"Nghĩ lại" trước ngày cưới

Thiệp vừa gửi, đồ đạc chuẩn bị xong, tiệc cũng đặt rồi nhưng Thanh chỉ muốn chạy trốn. Những ngày chuẩn bị cưới, cô cảm thấy quá căng thẳng, mệt mỏi, lại phát hiện bao điều "chưa từng thấy" ở chồng tương lai nên Thanh càng chán nản.

Cha mẹ lớn tuổi, Nguyễn Cường và Hồng Thanh quyết định tự lo đám cưới. Hỏi han kinh nghiệm người đi trước, cả hai đã tổ chức ăn hỏi trước ngày cưới gần bốn tháng. Tưởng có thêm sự gắn kết, tình yêu vốn được vun đắp hơn năm năm qua sẽ càng thăng hoa, ai ngờ chuỗi ngày chuẩn bị cưới lại “u ám” nhất.

 

Mỗi lần gặp nhau, cả hai không còn tíu tít như đôi chim câu mà tranh luận không dứt, thậm chí đôi lúc còn buông lời nặng nhẹ khiến cô dâu có lúc đòi “xù” luôn. “Không hiểu sao, sau khi làm đám hỏi xong, tôi cứ có cảm giác bị ràng buộc, thấy mình sắp mất tự do”, Thanh tâm sự.

 

Sự náo nức bàn tính đám cưới của Quang và Ngân lại nhanh chóng tiêu tan vì hai người thường bất đồng với nhau về việc chọn nhà hàng, kiểu thiệp, danh sách khách mời... Dù nhà cửa đã lo xong, áo cưới cũng mua rồi nhưng cả hai quyết định hoãn cưới vô thời hạn. Cô dâu tương lai trả lễ cho nhà trai vì: “Hai đứa có quá nhiều điểm bất đồng, chưa sống với nhau mà đã vậy rồi, sau này sẽ ra sao?”

 

Có nhiều người “nghĩ lại” ngay trước đám cưới bởi cảm thấy “người yêu không như ngày nào”. Như trường hợp Ngọc Lan chẳng hạn. Cô cảm thấy ngỡ ngàng, rồi thất vọng về chồng sắp cưới chỉ vì anh tỏ ra xót xa với khoản chi phí cưới ở bên nhà gái.

 

Theo các chuyên gia tư vấn hôn nhân - gia đình, rắc rối càng lớn nếu việc bàn tính đám cưới xảy ra những bất đồng giữa hai họ về tổ chức cưới thế nào, thu hồi chi phí cưới ra sao, bên nào hưởng. Những khi ấy, nếu có sự giúp đỡ, giải tỏa của người có kinh nghiệm, đôi trẻ sẽ đỡ căng thẳng và tránh được va chạm, mâu thuẫn. Chuyện của Hùng và Loan là ví dụ.

 

Hai người tưởng chừng sắp “đứt gánh”, nhưng nhờ sự chia sẻ của gia đình, họ mới thoát khỏi cảnh tình gay cấn trước ngày cưới. Sau lễ ăn hỏi, Loan nhất quyết xin “trả lễ” vì quá nhiều lý do. Được gia đình giải mã những thắc mắc, lo lắng trước ngày xuất giá, Loan mới bình tâm.

 

Hai năm sau, khi đã có một cậu con trai kháu khỉnh, Loan cười thú thật: “Gần cưới, việc chuẩn bị lẫn công việc cơ quan căng thẳng nên anh ấy không còn thời gian chăm sóc như trước, tôi đâm nghi ngờ cộng với tâm lý sợ mất tự do nên đụng một chút cũng gây chiến với anh ấy”.

 

Bên cạnh những vướng mắc liên quan đến việc tổ chức đám cưới, một số bạn trẻ còn băn khoăn và lo lắng khi nhận thấy bạn đời tương lai bắt đầu bộc lộ những tính cách không hay: Có vẻ ngưng phấn đấu, hay bê trễ, vui chơi quá độ với bạn bè, hời hợt, ít quan tâm đến người yêu... Những vướng mắc đó có thể khiến một số người cảm thấy buồn phiền, chán nản, thậm chí lo rằng quyết định tiến đến hôn nhân của mình là sai lầm.

 

Khi xảy ra bất đồng trong thời gian chuẩn bị đám cưới, hai người nên phân biệt những vấn đề nào là quan trọng, có ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống chung với các sự việc nhất thời, ít lặp lại và không chi phối nhiều đến hạnh phúc của mình, để quan tâm đúng mức và có hướng khắc phục.

 

Ngay cả khi phát hiện những điều không hay trong thói quen sinh hoạt của người bạn đời tương lai cũng không nên vội thất vọng vì ngoài những khiếm khuyết đó vẫn còn có những ưu điểm khác đáng trân trọng hơn. Trao đổi thẳng thắn, chân thành với nhau có thể sẽ giúp hai người thấu hiểu, thông cảm và thống nhất cách giải quyết vấn đề.

 

Tuy nhiên, bà Hồng cho rằng, nếu phát hiện “điều gì đó” nơi người bạn đời tương lai mà mình cảm thấy không thể sống với nhau lâu dài thì việc quyết định từ bỏ cuộc hôn nhân ở “phút thứ 89” có lẽ lại là cần thiết.

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm