Bài đạt giải nhất cuộc thi Mùa hè của tôi:

Nắng hồng sẽ thắp sáng những mùa hè sau

(Dân trí) - Cháu đã cố gắng và cố gắng cứng cáp để làm tròn bổn phận của một người con, một người chị lớn trong gia đình. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn cháu có rất nhiều những nỗi niềm mà cháu muốn được sẻ chia, được tiếp sức...

Kính gửi: Ban Tổ chức cuộc thi Mùa hè của tôi!

Đối với tuổi học trò, mùa hè là mùa đặc biệt nhất trong năm. Đó là mùa học trò không phải đến trường, được nghỉ ngơi, thư giãn, được đi nghỉ mát... Nhưng dường như những mùa hè như thế chỉ có ở thành phố còn ở những vùng quê như quê cháu thì mùa hè của học trò gắn với cánh đồng, gánh cỏ, lưng trâu... để phụ giúp gia đình.

Với cháu, mùa hè năm 2005 là một mùa hè đầy nước mắt, mùa hè mà cháu cứ ngỡ là không có mặt trời. Mùa hè đã qua đi nhưng những giọt nước mắt năm ấy vẫn còn trên mi mắt cháu bởi đến tận bây giờ mẹ cháu vẫn chưa khỏi bệnh. Cháu đã cố gắng và cố gắng cứng cáp để làm tròn bổn phận của một người con, một người chị lớn trong gia đình. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn cháu có rất nhiều những nỗi niềm mà cháu muốn được sẻ chia, được tiếp sức để cháu có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn phía trước, dù đó chỉ là những lời động viên từ những người bạn cùng trang lứa.

Cháu xin bày tỏ lòng biết ơn Ban Tổ chức cuộc thi đã cho cháu có dịp được giãi bày nỗi lòng mình với những người mà cháu rất mực yêu thương, những người đã cưu mang, giúp đỡ, động viên cháu trong những ngày hoạn nạn, được nói những lời mà nếu đối diện cháu sẽ không thốt lên được.
 
Nắng hồng sẽ thắp sáng những mùa hè sau - 1

Lan Hương chia sẻ tại buổi lễ trao giải cuộc thi "Mùa hè của tôi".

Ngày 26/4, là một ngày mà mình không bao giờ quên: Nơi cái trạm xá bé nhỏ mẹ đã sinh em bé Anh Thư.

Khi bác Lan trạm trưởng bế em ra thấy mình đang ngồi thu lu một góc, liền gọi:

- Hương, bế em này!

Mình luống cuống chạy lại vấp phải cái gấu quần nên đầu chúi xuống đất may mà không ngã. Đón em từ tay bác Lam, nước mắt mình chực trào ra khi thấy em bé được quấn trong một chiếc vỏ chăn mỏng, chỉ hở mỗi cái mặt đỏ hỏn. Em bé sinh thiếu tháng nên chỉ được 2,5 cân và trên đầu chẳng có lấy một sợi tóc nào. Trong khi bác Lam và chị Hà y tá đang "chăm sóc" mẹ, mình cứ ôm chặt lấy em vì sợ nó rơi. Một lúc sau, bà ngoại và các dì ào tới. Nhìn thấy cháu "lành lặn", mọi người quay mặt đi giấu những giọt nước mắt. Chỉ vài giờ đồng hồ cái tin mẹ lại sinh con gái, đứa con gái thứ ba đã lan khắp xã.

Duy chỉ có mẹ là không biết gì cả. Vì khi mang thai em bé được 3 tháng, mẹ mắc chứng tâm thần phân liệt. Lúc đầu chỉ là những câu nói nhảm nhí sau đó là la hét, đập phá. Mấy đêm liền, mẹ không ngủ. Mẹ ngồi đầu giường, vò đầu tóc rối tung lên, bọt mép sùi ra hai bên miệng. Mình chạy lại ôm lấy mẹ thì mẹ hất tay làm mình ngã lăn ra nhà. Chưa hết, mẹ còn trừng mắt nhìn mình hỏi:

- Mày là đứa nào?

Mình đứng chết lặng. Trời đất ơi, đứa con mà mẹ đã đứt ruột đẻ ra và mười bốn năm trời vất vả nuôi lớn vậy mà giờ đây mẹ còn chẳng biết biết nó là ai. Vừa tủi thân vừa thương mẹ, mình ngồi ôm mặt khóc. Bố cũng khóc theo.

