Người phụ nữ vô hình
(Dân trí) - Chị từng là một cô gái xinh đẹp, yêu kiều, đi đến đâu cũng thu hút bao ánh nhìn. Từng lọt top 10 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc nhất của khóa, khiến bao người ngưỡng mộ. Nhưng giờ đây trong gia đình mình, chị là người vô hình.
Sau hơn 20 năm về sống chung một nhà với mối tình đầu, có với nhau hai mặt con, cùng nhau chắt bóp mua được chiếc xe bốn bánh, một ngôi nhà tiện nghi và một miếng đất để dành, chị đã “tàng hình” một cách hoàn hảo trước mặt người thân.
Chồng đi làm về lúc chị đang hối hả nấu nướng, dọn dẹp toát hết cả mồ hôi mà dường như không thấy gì, vẫn thư thả đi tắm rồi ra ghế sofa nằm xem TV, đợi cơm. Có lẽ anh ta nghĩ chỉ mỗi mình đi làm ngày 8 tiếng, chỉ mỗi mình biết mệt mỏi, cần thư giãn. Các con và chồng khi nổi hứng ăn khuya lại nhấc máy gọi đồ ăn mang đến mà không hề hỏi qua một câu rằng mẹ thích món gì có muốn ăn không. Dường như họ nghĩ mẹ thì ăn gì chả được, mà có không ăn cũng không sao.
Chị than thở với tôi rằng không có ai trong gia đình quan tâm mình, dù cho chị đã dành hết tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc cho họ, đã hy sinh nhiều thứ để họ được sống hạnh phúc nhất. Tôi trách những người thân vô tâm của chị một thì trách chị mười.
Từ thuở mới yêu, khi anh muốn nhờ người bạn Việt kiều mua thỏi son xịn từ nước ngoài về tặng chị, sao chị lại gạt phăng đi, sợ tốn tiền của người yêu, để đến khi thấy anh ấy trộm nhìn một cô gái khuôn mặt điểm phấn tô son tươi tắn, chị lại buồn tủi, ghen tuông?
Sao cưới nhau về, chị luôn nhường chồng con ăn những miếng ngon ngọt, giả vờ bảo “no rồi”, “sợ béo” để đến khi họ dùng bữa xong lại tiếc của ngồi ăn nốt những thức ăn thừa? Sao lúc chồng đề nghị đưa chị đi mua sắm hay đi ăn tiệm, chị thường từ chối, nói rằng: “Thôi để dành tiền đó cho con học gia sư”, “Thôi để tiền này em mua cho anh đôi giày tốt, đầm dự tiệc em mặc được vài dịp là cùng mua làm gì tốn kém”?
Tại sao nhà có đến hai cô con gái lớn mà chị lúc nào cũng tất bật, không có người phụ giúp? Ngay từ bé chị đã nuông chiều con quá mức, mong con đầu tư học tập nên không muốn con phí thời gian làm việc nhà, cho con đi học đàn, học múa để trở thành tiểu thư đài các nên không dám để con đụng tay vào đống chén bát, quần áo bẩn, sợ hỏng tay.
Với chồng cũng vậy, chị đã yêu chiều anh vô điều kiện. Từ lúc mới cưới, thấy anh không biết nấu nướng, đến rửa chén bát cũng luống cuống, chị cho phép anh quyền nghỉ ngơi trong lúc chị quần quật làm việc nhà và trông con mà không hề nghĩ đến chuyện “đào tạo” chồng để mình đỡ vất vả. Anh sốt cao, chị xin nghỉ ở nhà cả ngày để chăm sóc chồng. Nhưng đến lúc mình ốm tương tự, chị lại sợ anh lo lắng nên đến gọi điện báo cũng không dám, chị chịu đựng một mình.
Dần dà người thân coi sự hy sinh của chị là điều hiển nhiên, nghĩ rằng mẹ thì phải bao dung, làm hết mọi thứ con con cái, vợ thì phải giỏi việc nước đảm việc nhà, luôn biết nhường nhịn, cung phụng chồng.
Dần dà chị tự biến mình thành người vô hình. Chồng con quên mất chị cũng có cảm xúc, cùng buồn khi bị quên ngày sinh nhật, cũng tủi thân nếu sau một ngày vất vả quay sang muốn nhờ chồng đấm lưng thì đã thấy anh ta ngủ khì từ lâu, cũng thất vọng khi cần chuyện trò với các con nhưng chúng lại muốn nhìn màn hình điện thoại hơn là nhìn vào mắt mẹ.
May