụ động, phụ thuộc vào công nghệ, chỉ xem, chỉ nghe mà không có sự tương tác, không thể phát triển tư duy.
Không lắng nghe con
Một sai lầm nữa là bố mẹ luôn muốn con bản lĩnh, tự tin nhưng lại không hề lắng nghe chính kiến của con, không tôn trọng chia sẻ của con, luôn nghĩ rằng con còn bé, chẳng biết gì cả, ý kiến của con không đúng, con chỉ nên nghe bố mẹ diễn thuyết.
Điều này khiến cho con ngay từ khi còn nhỏ đã bị áp đặt, không biết đưa ra ý kiến, không biết phản biện vấn đề, trở thành đứa trẻ không có lập trường, không có chính kiến. Thậm chí, nếu đứa trẻ có cảm xúc mạnh, bí bách quá có thể có những cảm xúc, hành vi và thái độ tiêu cực.
Kỳ vọng quá cao ở con
Chẳng ai muốn con mình trở thành kẻ thất bại nhưng một số người lại đặt ra kỳ vọng quá cao. Những kỳ vọng sẽ thúc đẩy trẻ có động lực và thể hiện tốt hơn, nhưng nếu mục tiêu không thực tế, trẻ có thể mắc các chứng rối loạn như mất ngủ, giận dữ, mệt mỏi hoặc lo lắng.
Tránh những chủ đề nhạy cảm
Một số phụ huynh có xu hướng tránh thảo luận các chủ đề liên quan đến giới tính và tình dục với con. Ngay cả khi con đã là thanh thiếu niên, họ vẫn nghĩ chủ đề này quá nhạy cảm, để con tự tìm hiểu ở trường hoặc từ bạn bè.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu khoa học, quan điểm này thể hiện sự vô trách nhiệm của phụ huynh. Nếu bố mẹ thường xuyên phớt lờ và không trò chuyện nghiêm túc để định hướng, thanh thiếu niên có thể quan hệ tình dục sớm hoặc thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn.
Cha mẹ dạy con tự phụ
Mỗi hành động, suy nghĩ của cha mẹ khi dạy con trẻ cũng làm ảnh hưởng đến chúng. Khi cha mẹ cho trẻ suy nghĩ về việc mình là người quan trọng nhất, chỉ có bố mẹ hoặc bản thân chúng là tài giỏi, là nhất, lúc nào cũng thích khoe khoang, hậu quả sẽ chỉ tạo ra những đứa trẻ có tính tự phụ, xem thường người khác không chỉ với người lớn mà cả với bạn bè. Điều này làm cho trẻ khó hòa nhập với môi trường xung quanh, nhất là với bạn bè ở lớp, ở trường.
Trách móc, lăng mạ trẻ
Trách móc con trước mặt người khác là điều không nên. Điều này có thể khiến trẻ tự ti và bị tổn thương. Tốt hơn hết hãy dùng những từ ngữ nhẹ nhàng để khuyên bảo bé. Nếu cần thiết phải trách mắng, hãy nói chuyện riêng với con.
Mỗi bé có những khả năng, điểm mạnh, điểm yếu riêng. Hãy nhìn nhận những điểm tốt và giúp con phát triển chúng thay vì so sánh.
Theo Châu Anh
Gia đình và Xã hội