Những chuỗi ngày sau đó thật khốn khổ đối với cả nhà mình. Bệnh của mẹ mỗi ngày một nặng. Trong nhà chỉ có chiếc xe máy 82 bố đem bán "chạy" lấy 4 triệu đồng cộng với tiền họ hàng, làng xóm giúp đỡ được gần 6 triệu. Bố đưa mẹ ra Bệnh viện Bạch Mai chữa trị một thời gian nhưng khi bệnh mẹ bắt đầu thuyên giảm thì lại phải đưa mẹ về vì không lo nỗi tiền viện phí. Bác sĩ cũng thông cảm hoàn cảnh nên cho đơn thuốc về nhà điều trị. Bán xe rồi một thời gian sau bố bán luôn cả con trâu "gia sản" của nhà nông để lo thuốc thang chạy chữa cho mẹ. Đêm khuya, dưới cái bóng điện dây tóc đỏ quạch, bố ngồi chống cằm trên chiếc điếu cày. Mình biết bố đang nghĩ ngợi nên đến ngồi cạnh. Bố ngước nhìn mình hồi lâu rồi bảo:

- Con ạ, bố phải đi  kiếm tiền nếu không...

Bố bỏ dở câu nói. Cả đêm mình không tài nào chợp mắt được, nước mắt cứ thi nhau lăn xuống má, ngoài nhà bố cũng trở mình liên tục. Sáng hôm sau, hai mí mắt sưng húp nhưng để bố yên tâm nên mình vẫn cố tỏ ra cứng rắn:

- Bố cứ đi đi, ở nhà con lo được.

Bố theo mấy chú trong làng đi phụ hồ ở  Thanh Hoá. Trước khi đi, bố đặt hai tay lên vai mình, dặn dò:

- Ở nhà mọi việc bố trông cậy vào con.

Từ hôm đó mình phải gồng mình lên để lo mọi việc. Buổi sáng, từ khi trời còn tối om mình phải  thức dậy để giặt giũ quần áo, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ rồi về nấu bữa sáng cho mẹ. Bát mỳ tôm, bát cháo đập thêm quả trứng gà để nhường mẹ còn hai chị em ngồi trệu trao nhai cơm nguội với cà muối. Mình thì không sao nhưng thương em Trà. Nó vừa ăn vừa uống nước ừng ực vì cà mặn quá. Có hôm cơm nguội chỉ còn lưng bát, mình nói dối em là chị ăn rồi. Em Trà tưởng thật ngồi chén hết sạch còn mình đành nhịn đói chờ đến bữa trưa.

Cuối tháng bố về, bố đưa cho mình 800 nghìn:

-  Chỉ có từng này thôi con liệu mà chi tiêu.

Nhìn khuôn mặt bố gầy sọm, râu bố mọc dài ra mấy phân mình thấy thương bố vô cùng. Mỗi lần đi chợ mình dè xẻn từng đồng. Thức ăn chỉ mua phần mẹ còn hai chị em cứ bòn hái rau trong vườn nấu canh, hết rau thì ăn cơm chan nước tương, nước cáy... Ở nhà được hai hôm bố lại đi. Dì Hà mang thuốc về cho mẹ, dặn:
- Phải ép mẹ uống đủ nếu không bệnh lại nặng hơn đấy!

Dì còn dúi cho mình hai trăm nghìn, bảo:

- Thỉnh thoảng mua lạng thịt mà nấu canh, chứ dạo này trông  hai chị em gầy như con mắm lẹp.

Dì vừa nói vừa khóc. Mình gật nhưng rồi lại để dành mua thức ăn cho mẹ. Khổ nhất là ép mẹ uống thuốc. Có khi vừa cho thuốc vào miệng mẹ lại phun toẹt vào mặt mình. Đã quen với những việc như thế này nên  mình không còn thấy tủi thân nữa. Cực mấy mình cũng chịu được miễn là mẹ khỏi bệnh. Mình thấy thương và lo cho mẹ quá chừng! Vì qua sách báo mình biết uống nhiều thuốc tây khi mang thai sẽ ảnh hưởng đến "em bé", có khi còn bị quái thai nữa. Thỉnh thoảng trong giấc ngủ chập chờn mình vẫn gặp ác mộng. Mình ngồi bật dậy, trán vã mồ hôi cầu mong cho "em bé" trong bụng mẹ được bình an vô sự.

