Những bài học về quản lý chi tiêu

(Dân trí) - Các cụ vẫn thường nói “được mùa chớ phụ ngô khoai”, là có ý răn rằng khi bạn có rủng rỉnh tiền bạc thì vẫn phải luôn biết học cách chi tiêu. Nếu không, một lúc nào đó bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thất bát...

Giá đừng hoang phí

 

Nguyễn Tiến Công, Giám đốc Công ty Xây dựng Xuân Thanh (Cần Thơ) vào lúc phát triển nhất mỗi năm đạt lợi nhuận hàng tỉ đồng. Thoát khỏi nghèo khổ, có tiền, Công bắt đầu học thói “đại gia”, mua biệt thự, đất đai, ô tô “xịn” và về Sài Gòn ăn chơi hàng tuần. Bất ngờ đất đóng băng suốt 3 năm (2003 - 2005), hợp đồng không có, công nhân bỏ đi hết, Công lại rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất, và cuối cùng gia đình cũng tan nát theo.

 

Anh Bình ở Giảng Võ (Hà Nội) làm việc trong một công ty nước ngoài với mức thu nhập rất cao:  khoảng 15.000.000 đồng/tháng. Nhưng rồi lại thích cá độ bóng đá để mong giầu nhanh hơn. Cuối năm 2004 thì anh trắng tay vì cá độ.

 

Bao nhiêu tiền tiết kiệm cũng phải móc ra hết. Cuối cùng, Bình phải bán ngôi nhà đang ở để đi thuê một căn hộ và kiếm việc khác với mức thu nhập không lấy gì làm cao. Vợ anh than: “Không biết căn cơ tiết kiệm, bây giờ mất hết, trong nhà cũng chẳng còn gì”.

 

Ông Đặng Văn Hùng ở Ngọc Hà (Hà Nội) là cán bộ công chức nhà nước. Bao năm tằn tiện cũng chỉ tiết kiệm được gần trăm triệu đồng. Thế rồi chẳng hiểu ai xui, ông quyết định vay mượn của anh em bạn bè số tiền đến hơn 400 triệu đồng để xây nhà. Bây giờ cái nhà thì to nhưng hai vợ chồng ông suốt ngày chì chiết nhau vì nợ nần.

 

Không ít gia đình, khi có tiền không biết tiết kiệm, để phòng những sự cố như ốm đau, tai nạn, mất việc..., đến lúc gặp khó khăn lại phải đi vay, mà đã đi vay là cuộc sống trở nên rất bấp bênh rồi.

 

Học cách quản lý chi tiêu

 

Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (Bộ Thương mại) được coi là điển hình của việc biết cách quản lý chi tiêu. Chị lập một cuốn sổ chi tiêu trong tháng, chia làm 2 cột. Một cột ghi các khoản thu, một cột ghi các khoản chi. Hàng tháng ghi chép cẩn thận những gì phải chi và cân đối ngay được với nguồn thu. Nhờ vậy mà trong 5 năm chị đã gửi vào tài khoản tiết kiệm được một số tiền khá lớn.

 

Gần đây, anh chồng bị một trận ốm nặng, đồng thời nghỉ làm ở chỗ cũ, nhưng chị vẫn biết cách tiết kiệm, chắt chiu và sử dụng số tiền lãi suất từ khoản gửi tiết kiệm để chi tiêu cho gia đình. Dù không có thu nhập thường xuyên cao nhưng không vì thế mà gia đình chị Hạnh bị rơi vào tình thế khó khăn.

 

Biết cách quản lý chi tiêu là không tiêu hoang phí vào những thứ không thực sự cần thiết cho đời sống. Người Mỹ là tấm gương cho sự chi tiêu đúng mực. 70% người Mỹ đều đi những xe ô tô giá rẻ và cũ. Còn người VN thì cứ mua xe là phải cố gắng kiếm tiền, vay mượn mua xe thật xịn. Cuối cùng thì lại lâm vào tình trạng nợ nần.

 

Bạn cũng nên dành trong ngân khoản một khoản tiền để dù có rơi vào tình trạng khó khăn bạn cũng vẫn xoay xở được. Có khá nhiều gia đình cố gắng tiết kiệm để gửi ngân hàng số tiền 500 triệu hoặc 1 tỉ đồng. Hàng tháng rút ra vài triệu đồng chi tiêu cũng đủ cho một gia đình và như vậy họ chẳng phải quá lo lắng về tình trạng thất bát trong cuộc sống.

 

Đức Trung