Muốn khóc với những lý do ly hôn của vợ chồng trẻ
Yêu nhau nhiều năm, vất vả mới cưới được nhau, nhưng ly hôn rất nhanh vì lý do trời ơi đất hỡi. Tất cả chỉ vì chàng và nàng đều chỉ biết bắt đầu bằng chữ: TÔI!
Tôi muốn giữ thùng tiền mừng cưới
Ly hôn vì tranh nhau thùng tiền mừng cưới – khi biết được lý do này, không ít người đã cười đôi vợ chồng mới cưới Đặng Văn Đó (sinh năm 1985) và Phạm Thị Lụa (sinh năm 1987) ở Đắk Rla tỉnh Đắk Nông. Họ có thời gian yêu nhau dài tận 5 năm, phải trải qua sự ngăn cấm của hai bên gia đình, rồi mất một thời gian nữa mới làm được đám cưới với nhau.
Sau khi tiễn khách ra về, vợ chồng anh Đó, chị Lụa bắt đầu kiểm tiền mừng đám cưới. Đếm xong, chị Lụa bảo mình là vợ, là “tay hòm chìa khóa” trong nhà thì để chị cất giữ số tài sản đó, đến lúc nào cần dùng, chị sẽ đưa ra. Anh Đó thì lại nói tính chị vốn không cẩn thận chuyện tiền bạc, nên để anh giữ cho chắc hơn. Hai người giành qua giành lại rồi xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Đỉnh điểm của sự việc là ngay trong đêm động phòng, chị Lụa đẩy chồng ra khỏi buồng rồi đóng cửa lại.
Nhiều ngày sau đó, hai người vẫn chưa giải quyết được chuyện ai nên giữ số tài sản này nên vẫn xích mích. Những người hàng xóm cho biết, nhiều lần họ thấy hai vợ chồng đánh chửi nhau ầm ĩ, có khi thì anh chồng tát vợ trước hiên nhà, có lúc lại thấy chị vợ cầm dao làm bếp đuổi chồng chạy khắp nhà. Nhiều lần thấy sự việc quá nghiêm trọng, chính quyền thôn đã phải xuống can thiệp, hòa giải giữa đôi bên.
Thế rồi bất ngờ họ dẫn nhau ra tòa ly hôn. Cán bộ đến hòa giải, chị Lụa bộc bạch trong nỗi bức xúc: “Chúng tôi ly hôn là bởi anh ấy cứ giành giữ cái thùng tiền mừng cưới với tôi!”. Sau 4 lần hòa giải mãi không thành, Tòa chấp thuận cho hai người ly hôn.
Chuyện ly hôn vì thùng mừng cưới của anh Đó – chị Lụa không phải là duy nhất. Anh Minh Nam và chị Ngọc Nữ đều ở TP.HCM yêu nhau 6 năm rồi cưới nhau, những tưởng đêm tân hôn cả hai sẽ ngất ngây hạnh phúc, nào ngờ họ giành nhau cái thùng tiền mừng cưới rồi lôi nhau ra tòa.
Theo đơn xin ly hôn của chị Nữ, chị và anh Nam đều có việc làm ổn định, trước khi đến với nhau từng có 6 năm yêu nhau. Nhưng sau ngày cưới, do thấy cuộc sống hôn nhân không hòa thuận, cưới nhau được 10 ngày thì chừng ấy thời gian vợ chồng chị gây lộn, đánh nhau rồi xỉ vả nhau bằng những lời lẽ rất nặng nề. Vì vậy, chị muốn ly hôn để giải thoát và tìm hướng đi mới cho cả hai.
Khi Tòa cố gợi để hòa giải, rằng hai anh chị chỉ mới cưới nhau được 10 ngày, nếu nói vì mâu thuẫn mà phải đưa nhau ra tòa ly hôn là vô lý, thì chị Nữ đứng lên nói: “Mâu thuẫn chỉ một phần, chúng tôi ly hôn là bởi anh ấy cứ giành cái thùng tiền mừng cưới với tôi. Đáng lẽ anh ấy là chồng phải để tôi giữ mới đúng!”.
