“Nhà ai nấy sống”
Tình yêu chân chính thường hướng đến hôn nhân. Tuy nhiên, không ít cặp yêu nhau nhiều năm, luôn xuất hiện cùng nhau ở chốn đông người, thậm chí đã sống theo kiểu “già nhân ngãi, non vợ chồng” mà nói đến ngày chính thức kết hôn vẫn còn ái ngại.
Gặp lại nhau trong đám cưới một người bạn cùng lớp, mọi người lại được dịp trầm trồ trước "đôi sam" Tâm và Xuân. So với đám con gái cùng lớp đã phát tướng khi có một, hai nhóc tì, Xuân vẫn trẻ đẹp với thân hình rất gợi cảm, quyến rũ. Còn Tâm vẫn chăm sóc Xuân từng chút một: kéo ghế ngồi cho nàng, rót nước đưa tận tay Xuân, lấy khăn giấy cho cô thấm mồ hôi...
Không hẹn mà cả đám bạn đều nói: “Cưới nhau rồi mà còn tình gớm nhỉ? Được mấy cháu rồi?”. Xuân cười giòn tan: “Tụi mình đâu đã cưới. Vẫn như hồi xưa thôi”.
Cả bàn mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Hơn 10 năm rồi còn gì. Ngày ấy, Tâm và Xuân từng làm bao người phải ganh tị khi lúc nào họ cũng tay trong tay, không rời nhau nửa bước. Vào lớp học, đến thư viện hay ở ký túc xá..., hễ có Xuân, tất phải có Tâm. Đám bạn cùng lớp đại học cứ nghĩ, ra trường chắc họ sẽ tổ chức cưới ngay.
Theo Xuân kể, họ sống vậy quen rồi nên không muốn thay đổi. Nhà ai nấy sống, nhớ thì gặp nhau, đưa nhau đi chơi, thậm chí qua đêm với nhau. Nhưng cưới thì cả hai vẫn chưa nghĩ đến. "Mình vẫn không hình dung được làm vợ, làm mẹ sẽ thế nào, nhất là khi sự nghiệp đang trên đà thăng tiến. Cả Tâm cũng vậy, đi nước ngoài suốt...”, cô thản nhiên nói.
Nhưng cô đâu biết, vì thật sự yêu nên Tâm chấp nhận để cô được tự do bay nhảy, thăng tiến trong sự nghiệp, không ràng buộc cô bằng trách nhiệm và nghĩa vụ của một người vợ. Nhưng tự thẳm sâu lòng mình, Tâm vẫn mong có một gia đình đầm ấm với người vợ hiền, biết chăm sóc chồng và những đứa con kháu khỉnh, ngoan ngoãn.
Còn Xuân vẫn bảo, tuổi còn trẻ, phải lo sự nghiệp trước đã, khi nào ổn định thì cưới rồi có con. Cứ như vậy, quay qua quay lại, tuổi 30 đã trôi qua được vài năm. "Không biết đến khi cưới nhau, tụi mình có thể sinh con được không?”, Tâm buồn bã chia sẻ.
Trường hợp của Nam và Hằng cũng tương tự. Quen nhau ngót nghét 6 năm, hai gia đình nhiều lần qua lại nhưng ngày cưới của hai người vẫn được hẹn cuối năm và không ai biết năm nào. Nam là con trai lớn, bố mẹ tuổi đã cao, còn Hằng cũng là cô gái tử tế. Khi mọi người hỏi, Nam trả lời: “Tụi mình yêu nhau, nhưng để tính đến chuyện kết hôn, vẫn thấy thiếu thiếu gì đó. Có lẽ phải cần thêm một chút thời gian nữa”.
Nhưng Hằng lại không nghĩ thế. “Trai 30 tuổi còn xoan, gái 30 tuổi đã toan về già”. Cô đã nhiều lần nói bóng gió với anh, nhưng Nam không mặn mòi lắm. Cha mẹ cô cũng thúc giục nhiều lần. "Yêu anh, em thấy tương lai mờ mịt quá, nhưng xa anh thì em không thể. Thôi thì trước mắt chỉ biết là yêu vậy”, Hằng tâm sự.
Thế rồi bẵng đi một thời gian, bạn bè nhận được thiệp mời cưới của Hằng. Thế nhưng, chú rể không phải là Nam. Chồng Hằng là người mới vào làm chung ở công ty cô hơn một năm nay. "Mình chỉ nhận lời anh ấy mới đây thôi. Anh ấy muốn cưới chỉ vì mình thật sự cần thiết cho cuộc đời của anh ấy. Mình cũng chỉ cần có thế”, cô thổ lộ với bạn bè.
Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp yêu nhưng không cưới hay chưa cưới. Ngoại trừ những tình yêu vụ lợi, không thật lòng; tình yêu gặp phải sự phản đối quyết liệt từ gia đình hay do hoàn cảnh sống cách trở, vấn đề còn lại nằm ở bản thân người trong cuộc. Họ sợ bị ràng buộc bởi nghĩa vụ và trách nhiệm. Nếu là phụ nữ, họ lo ngại bị níu chân trong việc thăng tiến. Nếu là đàn ông, họ sợ mất tự do...
Theo các chuyên gia về hôn nhân gia đình, không có một quy định nào bắt người ta yêu nhau bao lâu thì cưới, nhưng nếu đã gặp được người tốt và yêu nhau thật lòng thì hôn nhân sẽ càng giúp người ta sống có trách nhiệm, nghĩa tình với nhau hơn. Vì thế, nếu chẳng may gặp phải người thích “lửng lơ con cá vàng”, bạn nên mạnh dạn bày tỏ quan điểm và đưa ra sự lựa chọn có tính chất “sống còn”.
Điều ấy có thể sẽ đặt dấu chấm hết cho một cuộc tình không đủ lớn, nhưng sẽ thổi bùng lên ngọn lửa quyết tâm đang âm ỉ cháy trong lòng người kia mà vì thói quen, sự ỷ lại hoặc vì một lý do nào đó, khiến họ còn do dự. Tình yêu như trái trên cành. Trái chín vừa đủ sẽ có vị ngọt thanh và hương thơm ngây ngất. Trái còn sống đã vội ăn chỉ có đắng chát, vô vị. Còn như trái chín để lâu trên cành sẽ tự rơi rụng và chẳng thể nào ăn được nữa vì ruột đã hư thối mất rồi.
Theo Người Lao Động