Phản hồi bài “Chồng cô ấy mồ côi nên cô ấy may mắn không phải làm dâu":

Người một nhà: Đâu cần lúc nào cũng phải rõ ràng phân định đúng sai

(Dân trí) - Tôi hiểu cảm giác này của chị. Cái cảm giác sống trong một gia đình mà mọi cử chỉ lời nói của mình sẽ luôn được nghĩ theo hướng khác, theo cách xấu xa và tiêu cực nhất.

Người một nhà: Đâu cần lúc nào cũng phải rõ ràng phân định đúng sai - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Ở nơi ấy, chúng ta như một kẻ ở phe đối kháng , dù thế nào cũng không được bao dung hay thương yêu. Dù ta đúng hay ta sai, thì việc ta có thể làm chính là im lặng và nhận lỗi.

Ngày tôi chưa lấy chồng, một cô bạn của tôi nói: “Sau này cậu lấy chồng, nhớ chọn cả bố mẹ chồng nữa nhé. Cứ như tớ, chỉ vì mẹ chồng mà nhiều lúc suýt bỏ nhau”.

Lúc đó tôi nghĩ cậu ấy phóng đại lên rồi nói linh tinh. Người mình sống chung cả đời là chồng. Chỉ cần chồng thương yêu mình là được rồi, bố mẹ chồng có quan trọng gì chứ. Nhưng sau khi kết hôn, tôi rất thấm thía điều này.

Nhưng tôi vẫn giữ vững quan điểm: Chỉ cần chồng mình hiểu cho mình, sẻ chia với mình, thương yêu mình, người khác đối xử ra sao không còn quá quan trọng. Chính nhờ điều đó, tôi đã có thể đi qua những năm tháng làm dâu của cuộc đời mình.

Khi mẹ chồng tôi bị phát hiện ung thư, trong đầu tôi bỗng lóe lên ý nghĩ hả hê độc ác. Nhưng trong thời gian bà nằm viện điều trị, nhìn chồng tôi khóc lóc suy sụp, tôi biết mình đã sai. Mẹ chồng dù có thế nào vẫn là người đã sinh ra chồng mình. Với anh ấy, bà vẫn là người phụ nữ đáng yêu nhất, đáng trân trọng và tuyệt vời nhất.

Thương chồng, tôi đã dốc lòng dốc sức chăm sóc bà thời gian bà chữa bệnh. Một lần bà nhìn tôi, nói: “Mẹ thật không tốt với con”. Chỉ có bấy nhiêu thôi mà khiến tôi khóc mãi. Tôi cũng chưa từng vì mẹ chồng mà làm khó chồng tôi. Tôi luôn nói với anh: “Vì đó là mẹ của anh nên em sẽ chịu được”. Chính vì vậy, cho đến ngày bà mất tôi không cảm thấy mình có điều gì phải hối hận.

Người ta vẫn nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, chuyện trong nhà, ai ở nấy biết thật khó để có thể cho nhau một lời khuyên thật hợp lý hợp tình. Nhưng chị hãy nghĩ thoáng lên một chút: Đó là mẹ chồng chị, không thể thay đổi. Tính cách mẹ chồng chị cũng không thay đổi. Vậy thì dễ hơn là chúng ta thay đổi.

Dù sao thì mẹ chồng chị cũng đã vất vả nhiều, thiếu thốn tình cảm nhiều nên dễ nhạy cảm, tổn thương. Một câu nói của chị có thể là vô tâm vô tình cũng khiến bà chạnh lòng suy nghĩ. Để đến mức bà nói những câu như vậy , chứng tỏ câu nói của chị đã khiến bà đau lòng. Một câu xin lỗi thật ra không quá khó khăn.

Chúng ta vẫn hay nói: Làm đúng thì không sợ, ai sai người ấy sửa. Nhưng người trong một nhà không phải lúc nào cũng cứ phải rõ ràng phân định đúng sai. Chi bằng mình lùi một bước mà cửa nhà yên ổn, còn hơn cứ cố chấp khiến mọi chuyện xào xáo tanh bành.

Và bởi vì, dù đúng hay sai, đến cuối cùng, người phải suy nghĩ nhiều, chịu đựng cảm xúc tiêu cực nhiều nhất chính là chị.

Phản hồi của độc giả Hoàng Liên

Mời bạn tham gia bình luận gỡ rối cho các bài viết trong chuyên mục "Chuyện của tôi" bằng cách nhập "Nội dung bình luận" phía cuối bài và ấn nút "Gửi bình luận". Các bình luận thú vị, phù hợp sẽ được chọn đăng trên chuyên mục Tình yêu - Giới tính. Trân trọng!