Nhà có ba anh em trai

(Dân trí) - Ba đứa hơn nhau hai tuổi một. Khi anh cả được mười bốn tuổi thì thằng hai mười hai, còn chú út chẵn chục. Mẹ suốt ngày than “tam nam bất phú”!

Bố mỗi đợt từ đơn vị ghé về thăm lại cười nắc nẻ, hài hước: “Thầy bói xem số anh rồi, chỉ đẻ toàn con trai thôi. Được cái con dâu sẽ hiền và hiếu thảo như con gái. Em mà đẻ thêm đứa nữa là quý tử thành tứ quỷ đấy. Nói chung ba con quỷ vẫn bớt phiền hơn bốn”.

 

Nói xong bố cười vang, mặt mẹ xám ngoét không dám có ý định kiếm thêm mụn con gái. Cả nhà vẫn luôn hạnh phúc, rộn vang tiếng cười đùa.  

 

Kể sao hết những vất vả của mẹ nuôi ba anh em nên người khi bố ở xa. Bên cạnh đó là những trò nghịch của bọn con trai mà đa phần là nghịch dại. “Cuốn sổ tài liệu màu đỏ mẹ để đây đâu rồi?”. “Ơ, con không biết”. Lát sau: “Ôi giời ơi, đứa nào mang cắt đi làm diều thế này?”. “Tại con thấy thằng Út mang ra quạt bếp nên tưởng bỏ đi”. “Tan tành công mẹ thức hai đêm liền để chép rồi con ơi…”. Cả bọn mặt tái xanh, đi đứng khép nép, dạt về một phía, phải đến hai hôm sau mọi việc mới trở lại bình thường.

 

“Sao không đứa nào mặc quần áo thế kia?”. Tiếng cậu, em mẹ, loáng thoáng: “Ai đời em đi làm đồng qua, thấy cả bầy đang tắm ở khúc sông sâu nhất, liều thế bao giờ không. Em nhặt hết quần áo chúng nó để trên bờ, rồi lôi cổ về đây”. Mẹ cười khúc khích, rồi nghiêm mặt nạt: “Nhớ chưa? Đi vào nhà thay đồ, mau”.  

 

“Ôi ôi, cái đám giá đỗ gì lại lổm ngổm trên vở thế này hả con?”. Thằng hai e lệ: “Con cố mãi mà chữ vẫn nghều ngoào thế!”. “Mang ngay vở ô ly ra tập viết. Nhanh!”.

 

“Kho hay xào đây, con trai?”. Có tiếng rụt rè: “Con xào nhưng hơi mặn, hay ta cứ quan niệm nó là món kho đi ạ”. Mẹ phì cười: “Thấy muối rẻ hử?”.

 

“Cơm hay cháo ý nhỉ? Mà sao lại mặn mặn”. Thằng Út lộ vẻ bối rối, giải thích: “Con tiếc đám nước có trong ca nên đổ nốt vào, còn gạo con học tập chị Thanh hàng xóm đấy, thấy chị ấy vo gạo rồi nấu kèm một nhúm muối”. “Trời đất thiên địa ơi! Gạo nhà chị ấy bị mốc thì mới phải xát thêm muối, con yêu quý ạ”.

 

Một chiều hè ngập nắng, mẹ về thấy nhà lanh tanh bành, đồ đạc vứt ngược, vứt xuôi. Ngỡ có kẻ đột nhập, không thấy bóng dáng đứa nào, mẹ vội hấp tấp đi tìm các con. Đi qua sân kho, thấy ba quý tử đang hùng hục chạy theo quả bóng, tiếng bọn trẻ lao xao, nghe đâu đang tranh giải vô địch xóm. Mẹ hậm hực đi về, xếp sẵn hai cái roi mây...

 

Ba cầu thủ xuất sắc mang vinh quang về cho xóm, được tung hô như những anh hùng thì về đến nhà được mẹ cho nằm thành hàng trên giường vụt từng cái một, can tội tìm giầy, tất, vứt đồ đạc linh tinh, bỏ nhà cửa không đóng, không nấu ăn tối, không thu dọn sạch sẽ đón mẹ về...

 

Sau đó mấy anh em bo mông, lóp ngóp tắm giặt rồi dọn cơm ăn, vào nhà đã nghe tiếng mẹ rền rĩ: “Giá có đứa con gái thẽ thọt, thỏ thẻ bên tai thì đi làm về, bao mệt nhọc tan hết. Thế nào mà ông Trời chả thương tôi”.

 

Anh cả lân la đến gần giọng nịnh bợ: “Con gái lớn, lũ “vịt giời” ấy rồi chúng nó bay đi hết. Lớn lên con sẽ lấy vợ, đưa một cô con gái ngoan về đấm lưng cho mẹ”. Mẹ lừ mắt: “Xê ra, sắp mâm ăn cơm rồi thu dọn đi học bài”. Lũ con quay vào bếp, mẹ lại tủm tỉm rồi ngân ngấn nước mắt: “Con trai, chúng nó cũng chịu khó, tình cảm ra trò đấy chứ”.

 

Rồi những nhọc nhằn, khó khăn trôi đi, tháng ngày bận rộn, lo âu cũng dần lùi xa. Anh cả đi làm ổn định cũng là lúc thằng Hai tốt nghiệp Đại học. Khi anh cả dẫn cô bạn gái hiền dịu về trình mẹ cũng là lúc thằng Út tốt nghiệp đại học. Ngày cưới anh Cả, hai em cùng dẫn bạn gái về ra mắt. Cả ba cô con dâu tương lai đều xinh đẹp giỏi giang. Mẹ cười hài lòng: “Con nào mà chẳng là con”.

 

Thiều San Ly

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm