Những ngày giáp Tết

(Dân trí) - Buổi sáng thức dậy, ngó ra vẫn thấy một màu trời bàng bạc. Mưa lắc rắc như thể đếm được từng hạt nhưng sẽ ẩm ương khó chịu cả ngày dài. Ấy vậy mới đúng tiết trời của mùa xuân xứ mình, đúng vị của những ngày giáp Tết.

Những ngày giáp Tết - 1

Dì bấm đốt tay, nhẩm ngày con cháu kéo nhau về quê. Nhà cửa đã dọn dẹp sạch sẽ, giường chiếu giặt giũ thơm tho chờ tụi nó. Mứt, bánh dì cặm cụi làm từ bữa đầu tháng Chạp. Anh bảo ở thành phố đâu thiếu gì, mà ở mình bây giờ cũng vậy, kể cả sắp giao thừa nếu cần vẫn có thể chạy ù ra chợ mua được bánh mứt nên dì làm chi cho cực. Nhưng dì hồ nghi mấy thứ bánh mứt chẳng rõ nguồn gốc ở chợ đâu mang mùi vị của sự ngóng trông, mùi vị của kỷ niệm. Dì cần mẫn làm cốt yếu để anh nhớ hương vị anh hằng yêu thích ngày xưa.

Già nua mỏi mệt, mệ run rẩy cầm chiếc bát để đón lấy chút cháo của đoàn thiện nguyện. Mình bảo, tay mệ run quá để tý con bưng vào giúp. Mệ cười móm mém, rưng rưng nước mắt. Trò chuyện hồi lâu, mới hay bởi con cháu xa xôi, bởi neo đơn tuổi già nên vài ba cử chỉ giản đơn đã làm ấm lòng một người già cô quạnh. Tết nhất đến nơi còn ở bệnh viện, vị những ngày giáp Tết của mệ là bát cháo ấm tình sẻ chia.

Chẳng hiểu sao, mỗi lần bắt gặp hình ảnh mệ già lụm đụm lại thấy hao hao bóng dáng nội mình. Từ ngày nội mất, đám cháu con ít về quê. Khu vườn từng màu nhiệm khi có nội, mùa này sẽ sum trái và đơm hoa. Hình dung, nội chống gậy giữa sân đứng ngóng đứa cháu nào lại nhà. Người cười hiền, miệng đỏ môi trầu ôm mấy đứa mà hun chùn chụt. Mùa sum họp cận kề cứ nhớ quay quắt những người chẳng còn gặp lại. Chuyến đi dài đã mang họ rời ta mãi mãi, chỉ gặp lại trong hình dung và ký ức, trong những yêu thương đã từng hiện diện.

Thường ngược đời với đám đông chộn rộn, khi người ta ao ức Tết đến nhanh, mình chỉ mong những ngày giáp Tết kéo dài. Không khí người người hối hả, tất bật làm việc này việc kia thấy thương quá đỗi, mong những ngày này dài thêm ra để bao người cơ cực có thêm ít ngày mưu sinh. Chú vừa phụ hồ, vừa nhận chở hàng cho người ta. Hàng hóa nặng chở xe lớn sẽ tốn tiền nhiều hơn nên đôi người cũng vì tiết kiệm mà gọi chú. Chú mừng lắm dù chất hàng lên, xe nghiêng ngả lảo đảo. Năm này qua năm khác, những ngày giáp Tết bao giờ cũng mặn vị mồ hôi.

Người ta lại đang tranh cãi có nên bỏ đi ngày Tết cổ truyền, để hội nhập, để làm giàu. Mình nghĩ nông cạn nên chỉ mong đời sống này vừa đủ và hạnh phúc. Sự giàu có biết bấy nhiêu cho đủ khi lòng người luôn có một lại muốn hai, thậm chí đòi hỏi được năm hay mười. Tết là mùa sum vầy, là ngày cháu con làm ăn xa xứ, quanh năm không có dịp gửi lời thăm hỏi mẹ cha cũng gắng gượng về nhà nên vui và hạnh phúc lắm chứ. Tết, trẻ nhỏ chẳng phải gánh gồng cặp sách nặng trĩu, chạy đua từ lớp học này sang lớp học nọ, được hồn nhiên và vui tươi đúng nghĩa…

Cứ trách Tết bây chừ khác với ngày xưa mà không hay rằng tại người ta tự thay đổi và làm không khí đổi thay theo. Nếu thích, mẹ và con gái vẫn có thể nhen lên bếp lửa thơm mùi khói ngồi sên mứt gừng ấm cay. Cả nhà quây quầy gói bánh chưng, bánh tét biếu ông bà nội ngoại. Thi thoảng, lại thấy xao lòng trước vài hình ảnh đầm ấm hệt vậy.

Chỉ là đừng quan trọng hóa những món quà biếu tặng để đo lòng nhau, cân đếm tình cảm vô hình bằng vật chất hữu hình chi được. Huống hồ, người xứ mình yêu thương còn ngại nói, bao sự thể hiện thái quá cũng chỉ để bày biện đẹp đẽ bên ngoài.

Vốn dĩ ở đời, nếu miệt mài cố gắng sẽ có ngày ta đạt được những thứ sờ nắm được như chiếc ghế chức cao vọng trọng nào đó, như ngôi nhà rộng lớn hay chiếc xe đời mới…Có điều, sự bình an trong tâm thì dễ gì, đôi người bất chợt nhận ra đã trễ tràng day dứt. Vậy nên, nếu tặng lời chúc cho người khác, mình hay chúc người ta bình an. Mong mỏi cằn cỗi và khắc nghiệt trong lòng chẳng còn đeo mang để vị những ngày giáp Tết luôn đẫm thiết tha, ngọt ngào.

Diệu Ái