Và lời cầu mong của mình đã hiệu nghiệm. Em bé Anh Thư sinh ra dù nhẹ cân nhưng cứng cáp. Sự hiện diện của em là một niềm vui lớn đối với mình nhưng kéo theo rất nhiều vất vả. Bố vẫn phải đi phụ hồ để kiếm tiền, bà nội, bà ngoại đều già yếu, em Trà vẫn còn nhỏ nên chẳng đỡ chị được nhiều. Mẹ không có lấy một giọt sữa. Mẹ cũng chẳng biết đến em bé. Những lần em khát sữa gào khóc mình lại bế em đi xin bú nhờ. Chẳng ai nỡ từ chối một đứa trẻ đang khóc khản giọng vì đói. Nhìn em bé cứ ôm lấy bầu vú của bác Hoa mà mút chùn chụt mình cười chảy nước mắt. Khổ nhất là đêm đang ngủ lại phải thức dậy quấy bột cho em ăn. Hai mi mắt mình cứ díp lại nhưng phải cố mà chống lên để em khỏi bị sặc. Trời nóng nực, điện lại bị cắt liên miên, nhiều đêm mình và bà ngoại thay phiên nhau quạt cho em ngủ, sáng ra mỏi rã cánh tay. Em bé chắc thương chị vất vả nên ăn xong lại lăn ra ngủ ngon lành như con cún con. Nhưng có hôm em bé sốt cao, quấy khóc suốt đêm, mình phải bế long dong khắp nhà. Bà ngoại thương dậy bế đỡ cho nhưng em bé không chịu cứ quấn lấy mình như bị rịt hơi. Gần sáng mới chợp mắt được một tý lại phải dậy để ra đồng. Vác bó lúa trên vai mà chân mình chới với đi không vững. Trời tròn bóng mới về đã thấy bà nội quần ống thấp ống cao đón ngay đầu ngõ:

- Mẹ mày lại chạy đi đâu rồi.

Thế là chân đất chạy ngược lên đê tất tả đi tìm mẹ. Những cơn gió Lào khô bỏng như rang táp vào mặt. Tìm được mẹ rồi lại phải dỗ dành đưa mẹ về nhà. Trừ những lúc ngủ, còn thì mẹ la hét, đập phá mọi thứ rồi lao đầu vào tường.  Hai chị em phải dùng hết sức ôm lấy mẹ ngăn lại. Có lần mẹ xô mình ngã đầu va vào thành bàn, trán sưng một cục như quả ổi.

 Có hôm  đang đêm, mẹ bỗng vùng dậy nhìn chằm chặp em bé đang ngủ trên giường hỏi:

- Đứa nào đây?

Mình không nói được gì chỉ biết khóc. Mẹ với lấy cây gậy chống rèm lao tới em bé. Mình nhoài người theo. Cây gậy nằm ngay giữa sống lưng mình đau điếng. Mẹ vẫn lao vào giằng lấy em bé. Bà nội và em Trà phải ôm chặt lấy mẹ còn mình bế em  đi trốn giữa trời mưa. Cái áo mưa rách toạc một bên chỉ đủ để che cho em còn mình ướt sũng. Nước mắt, nước mưa chảy xuống miệng mặn chát. Mình khóc không phải vì đau.

Em bé cứ hồn nhiên lớn lên. Ba tháng đã biết lẫy, biết hóng chuyện. Mỗi lần nhìn thấy mình là giơ đôi tay bé xíu trắng hồng đòi bế. Mẹ không gào thét nữa nhưng  lại lẳng lặng như một cái bóng biết đi. Có khi ngồi lẩm nhẩm một mình những câu không ai hiểu. Mỗi lần ngước lên nhìn bức ảnh cả gia đình chụp chung treo trên tường, trong ảnh mẹ thật trẻ trung, da trắng, tóc dài đang dang tay ôm hai chị em, lòng mình se sắt lại.

Cuối hè, dì Nhân bạn mẹ ở Vinh ghé về thăm mẹ và mang cho hai chị em hai bộ sách giáo khoa. Dì vuốt  tóc mình mà mắt rơm rớm:

- Tội nghiệp cháu tôi, thế là mất cả mùa hè.

Mình thấy nghèn nghẹn trong cổ:

- Cháu không thấy tiếc thời gian đã qua, nhưng cháu buồn vì bệnh của mẹ cháu vẫn không khỏi.

Nói rồi mình khóc nấc lên. Dì ôm lấy mình nói trong hai hàng nước mắt:

- Dù gì thì cháu cũng phải cố mà học, mai mốt còn thi đại học nữa.

Tiễn dì về mà mình cứ đứng bần thần trước cổng: Dì ơi, với hoàn cảnh của cháu bây giờ cổng trường đại học quả là xa xôi, có một giấc mơ gần hơn vẫn đến với cháu hằng đêm đó là ngày mẹ khỏi bệnh. Chiều chiều, mẹ bế em ra ngõ đón cháu đi học về. Giấc mơ đó từng giờ, từng phút cháu vẫn mong ngóng và chờ đợi.

Mùa hè này cháu không nhìn thấy "mặt trời" nhưng nắng hồng sẽ thắp sáng những mùa hè sau, niềm tin sẽ thắp sáng ngày mai của cháu phải không dì?

Trần Thị Lan Hương
(Lớp 11C7, Trường THPT Nam Đàn II, Nam Đàn, Nghệ An)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm