Ngửa tay xin tiền chồng

Một thời gian dài làm chuyên gia tư vấn tâm lý, bà Hoàng Thị Kim Thanh (Giảng viên Khoa Văn hóa học, ĐH Văn hóa Hà Nội) vẫn còn nhớ như in câu chuyện về một người phụ nữ bị khủng hoảng tâm lý khi phải sống chung với ông chồng quá keo kiệt.

Bà Thanh bảo, người vợ đã phát hiện ra tính keo kiệt, bủn xỉn của chồng ngay từ đêm tân hôn và càng sống chung, cuộc sống của chị càng như địa ngục bởi sự kìm kẹp, thắt chặt chi tiêu của người chồng.

 
Ngửa tay xin tiền chồng


Đám cưới của chị diễn ra vui vẻ trong không khí ấm cúng của gia đình và bạn bè. Khi tiễn đến người khách cuối cùng ra về, chị hồi hộp chờ chồng trong căn buồng của hai vợ chồng. Nhưng thật kinh ngạc anh không đi đến chỗ chị ngồi mà đến thẳng chỗ đặt chiếc thùng đựng tiền mừng đám cưới.

 

Và còn kinh ngạc hơn khi chị chứng kiến cảnh chồng ngồi gù lưng đếm tiền, hai chân khuỳnh ra ôm gọn đống tiền ở trong lòng. Đếm xong anh cười sung sướng mang tiền cất vào tủ riêng. Chị hy vọng anh đưa lại cho chị số tiền của bạn chị mừng để giúp cho cha mẹ chị trang trải nợ nần trong đám cưới, nhưng mỗi lần chị hỏi anh đều ậm ừ cho qua.

 

Nhưng điều kinh hoàng nhất thì sau này mới xảy ra. Trong gia đình anh là người kiếm ra tiền nhưng không bao giờ đưa cho chị một đồng. Khi nhận lương về chị phải nộp cho anh quản lý. Mỗi lần chi tiêu, chị phải hỏi anh và phải chi tiêu dè xẻn trong những đồng lương ít ỏi của mình, nếu thiếu thì chị phải đi vay. Còn tiền lương của anh thì anh giấu đi để gửi tiết kiệm.

 

Lấy nhau được 5 năm thì xung đột về kinh tế càng trở nên căng thẳng. Rồi mỗi lần bàn đến chuyện tiền, anh chồng lại trấn áp chị, đánh đập chị để chị từ bỏ ý định hỏi tiền của chồng.

 

Một thời gian sau, chị hay bị ốm nên cũng không đi làm được nhiều, anh chồng bắt đầu phải chi thêm tiền để chi tiêu trong gia đình. Mỗi lần đưa tiền là mỗi lần anh ta sỉ nhục, vặn vẹo xem chị mua những gì. Nhiều khi anh ta đưa nhưng vứt xuống đất bắt chị phải cúi xuống mà nhặt. Không may chị làm vỡ đồ vật gì đó rất nhỏ thôi như cái bát hay cái chén thì anh lại gào lên “Đồ ăn hại, đã không làm ra tiền còn phá hoại”. Nhiều lúc chị tự hỏi có phải kiếp trước chị làm gì không phải mà kiếp này trời đày đọa chị bắt chị phải sống chung với một người chồng như thế.

 

Nộp lương cho chồng quản lý

 

Cuộc sống của chị H. Nga (32 tuổi, Khu đô thị Nam Trung Yên) cũng rất ngột ngạt khi phải sống chung với người chồng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”.

 

Vợ chồng chị đều tốt nghiệp đại học, tìm được công việc tốt nên kinh tế ổn định. Anh là phó phòng kinh doanh của một công ty xây dựng thu nhập hơn chục triệu/tháng, lương thưởng của chị cũng tầm 6-7 triệu/tháng. Thế nhưng tiền kiếm về chồng để hết vào két, thu luôn cả tiền lương của vợ. Muốn tiêu pha cái gì chị lại phải ngửa tay xin chồng chính những đồng tiền mà mình làm ra.

 

“Mỗi ngày anh đưa tôi 150 ngàn để đi chợ, tôi chỉ được phép tiêu đúng bằng ấy. Tối đi làm về anh lại hỏi tôi đã mua cái gì, hết bao nhiêu tiền, lỡ mua cái gì đắt là anh mắng như tát nước. Trong khi anh tiêu gì, hết bao nhiêu tiền chẳng bao giờ nói với tôi”, chị Nga bức xúc.

 

Chồng tính toán với chị đã đành, nhưng ngay cả đứa con gái nhỏ mới 2 tuổi anh cũng không chiều. Chị muốn mua đồ chơi cho con, đưa con đi chơi công viên anh bảo “tốn tiền”. Quần áo thì anh bắt xin đồ cũ của các chị họ chứ ít khi cho mua đồ mới.

 

“Nói ra bảo kể xấu chồng nhưng thực sự thấy anh quá keo kiệt và bẩn tính. Có tiền mà ăn không dám ăn, mặc không dám mặc, tính toán từng đồng từng cắc với vợ con. Tiền mình kiếm ra mà muốn mua cái gì cũng phải năn nỉ chồng, ngay cả những sở thích nho nhỏ như uống cà phê buổi sáng cũng bị chồng bắt bỏ vì tốn ga đun nước sôi và tốn tiền mua cà phê”, chị Nga ngán ngẩm.

 

Chị bảo, chị rất ức chế vì sự tính toán quá chi ly của chồng. Tiền kiếm ra chỉ cho vào két, chồng không cho vợ con vui chơi giải trí vì sợ tốn kém. Thậm chí nhiều đám cưới, đám hỏi ở cơ quan chồng cũng ngăn không cho chị đi vì sợ tốn tiền. Chị cũng đã nhiều lần góp ý nhỏ to với chồng nhưng được một hai hôm thì lại đâu vào đấy. Chị đang nghĩ đến chuyện ly dị để sống một cuộc sống dễ chịu hơn vì chị cũng độc lập về kinh tế chứ không phải phụ thuộc vào chồng.

 

Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Kim Thanh, hành vi của người chồng không chỉ thể hiện sự keo kiệt của anh ta mà còn có dấu hiệu của bạo lực gia đình về kinh tế. Anh ta bắt vợ nộp tiền cho mình, mỗi ngày phát tiền cho vợ đi chợ, mua gì phải hỏi ý kiến… đó là dấu hiệu của sự kiểm soát của người chồng gia trưởng nhằm mục đích thể hiện quyền lực và đẩy vợ vào sự lệ thuộc vào mình.

 

“Những hành vi keo kiệt sẽ là bạo lực gia đình khi những hành vi đó nhằm mục đích thể hiện quyền lực, sự kiểm soát và để người vợ phụ thuộc vào mình”, bà Thanh nói.

 

Theo La Hoàn

VNN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm