Những chiều hư vô

(Dân trí) - Giờ thì tôi đã hiểu vì sao chiến tranh đã qua từ lâu, cuộc sống sôi động từng ngày mà cái thị xã nhỏ bé này vẫn buồn buồn trầm mặc, dù chiều hè nắng gắt nhưng sao thấy lành lạnh khi bước chân vào cổng Thành Cổ.

Những chiều hư vô



Lâu lắm rồi, dễ chừng hai mươi năm rồi hôm nay tôi mới có dịp quay trở lại Quảng Trị, cái thị xã nhỏ bé nửa quê nửa phố hôm nay đã khác xưa nhiều, đường sá rải nhựa hết, phố xá mọc lên nhiều hơn chỉ có nét ưu tư trầm mặc cố hữu là không thay đổi, phải chăng trên từng tấc đất ngọn cây vẫn lẩn khuất những linh hồn phiêu bạt.

Dòng Thạch Hãn lững lờ trôi mặc cho đổi thay của thế sự như muốn lưu giữ mãi trong lòng khúc tráng ca bất hủ để nghìn năm sau còn kể lại cho hậu thế… Ngày xưa khi còn học cấp ba, mỗi lần vào thăm tôi sau những câu chuyện ăn ở, học hành ba thường dắt tôi ra quán phở sát bờ sông, ba bảo đó là nơi ghi nhớ dấu chân của ba và những đồng đội lần đầu tiên đặt chân đến chảo lửa Quảng Trị trong mùa hè năm bảy hai ác liệt, ở đó cũng là trạm phẫu tiền phương sơ cứu cho thương binh trước khi đưa qua sông và ở đó cũng trong một buổi chiều u ám ba đã chứng kiến đồng đội mình hy sinh dưới làn đạn pháo ác liệt, tất cả, tất cả từ anh lính trẻ có gương mặt núng nính chưa một lần yêu, anh sinh viên tổng hợp văn năm thứ hai trường Tổng hợp chỉ trong nháy mắt bỗng trở thành hư vô… Sau ngày tái chiếm, kẻ thù man rợ dùng xe ủi tất cả xuống sông… Có lẽ đó là quãng thời gian bi tráng nhất, tột cùng đau thương nhất mà những anh lính trẻ như ba cảm nhận được và biết thế nào là cái giá của chiến tranh, nỗi đau ấy giờ đã hằn sâu thành những nếp nhăn trên gương mặt già nua khắc khổ mà mỗi lần kể chuyện ba thường đăm chiêu nhìn ra cõi xa xăm nào đó và rít thuốc liên tục.

Những buổi chiều từ chiến khu về những người lính như ba lại đứng chờ trời tối vượt sông bám địch. Cả bọn nghẹn ngào xúc động, Thành Cổ giờ chỉ còn đống gạch vụn tan hoang, lá cờ ba que bọn địch kéo lên sau ngày tái chiếm giờ rủ rượi giữa trời Đông ảm đạm…Đêm đêm ánh đèn dù như ma trơi lơ lửng lưng chừng trời như đốm lửa ma trơi khiến lòng uất nghẹn. Những lúc phải cắn chặt môi, kìm nén cảm xúc, giữ bình tĩnh trong những lần đấu khẩu nảy lửa với bọn tâm lý chiến ở nhà hòa hợp, ba bảo dường như có hàng trăm hàng ngàn những người đồng đội đã ngã xuống đang hiện về tiếp thêm dũng khí cho đồng đội đủ bản lĩnh khi các anh mặt đối mặt với kẻ thù… Với những người lính có lẽ ai cũng có cô du kích của riêng mình, dù là kỷ niệm mối tình đầu hay chỉ một lần gặp trong đêm vượt sông rồi thành nỗi nhớ mênh mang có khi vĩnh viễn không còn gặp lại thì vẫn là khoảnh khắc lãng mạn, đáng nhớ nhất trong cuộc đời, còn với ba ít khi nghe ba kể về cô du kích của mình chỉ khi nào có vài chén sương sương với bạn chiến đấu cũ ba mới kể…

Đó là những ngày cuối năm bảy hai khi đơn vị của ba từ chiến khu Ba Lòng về nắm tình hình địch, cô Duyên du kích ra tận quốc lộ đón đoàn, cô nhỏ nhắn xinh xắn nhất nên cả đơn vị ai cũng quý xem như em út của đơn vị. Nhanh nhẹn tháo vát của con nhà nghèo lại thông thuộc địa hình nên có cô cả đơn vị đều yên tâm. Có lúc cả tuần liền đạn pháo địch giã như vãi cát chặt đứt con đường tiếp tế, cả đơn vị hết gạo ăn nhưng rồi cô xoay xở thế nào cũng kiếm được ít gạo hẩm nấu cháo cho cả đơn vị cầm hơi… Thời điểm này tuy không còn quá ác liệt như trước nhưng dai dẳng trên tuyến giáp ranh, thỉnh thoảng bọn địch trong thành lại đánh nống ra giành đất trước khi Hiệp định Pa- ri ký kết. Cũng vào một buổi chiều cuối năm, cô dẫn đơn vị ra mấy hố bom gần đó tát cá về cải thiện nhưng rồi chưa kịp cá mú gì thì có lệnh chuẩn bị chiến đấu, trên đường lộ gần chục chiếc xe tăng đen trùi trũi dàn hình cánh cung cất tiếng gầm gừ như bầy ác thú, tiếng đạn pháo 105 ly rít cháy bầu trời, đạn B41 rát bỏng như bung màng nhĩ… Quần nhau với bọn thủy quân lục chiến đến sáu giờ chiều thì chúng phải rút, đơn vị thương vong nặng nề, đau xót hơn cả là cô Duyên mất tích, lệnh rút lui nhưng dường như chẳng ai để ý, đến xẩm tối mới tìm thấy xác cô trên bờ ruộng, cả khuôn ngực lãnh trọn một băng AR15, nát bét đôi mắt cô mở to nhìn bầu trời quê hương… Kể đến đây ba lại rít thuốc liên tục, những nếp nhăn xô lại trên gương mặt khắc khổ.

Giờ thì tôi đã hiểu vì sao chiến tranh đã qua từ lâu, cuộc sống sôi động từng ngày mà cái thị xã nhỏ bé này vẫn buồn buồn trầm mặc, dù chiều hè nắng gắt nhưng sao thấy lành lạnh khi bước chân vào cổng Thành Cổ có thể do mình cả nghĩ hay chính mình cũng đang lặng lẽ bước dưới buổi chiều hư vô thuở nào?

Đình Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm