Người kể truyện cổ tích

(Dân trí) - Tuổi thơ tôi đẹp như một giấc mơ, được tạo nên bởi những “họa sĩ phác thảo tâm hồn” là bố, mẹ, và điển hình nhất là chị Ngọc của tôi, người tôi vẫn gọi thân mật là: “Người kể truyện cổ tích”.

 
Người kể truyện cổ tích  - 1


Chị Ngọc là chị họ tôi. Ngày còn bé tí xíu, mỗi khi được nghỉ tôi thường van nài bố mẹ cho sang nhà bác Nhường chơi với chị Ngọc. Căn hộ tập thể trên tầng cao nhất khu Quân đội đã trở thành thiên đường tuổi thơ tôi.

 

Trong ký ức mơ màng, tôi vẫn nhớ như in những căn phòng rộng thênh thang với rất nhiều cửa sổ chan hòa nắng gió. Sau nhà là một cái ban công be bé có treo một chiếc võng dù có từ hồi bác Hiệp còn đi bộ đội. Buổi trưa hè, chị em tôi nằm trên võng, dưới bóng giàn nho leo xanh mướt lắng nghe tiếng ve râm ran. Rồi chị tôi bắt đầu kể chuyện - những câu chuyện cổ tích đã được chế biến theo trí tưởng tượng vô cùng bay bổng của cô bé mười ba tuổi. Theo lời kể rất truyền cảm của chị, những công chúa, hoàng tử, lâu đài lộng lẫy, những phù thủy, yêu tinh ranh mãnh, những quân lính và người chăn cừu lần lượt hiện ra trước mắt tôi, rõ ràng như có thật. Tôi cứ nghe, nghe mãi rồi dần chìm vào giấc mơ đầy những chuyện thần tiên.

 

Tôi nhớ nhất câu chuyện hôm chị Ngọc được mua cho một chiếc vòng mới rất đẹp bằng bạc, đính thêm mười hai hạt đá màu xanh. Chị bảo tôi: “Vòng thần đấy! Mỗi khi liếm vào (eo ôi…) một viên là một điều ước sẽ thành sự thật”. Sau khi mè nheo một điều ước không thành, tất nhiên là tôi bắt đầu lén lút moi chiếc vòng ra liếm thử, trong đầu nhẩm đi nhẩm lại: “Tôi muốn một bộ váy như Công chúa! Cho tôi một bộ váy Công chúa!”. Đợi mãi chẳng thấy gì, tôi liếm tiếp những viên khác, liếm mãi, liếm mãi. May mà không đau bụng vì giun sán đấy chị ơi!

 

Tưởng thế là cạch, ai dè tôi vẫn tiếp tục đóng vai con bé ngốc nghếch dễ bị lừa. Chuyện là sàn nhà có một viên gạch bị cập kênh, đã bong gần hết lớp vữa trát. Chị Ngọc kéo tay tôi thì thầm: “Này, nói cho Tu Ti (tên hồi nhỏ của tôi) biết nhé, bên dưới viên gạch này là một kho báu đấy, có bao nhiêu là ngọc ngà kim cương lóng lánh, lại cả váy áo thêu kim tuyến và mũ miện nữa cơ…”. Tôi nghe thế, nhân lúc các bác đi vắng liền vội vàng hì hụi cậy viên gạch lên tìm kho báu… Mấy vết roi lằn trên mông hình như bây giờ vẫn còn đau.

 

Tôi còn mê mẩn những đồ chơi mà chị Ngọc tự làm theo hướng dẫn trong sách: Tòa lâu đài bằng giấy bìa có những tấm gương lớn bằng giấy bạc lấy từ bao thuốc lá, tủ gương có ngăn kéo làm từ vỏ bao diêm, và cả những cô tiểu thư buộc bằng len mặc áo váy sặc sỡ… Những thứ đồ người lớn bỏ đi, qua tay chị tôi đều trở nên những món đồ chơi đẹp tuyệt, đẹp đến nỗi bây giờ mỗi khi nhớ về những kỷ niệm thời ấy, tôi đều thấy chúng mang một màu sắc kỳ ảo lung linh như không có thật.

 

Khi tôi lớn hơn một chút, bắt đầu đi học thì cũng là lúc chị Ngọc đưa tôi tiếp xúc với thế giới kỳ diệu của văn học qua tủ sách đầy ắp trong phòng làm việc của hai bác tôi. Tôi chập chững những bước đầu tiên với “Alice ở xứ sở diệu kỳ”, “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, “Nghìn lẻ một đêm”, “Chuyện kể về chú bé Buratinô”… rồi bắt đầu tiến đến nghiền ngẫm “Robinson Crusoe” của Daniel Defoe, “Bình minh mưa” của Paustovski… và thậm chí là cả “Phục sinh” của Lev Tolstoy hay “Những người khốn khổ” của Victor Hugo…

 

Những trang sách mở ra cho tôi cả một thế giới diệu kỳ với những cuộc sống, những số phận đan xen được xây nên chỉ bằng câu chữ. Thật kỳ lạ là tôi không hề bị cận dù đã đọc hết cả một kho sách khổng lồ như vậy trong có mấy năm cuối cấp I. Thậm chí tôi đã bắt đầu thích viết văn từ lúc đó - những trang viết không bao giờ đem khoe. Cái lợi ích thực tế duy nhất lúc ấy là tôi được vinh dự trở thành một trong những học sinh xuất sắc nhất môn Tập đọc và Tập làm văn ở lớp. Chỉ thế thôi, nhưng cũng đủ để được bố mẹ thưởng cho bao nhiêu là quà…

 

Tạ Thu Thủy