Nhân ngày gia đình Việt Nam 28/6:
Ngày ấm
(Dân trí) - Ngày nào chúng ta còn chung một mái nhà, còn đi xa thấy nhớ, ở gần thấy an yên thì ngày đó còn là ngày của gia đình, một năm 365 ngày, ta có gia đình trọn vẹn trong tim.
Ngày gia đình là ngày sáng vừa mở mắt đã nghe chộn rộn những âm thanh, mùi vị thân thuộc. Tiếng guốc gỗ của bà cộc lộc khua ngoài sân, tiếng nước chè tươi róc rách rót vào ly, tiếng ông và bố trầm trầm bàn chuyện cuối tháng về quê giỗ Tổ. Mùi bún bò thơm lừng tỏa ra từ căn bếp của mẹ, mùi nắng mới lên trên dây quần áo vừa phơi, mùi xoài chín thơm nức khu vườn mùa hạ,...
Ngày gia đình là cuối chiều tan sở chỉ mong vượt đoạn đường tắc nghẽn về nhà để biết có mâm cơm nghi ngút khói đang đợi, có một chốn nghỉ ngơi, nương tựa, có những người thân sẵn sàng nghe mình huyên thuyên kể chuyện tầm phào hoặc háo hức báo tin lành hoặc than thở điều trắc trở. Là cuối tuần đứa con trọ học xa ngóng đợi chuyến xe đò về nhà, để ngắm lại những gương mặt không gặp một tuần đã thấy muôn trùng nhớ, để nghe lại những câu nói muôn thuở “sao dạo này con ốm thế”, “con ăn nhiều vào, mấy quán cơm bụi làm gì có món này”.
Gia đình cho ta những ngày thao thức chờ đợi. Đợi buồn vui lần lượt níu tay nhau kéo đến. Đợi chồng trở về sau bữa tiệc muộn chiêu đãi khách, chếnh choáng men say, đợi vợ hoàn thành chuyến công tác xa về với gia đình bé nhỏ, với con thơ, với góc bếp và nếp giường quen thuộc. Đợi những đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, rồi chập chững bước đi, rồi bụi bặm trở về từ những chuyến phiêu lưu bất tận, rồi bẽn lẽn dắt người yêu về xin cưới.
Gia đình cho ta những ngày giông bão. Làm sao đếm hết giọt nước mắt rơi vỡ vì hoài nghi, cãi vã, vì ích kỷ, hiểu lầm. Nhưng trên tất cả, gia đình gắn với tha thứ , hi sinh. Không hạnh phúc nào dễ dàng có được mà chưa từng đánh đổi. Tôi thấy cha mẹ tôi từng suýt bỏ nhau vì áp lực cơm áo gạo tiền, tôi thấy những gia đình mà các thành viên mãi không gọi nổi nhau tiếng bố mẹ, anh, chị, em vì lúng túng, bực bội chuyện con riêng, con chung, bố dượng, dì ghẻ, tôi thấy những đứa con từng bất đồng với phụ huynh đến nỗi muốn tự tử. Nhưng cuối cùng điều họ yêu thương, trân quý nhất, bất chấp tất cả để bảo vệ vẫn là gia đình. Bởi người nhà không phải muốn là bỏ ngay được, bởi người nhà nếu lìa xa sẽ không còn biết tin tưởng, nương cậy ai giữa nhân gian rộng lớn này.
Ta nhiều khi đi xa, mệt mỏi, tưởng mình sắp chết đuối giữa biển đời mù khơi, chỉ cần nghe một tiếng gọi ân cần đã đủ sức kiên cường gượng dậy. Trên đời này có lẽ không có thanh âm nào kỳ diệu bằng tiếng gọi từ gia đình: “về nhà đi con, về với bố mẹ mọi chuyện sẽ ổn”, “về nhà đi em, anh đợi”, “bố về ngay nhé, về ăn cơm với mấy mẹ con...”
May