Nhà có ba nàng dâu
(Dân trí) - Những tưởng dâu con đông đúc là phúc ai ngờ là họa. Nhà có ba nàng dâu, nhưng việc gì các nàng cũng đùn đẩy nhau, cuối cùng lại đến tay mẹ chồng.
Ông bà Thu có ba cậu con trai đều lập nghiệp xa quê. Không phải sống chung nhưng quan hệ giữa các nàng dâu với nhau và với bố mẹ chồng vẫn vô cùng căng thẳng. Mỗi năm các cậu chỉ đưa vợ con về nhà đôi ba lần. Cảnh nhà lúc đông đúc không hề đầm ấm như người ngoài nghĩ, mà trái lại toàn hờn trách, cãi vã chỉ vì những so đo, tính toán nhỏ nhen.
Giỗ Thành Hoàng làng, cả ba nàng dâu đều về góp mặt đông đủ. Mà không chỉ về tay không, cô nào cũng cố mang theo đặc sản nơi mình ở đem dâng lễ làng, để còn được bà con chiềng xóm xuýt xoa khen biết nguồn biết cội, biết trước biết sau. Có khi ba chị em dâu trừng nguýt nhau đến nổ máu chỉ vì lễ vật của người này to hơn, bộ áo dài mặc đi lễ của người kia trông sang hơn.
Nhưng giỗ ông nội, ba nàng lại thay nhau gọi điện ỉ ôi xin lỗi bố mẹ chồng vì bận công tác đột xuất, bận con ốm, bận làm báo cáo mà không về được. Nguyên do cũng tại tính ông bà Thu chẳng thích bày vẽ. Ông Thu là quan chức đã về hưu nhưng vẫn hay được đồng nghiệp, cấp dưới và dân trong làng, trong huyện lui tới thăm viếng, hỏi han. Giỗ cha, nếu tổ chức linh đình, thể nào cũng lại nhiều khách khứa đem quà cáp đến phúng viếng. Ông bà không thích mang ơn ngãi, nên chỉ tổ chức đơn giản. Mấy cô con dâu sợ dịp này về chẳng có thiên hạ để khoe mẽ, sợ phải loay hoay xó bếp hết đi chợ, nấu cúng, rồi lại phải dọn dẹp, rửa bát nên cố nghĩ ra trăm phương ngàn kế để chồng và bố mẹ chồng không thể ép mình về quê.
Cậy mình có đến 2 chị em dâu, nên cô nào cũng đùn đẩy cho nhau việc nhà chồng. Tết nhất mới là thê thảm. Riêng chuyện rửa bát cũng có thể gây nên chiến tranh lạnh. Đại gia đình hơn chục người đạp mâm cầm đũa xong để lại bãi chiến trường ngổn ngang. Nàng dâu cả vác bụng đi nằm miệng dẻo như kẹo kéo: “mẹ ơi con dọn ra đấy rồi tí nữa con đi rửa, giờ ăn xong buồn ngủ quá, con chợp mắt tí đã!”. Dâu thứ thấy chồng xách xe đi chơi Tết cũng xông xênh váy áo, đòi đi theo. Dâu út lúc nào cũng viện lí do phải bế con không thể động tay việc nhà, mà thằng bé đã gần 4 tuổi đầu, đâu còn nhỏ dại.
Bố chồng mắng mấy chị em lo rửa bát xong mới được nghỉ ngơi, đi chơi. Ba nàng ngọt ngào nhờ vả “thôi chị dọn hộ em hôm nay, hôm sau em làm bù” nhưng trong bụng thì so bì, mắt thì liếc xéo chồng sắc lẻm. Bà Thu thấy vậy bèn xua tay làm hòa bảo thôi để mẹ lo. Cuối cùng chỉ có bà và đứa cháu họ lúi húi dọn dẹp.
Việc nhỏ đã thế, việc đại sự còn ngao ngán hơn. Dường như cả ba cô chưa bao giờ ý thức được trách nhiệm làm dâu của mình. Lúc bàn chuyện sửa sang lại căn nhà, ba đứa con dâu chỉ trừng mắt nhìn nhau chẳng ai chịu mở ví đóng góp một đồng, đến nỗi con trai của ông bà phải lén vợ đưa tiền cho bố mẹ. Lúc ông Thu ốm đau nhập viện, các con dâu lại thay nhau đùn đẩy, chẳng ai chịu ở lại trông bố quá nửa ngày. Hai thân già nhớ lại những chuyện buồn mà ngán ngẩm cảnh nhà có đến ba nàng dâu.
May