Mừng con riêng 2 chỉ vàng dịp Tết, bị vợ mắng tơi tả rồi bắt đưa... gấp đôi

Nguyên Hoài Phong

(Dân trí) - Lâu nay, Tết đến, anh Trung chuyển 2 chỉ vàng qua vợ cũ mừng con gái. Vợ mới cưới của anh biết sự tình đã làm ầm ĩ.

Anh Lê Đức Trung, 38 tuổi, ở TPHCM đi bước nữa sang năm thứ 2 sau thời gian khá dài chia tay vợ cũ.

Khi ly hôn, anh và người vợ cũ thỏa thuận không tranh chấp tài sản, con cái, trợ cấp... Vợ anh nuôi con, hàng tháng anh đóng tiền ăn học cho con. 

Như một thói quen từ lâu, cứ đến tháng cuối cùng trong năm, anh lại đưa cho vợ cũ 2 chỉ vàng. Như một phần quà mừng dịp tết nhất, rồi để dành tiết kiệm cho con.

Mừng con riêng 2 chỉ vàng dịp Tết, bị vợ mắng tơi tả rồi bắt đưa... gấp đôi - 1

Mai yêu cầu chồng tặng gấp đôi tiền tết cho con riêng (Ảnh minh họa)

Mọi thứ sẽ không có gì để nói cho đến khi anh đi bước nữa với Mai. Năm đầu tiên cưới vợ, anh khá lo lắng chuyện mình mừng thêm cho con gái ngoài tiền trợ cấp hàng tháng.

Đầu tiên anh định "chơi bài bí mật" không tiết lộ, hoặc phương án mình chỉ "khai" ra...1 chỉ, nào ai hay ai biết. 

Nhưng anh cũng phập phồng lo lắng. Sau một lần đổ vỡ, anh rất hy vọng với cuộc hôn nhân mới này. Trong khi, Mai không đòi hỏi gì nhiều ở chồng, cô chỉ hay nhắc: Vợ chồng có lúc này lúc kia, nhưng đừng để đổ vỡ niềm tin. 

Cuối cùng, anh chọn buông cho số phận, đánh liều kể với Mai. Anh gãi đầu gãi tai nói với vợ kiểu như giải trình, thú tội, thanh minh rồi đưa tỉ tỉ lý do như để bớt áy náy, để vợ cũ bớt gây phiền hà... 

Lo vợ phản ứng nên anh cũng rào chắn đủ bề, nào là những năm qua mình làm ăn không đến nỗi, nếu không hợp lý thì anh sẽ bớt xuống hoặc cắt khoản này đi. 

Nhìn vẻ mặt tức giận của vợ mà anh không khỏi sốc. Mai làm cho anh một tràng với những vấn đề mà anh chưa từng nghĩ đến. 

Vợ anh nói anh, đừng tưởng hai chỉ vàng của mình là "to hơn bánh xe bò". Trực tiếp nuôi con đi thì biết, hai chỉ vàng giữa thành phố đắt đỏ này chẳng là gì. Cùng lắm cũng chỉ một tháng học phí nếu con học tại một trường tư mức bình bình. Tết nhất cùng lắm sắm sanh được ít thực phẩm, quần áo hoặc lo cho tiền xe cộ đi lại chứ đừng ngồi đó nghĩ đến việc để con làm tiết kiệm nọ kia. 

Mai nói, anh đừng ảo tưởng là mình đang rất hào phóng nọ kia, kiểu ban ơn với vợ cũ, con riêng. Đó cùng lắm cũng chỉ mới làm được một phần trách nhiệm của người cha. Trong việc nuôi con có ti tỉ thứ phải lo, kiếm tiền là việc dễ dàng nhất nên đừng vênh váo, tự đắc gì về việc đó. 

Mai xả cho chồng một trận: "Tết anh cho bé Thùy (con riêng của anh Trung) bao nhiêu là việc của anh, nhưng ít nhất phải gấp đôi 2 chỉ. Sau khi cưới em, anh không cho con thêm được mà còn dám đề nghị giảm bớt hay cắt đi, thì trong mắt anh, em là loại phụ nữ gì?".

Trung im lặng ngồi nghe vợ nói vừa xấu hổ vừa ngỡ ngàng. Đúng là lâu nay, anh có phần đắc chí kiểu "mình là người cha tốt", dù bỏ nhau mà vẫn chu cấp nuôi con, chứ đầy thằng nó mặc kệ... Rồi cũng nghĩ, tiền mình đưa như vậy là đã quá đủ, quá nhiều, chứ nuôi con thì hết bao nhiêu. 

Anh gãi đầu cảm ơn Mai đã "thông não" cho mình cũng như tấm lòng rộng mở của cô. Mai cười: Đàn ông các anh có sức khỏe, có nhiều cơ hội, nhiều điều kiện để kiếm tiền hơn phụ nữ, nếu bản thân không thể hỗ trợ những việc khác trong nuôi dạy con thì phải.... lo mà kiếm tiền. 

Phụ nữ tấm lòng bao la. Có ai mà không thích một người chồng vừa biết chia sẻ, lo toan việc nhà, tâm lý, quan tâm vợ, biết dạy con lại có khả năng kiếm tiền, có địa vị. Nhưng nếu không được cái này thì phải "bù đắp" bằng cái kia, còn "rớt" luôn cả hai thì vợ con cần các anh để làm gì.

Đàn ông dám làm dám chịu, phải có trách nhiệm với việc của mình. Nhiều vợ, nhiều con thì càng phải nỗ lực hơn gấp đôi, gấp ba, chứ không phải... có con rồi bỏ đi mặc kệ thì đâu đáng làm đàn ông. 

Nhiều người có thể thấy khó tin với việc vợ mới yêu cầu chồng chu cấp nhiều hơn cho con riêng. Nhưng qua đó, cũng là cách để cô "dạy" chồng về trách nhiệm của người chồng, của người cha.

Cô cũng thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng nhiều hơn ở anh, yêu cầu anh phải nỗ lực, phải tạo ra nhiều giá trị hơn cho chính những người thân của mình bằng cách này hay cách khác. Và cũng để anh hiểu, với việc nuôi con, tiền cũng chẳng là gì, cần phải có những trách nhiệm khác. 

Mai cảnh báo anh: Sau này em với anh mà bỏ nhau, anh không còn phải lo toan, chăm sóc gì nữa thì cứ chu cấp thật nhiều tiền cho mẹ con em. Còn bây giờ, ngoài tiền thì anh phải cùng em lo hết. 

Trung ôm lấy Mai, nói: "Người vợ này anh giữ bên cạnh suốt đời, nguyện dâng hết hết cả con người, dốc sạch cả túi".