Nghỉ việc ở nhà chơi điện tử, tôi vẫn không xấu hổ khi được vợ bao nuôi

PV

(Dân trí) - Tôi không hề cảm thấy xấu hổ khi được vợ bao nuôi. Tôi luôn biết tìm cách để hai vợ chồng có thể chung sống hòa thuận.

Tôi là một thanh niên bình thường, đã sống ở Nhật Bản trong 8 năm. Trong khi đó, vợ tôi không chỉ có trình độ học vấn cao và công việc ổn định, mà còn xuất thân từ gia đình giàu có. Mẹ vợ tôi từng đi du lịch khắp thế giới.

Ban đầu, tôi không nghĩ đến việc hẹn hò với vợ vì chênh lệch hoàn cảnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời, khi tôi hầu như không đủ tiền ăn hàng ngày, vợ đã hỗ trợ tôi bằng cách gửi tặng đồ ăn và sau đó đóng tiền học phí cho tôi.

Sau khi hẹn hò 2,5 năm, chúng tôi kết hôn. Dù theo truyền thống, người đàn ông thường là trụ cột kinh tế chính, còn phụ nữ tập trung chăm lo gia đình, vợ chồng tôi lại đảo ngược chuẩn mực này.

Nghỉ việc ở nhà chơi điện tử, tôi vẫn không xấu hổ khi được vợ bao nuôi - 1

Tôi thừa nhận, mình là người đàn ông được vợ bao nuôi hoàn toàn (Ảnh: SCMP).

Đầu năm nay, tôi nghỉ việc và hoàn toàn tận hưởng cuộc sống như "người đàn ông được bao nuôi". Tôi dành thời gian chơi điện tử ở nhà, còn vợ chi trả mọi chi phí gia đình.

Vợ tôi thậm chí còn chuẩn bị một chiếc lọ đựng 260.000 yen (gần 44 triệu đồng) để tôi trang trải các chi phí hàng ngày.

Dù chủ nhật thức dậy vào lúc 7h, tôi vẫn nằm trên giường tới trưa cho đến khi vợ dậy. Sau đó, tôi ở cùng vợ trong khi cô ấy lướt điện thoại đến 15h. Tôi nghĩ rằng, nếu mình rời giường sớm hơn có thể khiến vợ cảm thấy áy náy nếu chưa thức dậy. Vì vậy, tôi chọn nằm lại với vợ để giúp cô ấy thư giãn.

Khi vợ làm việc nhà, tôi chỉ đứng bên cạnh, vợ có thể gọi tôi bất cứ lúc nào cần thiết. Tôi cũng ưu tiên sự thoải mái cho vợ bằng cách để cô ấy tắm trước, tránh việc vợ bước xuống sàn phòng tắm lạnh lẽo và ẩm ướt.

Tôi không cảm thấy xấu hổ khi được vợ bao nuôi. Triết lý của việc trở thành người đàn ông được bao nuôi không chỉ đơn thuần là làm mọi thứ cho nhau, mà còn là tìm cách để cùng nâng cao cuộc sống của nhau.

Tôi luôn tìm cách để hai vợ chồng có thể chung sống hòa thuận. Những gì tôi làm không chỉ vì vợ, mà còn vì chính tôi.

Đây là câu chuyện thật được đăng tải trên tờ SCMP. Nhân vật chính là thanh niên có tên tài khoản mạng xã hội Sudden Fantasy, chưa rõ tuổi, quê ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Vợ anh có tên Fenghua.

Câu chuyện chàng trai được vợ bao nuôi kinh tế đã gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tài khoản mạng xã hội của anh nhanh chóng đạt hơn một triệu lượt theo dõi chỉ sau 30 ngày.

"Tôi không chấp nhận chồng mình chỉ ở nhà chơi điện tử để vợ bươn chải, lo toan kinh tế như vậy", dân mạng bình luận gay gắt.

"Giống như trả tiền cho bữa ăn của một người nhưng đổi lại có một bảo mẫu và một người bạn đời hỗ trợ về mặt tình cảm. Thành thật mà nói, đó không phải là thỏa thuận tồi", một người khác nêu quan điểm trái ngược.

Tuệ Đan