Nhập gia tùy tục
Giang đứng rửa bát, miệng vẫn chẳng thôi làu bàu. Cô không nén nổi sự khó chịu, khi anh trai và chị dâu hễ về tới nhà là chui tọt vào phòng riêng, đến khi nào gọi ăn cơm mới thấy cả hai thò mặt ra và khi ăn xong thì cũng biến mất.
- Cha bố cô! Đừng giống bà cô già thế. Anh chị ấy đi làm về mệt, để anh chị ấy nghỉ ngơi, vậy mẹ mới sớm có cháu bế. Mày không làm thì vứt đấy, mẹ cất dọn xong rồi mẹ rửa.
Giang bực mình, gắt:
- Mẹ cũng dễ tính vừa thôi, chiều quá anh chị ấy hư rồi. Đời thuở nào dâu con về nhà chồng chỉ biết ngồi ăn, không biết dọn dẹp cái nhà bao giờ. Anh con cũng bênh vợ chằm chặp, không thể chịu nổi. Không biết thương cha mẹ gì cả.
Anh trai Giang từ trên gác xồng xộc chạy xuống, quát:
- Mày nói cái gì! Hỗn láo! Tao cho cái tát bây giờ! Liệu hồn cái thân mày đấy!
Vốn thẳng thắn, bướng bỉnh, Giang cãi:
- Em nói sai gì à! Ăn cơm xong, anh không biết lấy cho bố mẹ cái tăm, rót trà mời bố, hỏi han chuyện trò với mẹ câu nào mà đã tót vô phòng. Cơm đã không phải nấu, nhà chẳng phải quét, quần áo không tự giặt cũng chẳng biết tự rút vào, anh không thấy là anh chị sống ích kỷ quá sao.
- Bốp! - Đôi mắt anh trai Giang vằn đỏ.
- Anh tồi lắm! - Giang bỏ chạy vào phòng.
Cuối cùng đống bát đĩa bẩn đang rửa dở, thùng rác chưa đổ lại đến tay bố mẹ Giang. Ông bà chỉ biết nhìn nhau, chép miệng và lắc đầu. Họ nói với nhau:
- Tưởng không nói, lẳng lặng giúp con nhà cửa sẽ yên ổn, con cái nhìn thấy biết thương bố mẹ, ai dè...
Sáng hôm sau, lúc lên lấy quần áo của con trai và con dâu đem giặt, mẹ Giang thật sửng sốt khi cô con dâu giật lại cái áo trên tay mẹ chồng, giọng hờn dỗi, trách cứ:
- Mẹ để đó, chúng con tự giặt. Không khéo em Giang chiều về đay nghiến con tiếp. Trong nhà có bà cô đáng sợ quá! Thiết nghĩ bố mẹ về hưu rảnh rỗi, con mới để bố mẹ làm chứ nếu không thuê ô-sin cho đỡ mệt đầu.
- Bố mẹ cũng phải dạy con Giang thế nào chứ bướng bỉnh, quàu quạu thế, ma nó rước - Anh trai Giang hùa theo vợ.
Khuôn mặt người phụ nữ 60 tuổi nhăn nhó. Trong lòng bà, nỗi buồn không tên lẻn vào từ bao giờ. Mong con trai yên bề gia thất, có con dâu để đỡ đần việc nhà, việc cửa cho mình có thể đi đây đi đó thăm bạn bè, chẳng ngờ còn bận hơn.
Hai ông bà già lọ mọ từ 5 giờ sáng tập thể dục, quét sân, nấu nước, dọn dẹp, tưới cây và đi mua cả đồ ăn sáng cho cả nhà. Xong xuôi đâu đấy mới “mời” con trai, con dâu xuống ăn. Chúng ăn xong, vội vàng dắt xe đi làm.
Ông bà già ở nhà, quanh quẩn với những việc đi chợ, giặt giũ, lau chùi 4 tầng lầu rồi lại cơm với nước. Cái thú đọc báo lúc sáng sớm bên ấm trà của ông và gọi con bé hàng xóm sang nhổ tóc sâu cho bà dường như mất hẳn. Họ bận rộn như những người giúp việc cần mẫn, trách nhiệm.
Tối hôm sau nhà có giỗ, mẹ Giang đã dặn cả nhà phải về đúng giờ. Vì sao lại phải dặn thế? Bởi vì con trai và con dâu bà thường bỏ cơm đi ăn tiệm. Sau giờ làm, hai vợ chồng lang thang và ghé quán ngoài đường ăn bún, miến trong khi cơm ở nhà mọi người đang chờ.
Đáng giận nhất là nhiều khi chẳng đứa nào thèm gọi điện về cho bố mẹ, khiến hai ông bà có hôm chờ tới khuya. Nhà Giang có một quy tắc mà từ khi cưới con dâu về, nó đã biến mất. Đó là bữa cơm phải có đầy đủ các thành viên trong gia đình. Ai về muộn cũng chờ.
Mẹ Giang nói: “Mọi người làm thế để biết nghĩ về nhau, trách nhiệm và quan tâm tới những người thân trong gia đình, chứ không thể mặc ai người ấy làm. Sống trong một nhà không nên ích kỷ”. Vậy mà cô con dâu trẻ con, thích nhõng nhẽo của bà suốt ngày chỉ thích cơm hàng và ăn vặt ngoài đường. Có phải cơm nhà không ngon đâu. Hơn nữa, dâu con khi về nhà chồng, ít nhiều cũng phải “nhập gia tùy tục”, đằng này...
Dặn thế rồi nhưng khi họ hàng tề tựu đông đủ, cả nhà vẫn chưa thấy con trai và con dâu đâu. Gọi điện không ai nghe máy. Mãi đến khi mọi người đang ăn thì ông con trai gọi về, báo rằng:
- Con quên! Hôm nay tụi con phải đi mừng con sếp đầy tháng!
- Nga cũng đi à? Sao các con không nói sớm cho bố mẹ biết?
- Vâng! Nga cũng đi cùng. Cô ấy khéo nói, tâm lý nên vợ sếp con thích cô ấy lắm. Thôi! Điện thoại sắp hết pin, con cúp máy nhé.
Bà thầm nghĩ: “Chẳng hiểu con bé khéo léo ra sao, nhưng mình thấy chẳng biết cư xử với nhà chồng tý nào. Được nuông quá! Sau này rồi con mình khổ thôi”. Bà cố xua đi nỗi buồn vì sự vô tâm của các con.
Bà nhớ không ít lần, khi chỉ còn lại ông với bà, ông nói với bà:
- Tôi thương bà vô cùng. Không phải bây giờ mà từ lúc bà bước chân vào nhà làm dâu, làm vợ, rồi đến làm mẹ. Trước đây thời trẻ, bà vất vả vừa chăm con dại vừa phải chăm nom bố mẹ chồng một mình. Tôi đi chiến trường, hòn tên mũi đạn nhưng trong lòng quả thực rất yên tâm. Tất cả nhờ bà đã luôn chu đáo, khéo thu vén, chăm sóc gia đình đấy. Tôi thật không ngờ đến giờ bà vẫn chưa hết vất vả.
Không biết nếu nghe được những lời như thế, liệu anh trai và chị dâu Giang nghĩ gì nhỉ? Còn Giang, cô đang cố học nữ công gia chánh từ mẹ. Cô không muốn sau này mẹ buồn. Mẹ nói với Giang:
- Sau này, đừng để gia đình chồng nói mẹ không biết dạy con về cách cư xử. Con biết mẹ đôi khi phiền lòng về anh chị con, vì thế cũng đừng để mẹ chồng con phải buồn như mẹ. Mẹ chồng con dạy gì cũng phải biết lắng nghe. “Nhập gia tùy tục” thì gia đình mới hạnh phúc.
Giang thấy có cái gì đó mắc nghẹn ở cổ. Nhìn những sợi tóc bạc trắng trên đầu mẹ, cô muốn khóc quá chừng.
Hạnh phúc gia đình