Anh Nam phản bác: “Tôi muốn dùng số tiền mừng cưới để làm ăn, lo cho hai vợ chồng. Còn cô ấy chỉ biết dùng nó để mua sắm cho mình”. Thuyết phục, hòa giải không được, Tòa quyết định cho ly hôn. Chị vợ sung sướng quay sang nói chồng: “Từ nay đường ai nấy đi, thùng tiền mừng cưới thì chia đôi”.
Khư khư giữ “Tôi”, ắt sẽ ly hôn
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa giảng viên Đại học Khoa học - Xã hội nhân văn TP.HCM đã từng tiến hành một nghiên cứu, theo đó cho thấy 60% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ 23-30 tuổi, trong đó 70% ly hôn khi mới kết hôn. Trước khi bước vào đời sống vợ chồng, nhiều người chưa trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản nhất, không chia sẻ, nhường nhịn và điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp với môi trường sống mới. Điều đó dễ dẫn đến sự lạc lõng và hụt hẫng ngay từ những ngày đầu của hôn nhân.
Tâm sự của một người chồng: “Khi yêu nhau, tôi không để ý đến việc “nữ công gia chánh” của cô ấy. Nhưng lấy nhau về thì chao ôi, đến bữa cơm cô ấy không thèm dọn mâm bát gì, chia cho mỗi người một tô, bỏ chung tất cả cá, thịt, rau, mắm... bê lên vừa ăn vừa xem ti vi. Tôi góp ý thì cô ấy lý luận “ăn uống chỉ là một nhu cầu nhỏ, không nên tốn nhiều thời gian về chuyện đó. Muốn ăn ngon thì ra nhà hàng.”.
Chuyện thứ hai tôi không thể chấp nhận ở cô ấy là để nhà cửa bừa bộn, cần cái gì cũng phải hỏi. Tôi góp ý thì cô ấy biện luận “ở cơ quan đã rất gò bó rồi, về nhà phải được thoải mái”. Tôi đành chọn giải pháp chia tay...”.
Tâm sự của một người vợ: “Chúng tôi quen nhau qua một người bạn, tìm hiểu không lâu và kết hôn sau nửa năm quen biết. Khi yêu, mọi thứ quanh chúng tôi đều lãng mạn và lung linh trong ánh hồng rực rỡ, nhưng bước vào cuộc sống vợ chồng mới thực sự vỡ mộng. Tôi cảm thấy chồng mình hoàn toàn là một con người khác, không còn vẻ hào hoa, lịch lãm như xưa. Tôi nói, những tưởng anh ấy trở lại như xưa, nào ngờ anh ấy chẳng những không đổi, mà còn quay lại chỉ trích tôi: “Cô thử soi gương xem, chính cô mới là người thay đổi, bỗng dưng trở thành một người lắm điều, mất hết vẻ nữ tính, điềm đạm ngày xưa”.
Qua hai tâm sự của người chồng và người vợ trên đây có thể thấy, sự ảo tưởng, thiếu thực tế, cái “tôi” quá lớn, cộng thêm sự ngộ nhận về tình yêu và hôn nhân gia đình là lý do hàng đầu khiến các cặp vợ chồng nhanh chóng tan vỡ. Thêm vào đó là sự khác nhau về quan điểm, phụ nữ thời nay thì cho rằng nam nữ bình đẳng, mỗi người đều bận rộn với công việc, nên việc nhà cả hai vợ chồng đều phải có trách nhiệm, không thể rũ bỏ hoàn toàn cho người phụ nữ. Trái lại, đàn ông có thể do ảnh hưởng tư tưởng từ bà, mẹ mình nên khó chấp nhận chuyện bình đẳng giới. Họ muốn vợ phải chu toàn việc nhà cửa, con cái…
Do đó, các nhà tâm lý khuyên trước khi kết hôn chàng và nàng nên tự trang bị cho mình những kiến thức căn bản về hôn nhân, về kỹ năng giao tiếp, thích nghi với sự khác biệt… Và quan trọng hơn cả là học cách chia sẻ, chấp nhận những nhược điểm của nhau, học thuộc lòng hai từ “nhường nhịn” và “hy sinh” vì người khác, vì nhau và vì con cái. Lúc đó hạnh phúc sẽ bền chặt!
Theo Dương Nhi
Pháp luật Việt Nam