Người viết truyện cổ tích

(Dân trí) - Mẹ tôi viết truyện cổ tích ngay giữa đời thực, khiến tôi tin rằng hạnh phúc rồi sẽ mỉm cười nếu người ta sống đơn giản, hết lòng yêu thương và biết thứ tha.

 

Người viết truyện cổ tích - 1

 

Mẹ là trẻ mồ côi. Ông ngoại tôi ra trận đánh giặc bị tử thương, bà ngoại vì quá đau xót và lâm bệnh hiểm nghèo nên cũng qua đời không lâu sau đó. Mẹ lần lượt sống nhờ nhà các chú, bác ruột cho đến tuổi trưởng thành thì đi làm công nhân ở nông trường.

Bố tôi tình cờ quen rồi đem lòng yêu mẹ. Ngày bố mẹ làm đám cưới, ai cũng tấm tắc khen mẹ đúng là nàng Lọ Lem, cưới được anh cán bộ kiểm lâm vừa giàu có lại đẹp trai. Có điều Lọ Lem xinh đẹp còn mẹ tôi nhan sắc bình thường, dáng người lại có phần nhỏ con. Bố yêu say đắm mẹ chỉ vì sự hiền lành, phúc hậu và tính chịu thương chịu khó.

Nhưng cuộc sống sau đám cưới của “nàng Lọ Lem” không an nhàn, êm ấm như mọi người tưởng tượng. Bố tôi là con nhà khá giả nhiều đời làm quan, nề nếp gia phong rất hà khắc. Bà nội tôi vì cấm đoán cuộc hôn nhân của bố mẹ không được nên khi mẹ về làm dâu đã coi thường, căm ghét mẹ ra mặt, bà thường xuyên nói những lời ác ý làm đau lòng mẹ. Mẹ sinh cho bố ba mặt con, đủ cả nếp lẫn tẻ, nhưng bà nội vẫn chưa từng chấp nhận mẹ là dâu con trong nhà.

Chỉ đến khi bà ốm liệt giường vì căn bệnh ung thư, mẹ tôi ân cần chăm sóc, phụng dưỡng, bà mới hối hận, chịu gọi mẹ tôi một tiếng “con ơi”. Những ngày cuối đời, bà không nói được, đôi mắt ngấn nước cứ nhìn mẹ vừa trìu mến, vừa xót xa, day dứt.

Bà qua đời, để lại cho mẹ những món đồ trang sức rất giá trị. Nhưng mẹ bảo món quà lớn nhất bà cho mẹ là những tiếng gọi mẹ con chân tình. Ngày tiễn đưa linh cữu bà, mẹ nghẹn ngào “Mấy chục năm rồi con mới được nghe lại tiếng con ơi, vậy mà mẹ lại vội đi rồi”.

Bố tôi, người từng say mê mẹ lúc trẻ, về sau đã không giữ nổi lời thề chung thủy. Mẹ tan nát cõi lòng khi biết bố qua lại với cô kế toán ở cơ quan. Mẹ không giở trò đánh ghen như bao bà vợ khác, cũng không làm ầm lên sợ con cái biết chuyện, chỉ hỏi bố có muốn ly hôn. Bố trả lời không, mẹ cũng không nói không rằng. Mẹ trở nên sống khép kín, hằng đêm nằm khóc một mình, ánh mắt vô hồn, dù cơm nước, nhà cửa vẫn lo lắng vẹn toàn. Bố quá xấu hổ và xót thương mẹ mỗi ngày một tiều tụy đi vì đau khổ mà đã quyết tâm rũ bỏ cuộc tình ngang trái. Bố quay về xin mẹ tha thứ, mẹ nhẫn nhịn và thứ tha, dẫu vết thương phải tốn rất nhiều thời gian mới lành miệng.

Vài năm sau, tôi đưa người yêu về ra mắt gia đình. Nhưng bố tôi không đồng ý chuyện chúng tôi hẹn hò. Tôi không hiểu nổi sự vô lý của bố, người yêu tôi tính cách, ngoại hình, sự nghiệp, gia đình đều không còn gì để chê. Hơn nữa bố vốn là người thoải mái, luôn tôn trọng quyết định của các con. Mẹ chỉ im lặng, sự im lặng buồn bã và đáng sợ.

Thấy tôi khổ sở, vật vã vì bị ngăn cấm, bố tiết lộ với tôi chuyện bố ngoại tình năm xưa. Người tôi muốn gắn bó chính là em trai cô kế toán. Tôi quá sốc vì hình ảnh mẫu mực của bố đổ vỡ, càng sốc hơn bởi chuyện tình của chúng tôi lại vấp phải cú ngã đau đớn này.

Tôi đã vô cùng tuyệt vọng. Chính lúc này, mẹ đứng ra ủng hộ chuyện chúng tôi. Mẹ tâm sự với tôi rất nhiều, động viên tôi hãy tha thứ cho bố, cũng cho chính mình và bạn trai một cơ hội.

Giờ thì tôi và anh ấy đã làm cha mẹ của một cặp song sinh. Dù vợ chồng vẫn có những lúc bát đũa xô nhau, con cái vẫn nhiều khi làm chúng tôi lo lắng đến tột độ, tôi thấy mình đã nắm trong tay thứ hạnh phúc viên mãn. Mẹ là người giúp tôi viết câu chuyện cổ tích đời mình.

Nếu ngày ấy, mẹ không tha thứ cho bố, làm ầm mọi chuyện lên, lần đầu tiên tôi và chồng gặp gỡ có lẽ không phải ở một quán café sách lãng mạn mà là trong cuộc đánh ghen giữa mẹ và chị gái. Nếu mẹ không bỏ qua chuyện cũ, đã cùng bố ra sức ngăn cấm thì giờ đây tôi đánh mất tình yêu ấy rồi, không còn mỗi sáng mở mắt ra đã thấy mình đang cuộn tròn nằm ngủ trong vòng tay anh.

Linh Chi

 

Người viết truyện cổ tích - 2