Những cô dâu nhà họ “Tham”
(Dân trí) - Không phải cái tham nào ở họ cũng xấu, cũng đáng bị lên án, nhưng xét cho cùng, biết cân bằng, biết giữ cho mọi điều ở mức vừa đủ mới là cái hay trong nghệ thuật làm vợ của người phụ nữ.
Tham công tiếc việc
Lấy chồng chục năm trời, chị Minh vẫn giữ khư khư cái tính tham công tiếc việc. Anh xã nhà chị đến giờ có lẽ cũng chán đến tận cổ rồi. Bảo rằng lấy được vợ biết chăm lo, quán xuyến gia đình thì ai mà không thích. Nhưng như chị thì hơi quá, phải nói là rất “ôm đồm”.
Ngoài 8 tiếng đi làm cơ quan, ở nhà hiếm khi thấy chị ngơi tay. Hết lau chùi dọn dẹp phòng ốc, lau tủ, lau đồ, lại quanh quẩn nấu cơm, phơi phóng, giặt giũ.
Anh đọc báo thấy người ta dạy sắp xếp thời gian làm việc nhà khoa học lắm, ví như tuần giặt đồ 2 lần vào thứ Ba và thứ Sáu, thức ăn đi siêu thị mua sẵn để tủ lạnh bảo quản tốt dùng được cho cả tuần, lau chùi dọn dẹp thì thứ Bảy hay Chủ Nhật cả nhà cùng xắn tay… Thế mà chẳng hiểu chị tinh thông ở đâu đâu!
Cơ quan cũng có người kiêng nể chị cái danh phó phòng. “Chức tước” là thế, nhưng hôm nào nhiều việc thì nhà cũng thành công sở. Những khi ấy, vùi đầu vào tài liệu, chị vẫn không quên quát con mắng chồng, than trách sao việc nhà thế mà anh chẳng làm được.
Tham đó bỏ đăng
Hoài Thu ngắm lại mình trong gương một lần nữa, rồi với vẻ mặt mãn nguyện, cô bước ra khỏi nhà, lên con LX 125 láng coóng thẳng đường đến cơ quan.
Cái xe ấy, dung nhan tươi trẻ nhờ mỹ phẩm xịn ấy, và cả mớ đồ hiệu Thu tự tin khoác trên người, đều do một tay cô kiếm về cả. Đợi Quân thì đến mùa quýt chín!
Quân tiếng là chồng Thu, nhưng hai người ngày càng khác nhau nhiều. Thời sinh viên họ cũng được xem là “mối tình đẹp”, hai người cùng hướng đến một tương lai giản dị trong đó có nhau. Đám cưới đến không khiến ai bất ngờ.
Từ ngày Thu bỏ nghề dạy học tiếng Anh, đầu quân cho một công ty kinh doanh địa ốc có vốn đầu tư nước ngoài, những va chạm mới khiến cô thay đổi.
Vốn tính thông minh, tư duy nhạy bén lại sắc sảo trong công việc, Thu tích lũy được nhiều kinh nghiệm và vượt lên khá nhanh. Đồng nghiệp thán phục, sếp lớn để mắt là lợi thế giúp lương tăng, vị trí tăng mà “màu mè” cũng lắm.
Thay da đổi thịt, trông Thu thêm mặn mà, đài các. Quan hệ rộng, Thu quay ra chê Quân “ù lì”, “chậm tiến”, “ôm mãi cái chân trưởng phòng mà không biết đường hưởng lộc, cũng chẳng xoay ra chỗ tiến”.
Hình ảnh Quân làm wallpaper trong điện thoại đã bị thay bằng anh tây mũi lõ, từng là đối tác, giờ là “bồ”, kiêm cái “bánh bao” của Thu.
Tham quyền “trụ cột”
Bệnh tham không chỉ dừng ở các cô gái trẻ mà tấn công cả những “gừng già”, vốn được xem là đầy kinh nghiệm chèo lái hạnh phúc gia đình. Nhãn tiền thì các bà vợ tham quyền trụ cột được đánh giá là giỏi giang, điều khiển được chồng, hay mĩ miều hơn thì là được chồng yêu, chồng chiều, chồng… sợ. Nhưng về lâu về dài, nhất là khi đã vào tuổi tứ, ngũ tuần, mới thấy hết cái nguy của cảnh “vợ trụ cột, chồng… cụ chột”.
Cô Xuân lấy chồng giám đốc kỹ thuật một công ty làm ăn phát đạt vốn hàng chục tỉ đồng, nhưng cứ về nhà gặp cô là chú… mất điện. Những lúc vui miệng cô vẫn nói “vía chú sợ vía cô”. Quả thực, ngay từ hồi vợ chồng son, cái vía cô đã át vía chú lắm.
Trong nhà việc lớn việc nhỏ chú đều bàn với cô. Nói là bàn cho có, chứ thế nào rồi cô cũng quyết, dù ý chú có thuận hay nghịch. Trẻ là việc đối nội, đối ngoại, dạy con, rồi chạy điểm, mua bằng cho chúng, chú để cô tự quyết, tự làm. Về già dựng vợ gả chồng cho con, cô cũng… tự lo, rồi xây nhà, cho con ra ở riêng, cũng lại một tay cô nốt.
Lúc trẻ là chú nhường, về sau khi đã già, mệt mỏi rồi thì thành chú… sợ. Chú chẳng hơi sức đâu nghe người ác khẩu như cô “ca”, cứ để cô làm gì tùy thích. Chú đã quen nói “tùy em” mất rồi.
Tham thì thâm!
Người ngoài nhìn vào nói cô Xuân oai, có phúc, lấy chú là người kiếm ra tiền nhưng lại sợ cô, cái gì cũng theo cô răm rắp.
Đôi lúc cô nghĩ mình có phúc thật, nhưng khi mệt mỏi lại chạnh lòng: “Mình có phải đàn ông đâu mà việc gì cũng đến tay”. Giá mà ngay từ xưa cô nền nã hơn một chút, biết tôn trọng ý kiến của chú một chút. Giá mà cô không bướng bỉnh “chạy đua” vị trí trụ cột với chồng.
Đàn ông bao giờ cũng là nóc nhà, là người mang thiên chức chở che. Phụ nữ có “nhiệt tình” đến mấy cũng chỉ nên là người giữ gìn cho nóc nhà khỏi tốc, cho ngôi nhà mãi mãi là mái ấm mà thôi. Cái lý ấy, đến giờ cô có hiểu ra cũng đã đi hết hơn một nửa quãng đời.
Nói chuyện những cô vợ "tham đó bỏ đăng", may ra cũng vài người thành công, tức là bye bye được tình nghĩa cũ, theo chàng mới về dinh, tận hưởng cuộc sống đúng như mình mong muốn (dù chưa có ai dám chắc nó sẽ kéo dài bao lâu).
Nhưng Hoài Thu không thuộc hàng may mắn. Số phận ưu ái Thu hơi nhiều nên cũng muốn lấy bớt của cô cái gì đó. Anh tây mũi lo sau một thời gian làm việc tại Việt Nam, hết nhiệm kỳ quay về quê cha đất tổ, bỏ lại mối tình nồng thắm là Thu, cắt luôn cả khoản đưa nàng đi shopping, nước hoa, đồ hiệu, “màu mè” công việc cũng chẳng còn.
Hết phở thì về ăn cơm, tiếc cho Thu, cơm đã có người… ăn hộ. Biết mối quan hệ bất chính của vợ, chán ghét con người mới của cô, Quân thật lòng cảm mến người đồng nghiệp ở cơ quan. Cô ấy không đài các, không đẹp kiêu sa nhưng hiền lành và có trái tim biết yêu thương chân thật. Ngày Thu bày tỏ ý muốn “làm lại từ đầu” cũng là lúc Quân từ bỏ cái vỏ bọc “ù lì”, cam chịu, đưa ra trước cô vợ tân thời tờ giấy ly hôn.
Huyền Anh