Năm tháng xanh như cỏ

(Dân trí) - Ngày bé tôi không được sống cùng cha bởi mẹ tôi là vợ lẽ. Nhà của cha cách nhà mẹ con tôi tầm 5 cây số, mỗi tuần tôi gặp ông một đôi lần, thường là ông ghé thăm hoặc tôi tự đạp xe đến nhà cha.

 
Năm tháng xanh như cỏ


Tuổi thơ tôi gắn liền với những chuyến đi về lẩn thẩn, những hỏi thăm vừa xa vừa gần ấy nhưng chưa một lần tôi thấy tủi thân. Trời sinh tôi vốn như vậy, luôn bằng lòng với mọi thứ, dù vui hay buồn cũng an nhiên như cây cỏ, như chính cái tên Thảo Miên cha tôi đặt cho, Thảo Miên nghĩa là giấc ngủ của cỏ, ngủ rồi còn biết chi đến tham sân si.

 

Tôi rất thích những chiều tan học sớm, một mình đạp xe đến nhà cha. Cha tôi bán và sửa chữa đồng hồ. Cửa hiệu của ông khá to, lúc nào cũng như phủ một lớp bụi mờ dù mẹ cả tôi vẫn thường xuyên quét dọn. Tôi đã ngồi hàng giờ ở đấy, tròn xoe mắt ngắm nhìn những chiếc đồng hồ cổ có quả chuông lúc lắc tạo ra thứ âm thanh trầm ngâm, ngắm nhìn cha tôi tỉ mẩn lắp từng chiếc kim giờ hay tháo vài ốc vít. Rơi vào ráng chiều là những câu chuyện vụn vặt giữa hai cha con, đôi khi tôi kể về những nỗi buồn âm ỉ. Với một cô gái nhỏ, việc bị mẹ mắng oan, bị bạn bè trêu ghẹo hay thiếu mất nửa điểm vào đội tuyển Văn quốc gia thường để lại vài vết xước tựa vết chim di lên tim mình. Cha luôn có cách xoa dịu chúng, không biết tôi thấy an lòng hơn vì bàn tay cha khẽ vuốt lên tóc mình hay vì lời cha trầm ấm “mọi thứ rồi sẽ ổn, con rồi sẽ đi qua nỗi buồn, năm tháng mãi xanh như cỏ”.

 

Mẹ tôi chưa bao giờ yêu cha, ngoài ba mươi tuổi mẹ mới lấy chồng. Bà ngoại bảo mẹ để lỡ thì con gái chỉ vì những hứa hẹn, đợi chờ. Tôi chưa bao giờ hiểu hết lời bà nói cho đến một ngày dượng tôi đột ngột trở về từ nước Pháp xa xôi. Nhiều năm về trước ông ấy là mối tình đầu, nhiều năm về sau ông là bến đỗ sau cuối của cuộc đời mẹ. Mẹ quyết định cả nhà tôi sẽ sang Pháp định cư, “nhà tôi” vốn chưa bao giờ có cha, nhưng  từ lúc ấy đã có thêm dượng. Tôi không phản đối nhưng thấy lòng buồn như nhành cỏ úa những mùa gió heo may.

 

Trước ngày đi, chiều nào tôi cũng đến tìm cha. Mọi thứ dường như chẳng hề thay đổi. Nắng chiều vẫn chênh chếch nhuộm đỏ lớp bụi mờ, đồng hồ quả lắc vẫn đung đưa, chỉ là bàn tay cha vuốt tóc tôi khẽ khàng hơn, những lời thủ thỉ cũng dài hơn. Đôi khi miệng đang líu lo mà nước mắt cứ rơi lã chã, tôi kể rằng chưa kịp đi xa đã quay quắt nhớ ngôi trường cấp hai, nhớ các bạn tôi, nhớ con dốc cheo leo dẫn lên nhà cha, nhớ bà ngoại nhóp nhép nhai trầu, nhớ cha! Tôi hỏi cha thời gian có màu gì, liệu nó có cuốn bay mất kỷ niệm, tôi cứ muốn thời gian ngừng lại, tôi sẽ chẳng phải lớn, sẽ chẳng đi xa. Cha tôi bảo màu thời gian xanh ngắt.

 

Rồi nhiều năm liền tôi rời xa nơi ấy, ngoái nhìn lại thấy kỷ niệm xanh hiền như cỏ. Cha tôi đã đúng, chẳng ai buồn mãi được. Ngày nối ngày trôi, tôi cũng mải miết đi giữa đời cho đến một ngày tưởng chừng không còn sức bước tiếp. Tôi đang học đại học thì có thai và chẳng may bị sẩy. Đứa trẻ chưa chào đời nhưng sáu tháng mang trong mình hơi thở thiêng liêng ấy đủ để tôi biết nỗi đau mất con, trước đó tôi đã mất đi tình yêu, anh ấy bỏ đi chỉ vì sợ ràng buộc và trách nhiệm. Tôi loay hoay vá víu lại tim mình nhưng càng vá càng thấy đau. Cha tôi từ Việt Nam bay sang, nhìn thấy tôi bơ phờ, mắt sưng mọng, ông khẽ xoa đầu bảo “Thảo Miên ngủ đi con, ngủ ngoan như cây cỏ, ngày mai con vẫn phải bước đi”. Giây phút đó tôi biết rằng mình phải tự đứng lên.

 

Ngày cha mất, chẳng ai báo với tôi. Trong khi người ta đưa quan tài cha xuống cái dốc chênh vênh, dọc theo con đường ngày xưa tôi vẫn đạp xe qua, ở trời Tây tôi đang miệt mài làm đồ án tốt nghiệp cao học. Tôi mãi giận mẹ đã giấu chuyện, cho đến ngày trở về nhìn mộ cha xanh um, lại thấy lòng an yên như cỏ cây, lại quên hết khổ đau, sân hận, chỉ nhớ rằng năm tháng mãi xanh.

 

Bình Tâm