Góc tâm hồn

Người ngồi xuống mây ngang đầu

(Dân trí) - Đoàn người xếp hàng từ sáng sớm vẫn kiên trì đợi giây phút được vào viếng Đại tướng. Không gian đặc quánh không phải vì quá đông đúc mà vì một tình cảm thiêng liêng đang bao trùm.

 

Có cô gái ngồi ôm gối khóc nức nở “Cháu ở Điện Biên xuống từ rất sớm nhưng giờ người viếng đông quá, đến cuối ngày cháu vẫn chưa vào được mất”. Có ông bố cúi xuống lau mồ hôi trên trán cậu con trai, nhiều người khuyên bế con nhỏ chen lên hàng đầu, ông đáp rằng “Đã đi viếng Cụ thì phải đi cho tử tế bà con ạ”. Người cựu chiến binh kiên nhẫn xếp hàng, có lúc ròng rã 15, 30 phút vẫn chưa nhích được bước chân nào, ông ngồi vuốt lại phẳng phiu tập thơ viết về Tổng tư lệnh vĩ đại của mình, mắt long lanh nghĩ đến lúc dâng nó lên bàn thờ Đại tướng.

 

Những ngày tiễn đưa ấy bao nhiêu người đã ngồi xuống vì mỏi chân, vì hạ đường huyết, vì tuyệt vọng và cả hy vọng. Người cúi xuống bỗng thấy mây ngang đầu, thấy hình ảnh tướng Giáp lúc oai phong đánh giặc, lúc mỉm cười cười đôn hậu, thấy niềm thương tiếc cựa quậy trong tim.

 

Tôi cũng dậy từ sớm chỉ mong hòa vào dòng người xếp hàng từ đường Điện Biên Phủ, vòng qua đường Độc Lập rồi mải miết ngóng về số 30 Hoàng Diệu, từ trên cao nhìn xuống có lẽ dòng người ấy sẽ mang hình chữ S. Tôi cũng mỏi nhừ chân vì đứng đợi, cũng rưng rưng khi bắt gặp những khung ảnh in hình vị danh tướng hiền hòa, gặp bông cúc trắng run rẩy trong bàn tay một bà cụ lưng còng hay đoàn cựu chiến binh dõng dạc vào chào Đại tướng lần cuối, huân chương lấp lánh trên ngực áo họ, còn vết sẹo chiến tranh, nỗi đau mất đi người “Anh cả” thì lấp lánh trong tim. Tôi nín thở chờ khoảnh khắc cúi đầu trước di ảnh của Người giữa màu vàng hoa cúc và nghi ngút khói hương. Rồi như bao người kém may mắn khác, tôi đã thất thểu ngồi xuống vỉa hè, lòng vỡ òa vì không còn cơ hội vào viếng Đại tướng, lại thấy mây ngang đầu...

 

20 tuổi, tôi lần đầu cảm nhận rõ rệt hai tiếng “đồng bào”. Nhiều năm liền những tiết học lịch sử, những trang sách khô khan dạy về lòng đoàn kết dân tộc không lay động tôi bằng vài giây ngắn ngủi khi đồng bào tôi đưa cho một chai nước, ổ bánh mì ăn tạm, khi đứng chờ giây phút tiễn đưa, đồng bào tôi người từng trải kể về những kỉ niệm thời làm “lính tướng Giáp”, người trẻ tuổi kể đã tự hào thế nào khi ở trời Tây, nghe bạn học ca ngợi chiến thắng Điên Biên Phủ. Tôi lần đầu không thấy tủi thân lúc ăn cơm bụi một mình vì xung quanh bao nhiêu lời hỏi han “quê cháu ngày 13 này đón cụ Giáp về phải không?”, “đợt bão vừa rồi nhà cháu có làm sao?”, “giờ nghe bài Quảng Bình quê ta ơi cô thấy xúc động lắm”... Mắt cay xè hạnh phúc không khác gì lâu năm về lại quê nhà.

 

Những ngày Đất nước tự cài băng tang lên ngực, tôi ám ảnh mãi câu thơ “ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”. Chết không có nghĩa là vĩnh viễn mất đi, mùa Thu ấy sẽ mãi còn ở lại trên cung đường Hoàng Diệu nhiều lá thu bay, trên rất nhiều nẻo về yêu dấu khác và ở lại trong trái tim cả dân tộc. Nhưng cũng xin nhớ cho lịch sử đang tiến những bước chân chậm rãi. Ta không thể sống mãi trong những chiến tích hào hùng từ thuở hồng hoang dựng nước, trong mùa thu Cách mạng 1945 hay trận Điên Biện Phủ trên không huyền thoại. Vị “Anh cả dân tộc” đã ra đi, đẹp và buồn như chính màu hoa thạch thảo đầy thương nhớ, như những trăn trở về tương lai đất nước Người ký thác lại cho mai sau. Ngày nay, ngày sau, và nhiều ngày sau nữa, cần lắm những trăn trở, những bước đi vững chãi trên đường dài.

 

Bình Tâm