Góc tâm hồn

Muối mè của mẹ

(Dân trí) - Huế là nơi tôi để lại thời sinh viên với bao kỷ niệm đẹp. Nhiều năm rồi nhưng mỗi khi nghe đài báo phát những bản tin về nước lũ dâng cao, mưa ngập thành phố, tôi lại nhớ đến những ngày trốn lụt cùng các bạn…

 
Muối mè của mẹ  - 1


Quê tôi ở miền núi nên lụt lội là hiện tượng hiếm thấy, có chăng chỉ là những trận lũ quét và sạt lở đất. Ngày tôi ba lô con cóc vào Huế mài kinh nấu sử để thi Đại học, mẹ bỏ cho tôi 20 cân gạo và một ít muối mè, muối đậu.

 

Ở quê tôi hầu hết học sinh thi đậu năm đầu rất hiếm, ai cũng phải qua thêm một năm ôn luyện ở các trung tâm trước khi thi, tôi cũng nằm trong số đó.

 

Chiếc xe đò lăn bánh để lại phía sau bụi và đôi mắt dõi theo của người mẹ già. Tôi ngoái lại mà lòng nặng trĩu, tự nhiên sống mũi cay cay, tự nhủ “mẹ là quê hương của con, vĩnh viễn như thế…”. Và đây là lần đầu tiên tôi xa quê hương - xa mẹ, nên thấy mình đơn độc. Liệu có tự lập ở giữa cái thành phố na êm đềm na xô bồ như Huế không?

 

Rồi những ngày đầu của cuộc sống xa nhà cũng qua đi. Đó là sự vật lộn nặng nề đối với một con chim non vừa xa tổ. Những ngày ở phòng trọ nóng như đổ lửa, tôi thèm được trở về quê nhà, đắm mình trên dòng sông Sêpôn. đó có những người bạn Lào chiều chiều cùng tắm. Về để được đi dưới tán lá vườn cây um tùm của ba và sà vào lòng mẹ.

 

Tôi đi học, thầy dạy những điều mới mẻ, không có trong bài giảng của các thầy ở một trường miền núi như tôi học. Bạn bè tôi hỏi “mày ở đâu?”, tôi chỉ lên rạng núi xa xanh, nơi có những chòm mây bạc trắng: “Trên kia, nơi đó người ta ăn bốc bằng tay”, ý tôi chỉ muốn nói mình ở trên rừng, vùng biên giới của Lào, nhưng muốn phóng đại cái lạc hậu ở quê nhà. Sau một thời gian, tôi quen nhiều bạn, có đứa ở vùng chiêm trũng Hải Lăng, Quảng Trị, đứa ở tận miền Nam. Chúng tôi ở chung một phòng, góp gạo nấu cơm chung và đi lại bằng chiếc xe đạp cà tàng từ cái thời học lớp 10 ở quê đưa vào. Rau muống là món ăn thường thấy trong mỗi bữa cơm, vì rau muống ở Huế rẻ, khi rảnh có thể đi hái dọc sông hoặc hồ.

 

Mùa mưa, nước ở sông dâng cao, những con đường chìm trong nước, có nơi phải chèo đò. Tôi và mấy đứa bạn thích thú đi lội nước, cả thành phố chìm trong mưa, những chiếc xe chết máy dắt bộ, người ta hồ hởi, nhốn nháo chuyển những vật dụng trong nhà lên cao. Giờ nghĩ lại thấy mình thật ngây thơ, người ta làm không hết việc để chống chọi với lũ lụt, mình thì đi lội nước!

 

Chúng tôi trở về phòng - căn gác hai của một ngôi nhà, xây theo kiểu khu tập thể. Chủ nhà ở xa, chúng tôi tự quản. Cơm tối xong, nghe ngoài trời mưa xối xả theo từng cơn gió thổi mạnh trên mái nhà, chúng tôi yên tâm vì nước sẽ không thể ngập tới.

 

Thằng bạn buồn rầu nhớ nhà và lo lắng. Giờ này vùng trũng Hải Lăng cũng đang ngập nước, sợ lúa vừa cắt ít hôm không kịp phơi sẽ bị ướt, nảy mầm, rồi nhà sẽ đói, quê sẽ đói…

 

Tôi lo lắng vì chiều nay không điện về nhà, sợ mẹ lo sẽ không ngủ được! Qua  hướng cửa sổ, chúng tôi nhìn thành phố chìm trong bóng đêm, xa xa có những ngọn đèn yếu ớt, tiếng hò hét, tiếng gọi nhau…

 

Chúng tôi chìm dần vào giấc ngủ, thấy mình về với quê nhà. Mẹ sẽ nấu cho những món ngon để bồi dưỡng. Tôi khoe với em út, bạn bè về xứ Huế mộng mơ, về những điều đã học được từ thành phố, kể cho các bạn cùng lứa không có điều kiện đi ôn thi những kiến thức vừa học. Rồi bới gạo, muối mè của mẹ vào thành phố, chiếc xe đò lại ra đi, để lại con đường bụi đỏ, mắt mẹ rươm rướm, mắt mình cay cay…

 

Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy và ngạc nhiên vì nước đã ngập chân cầu thang, còn chưa đầy mét nữa là đến phòng. Ban đầu rất hớn hở, chen nhau xem, sau đó cả bọn nhìn nhau và chợt nhận ra một điều gì sợ hãi…

 

Ba đứa ba tô mì tôm. Mì tôm luôn gắn với đời ở trọ của mỗi chúng tôi. Những ngày nắng, gạo hết, ăn mì tôm đến nỗi mồ hôi chảy ra cũng có mùi mì tôm!

 

Trưa chúng tôi ăn cơm, mì tôm làm canh và nước mắm. Trong mắt đã ánh lên một nét sợ hãi vì mì tôm sắp hết, nước lên cao chúng tôi sẽ bị cô lập!

 

Đến ngày hôm sau, mì tôm hết, chúng tôi ăn cơm và nước mắm. Ai đã từng ăn cơm với nước mắm 2 ngày sẽ biết nỗi khổ cực, rứa mà chúng tôi vẫn vui vẻ vì tin là nước sẽ rút sớm. Đứa bạn  miền Nam ôm cây guitar nghêu ngao “miền Tây nước lớn, đứng ngồi không yên, miền Trung lũ lụt suốt đêm không ngủ…”.

 

Ngày thứ ba nước vẫn chưa rút mà còn cuồn cuộn cuốn theo những cây lục bình, cỏ rác từ phía thượng nguồn về. Cơm nấu lên, nước mắm vẫn còn nhưng chả đứa nào muốn ăn. Tôi chợt lục tìm trong chiếc ba lô, tìm thấy một bao muối mè ngày nào của mẹ. Muối mè ngày nắng ăn nhiều sẽ chán. Do mẹ hay rang muối mè nhét vào ba lô phòng khi thiếu thức ăn, nên có khi đưa ra ăn hết, có khi chán quá không đưa ra ăn, để quên có lúc vài tháng. Cơm xới lên, mùi thơm bốc lên, ăn với muối mè gặp trong lúc đói là rất tuyệt. Sau gần hai ngày ăn nước mắm, muối mè như một đặc sản. Thằng bạn người Hải Lăng nói “Sau này nếu thi đậu đại học và làm ông này bà nọ, thứ tao nhớ nhất luôn là mì tôm, sau đó rau muống xứ Huế và muối mè”. Và một đùm muối mè của mẹ đã giúp chúng tôi qua thêm 2 ngày nước lụt…

 

Chúng tôi cả 3 thằng đều vào Đại học, tuy nhiên mỗi đứa một nơi. Tôi học ở Huế, trường nằm bên dòng sông Ngự Hà thơ mộng và nhiều năm sau đi làm, trong rất nhiều kỷ niệm của những ngày ở trọ ôn thi và học đại học, mùa lụt ăn muối mè của mẹ vẫn khiến tôi không thể nào quên.

 

Giờ đây mỗi đứa một phương, mỗi khi nghe đài phát bản tin thời tiết về bão lụt ở xứ Huế, chúng tôi lại điện cho nhau và nhắc lại thời khắc đấy. Với tôi, muối mè của mẹ là hương vị quê hương, là tình yêucủa mẹ.

 

Yên Mã Sơn