Một nhà có đám, cả xóm kéo nhau đi ăn

Tôi về làm dâu đã 7 năm tại một vùng ngoại thành Hà Nội. Điều cho đến lúc này tôi không thể thấy vui hay chính xác hơn là không hài lòng, chính là phong tục đám cưới, đám ma nơi đây.

Sau đó ít nhất 2/3 thành viên trong gia đình đến ăn cỗ và thường ăn là 3 bữa, khi đi còn phải luôn nhớ mang túi bóng để còn gói phần mang về nhà.

Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn rất phóng khoáng trong vấn đề khách mời. Với một đám cưới, gia đình nào mà còn khó khăn thì cũng phải từ 90 đến 100 mâm (mâm cỗ chính).


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Gia đình ở mức trung thì cũng làm từ 100 đến 130 mâm, gia đình khá giả hơn thì từ 150 đến 180 mâm. Đám ma cũng có số mâm gần như vậy, nếu như gia đình nào mà không mời rộng và chất lượng mâm cỗ không theo món truyền thống của dân làng thì sẽ bị chỉ trích.

Vì số mâm nhiều như vậy nên việc mở rộng khách mời là lẽ đương nhiên. Đời thứ 5, đến đời thứ 6 ( thậm chí là 7) mà có họ trong nội tộc thì vẫn được coi là gần gũi, sẽ được mời cả gia đình, và mỗi gia đình đó buộc phải đến (ít nhất là 1 người).

Về phong bì, họ quy ước, đám cưới thì đi tùy tâm. Còn với đám ma hay đám bốc mộ, mỗi gia đình là phải bỏ đúng 200 ngàn để phúng viếng, khách ăn cỗ hay không thì tùy.

Nếu như nhà ai có đám, thì việc mời đầu tiên phải là trưởng họ. Trưởng họ sẽ là người quyết định đưa ra các món chính cho mâm cỗ, là người ‘đạo diễn’ mọi quy trình trước và sau khi kết thúc đám.

Nếu như chủ nhà không làm theo hoặc mời không đủ người trong họ thì sẽ bị mọi người nói ra nói vào. Với người được mời đến ăn cỗ, dù không có tiền cũng phải đi vay để nhanh đến mừng.

Ngồi mâm thì được chia ra 4 thành phần: mâm trẻ con, mâm khách quý (mâm đàn ông, mâm thanh niên), mâm phụ nữ (đã có gia đình) và mâm các bà già. Với mâm rượu hay thanh niên thì không có vẫn đề gì, tôi chú tâm nhất là mâm phụ nữ và mâm các bà già.

Mâm phụ nữ thì họ ăn nhanh và ăn ít thức ăn, sau khi ăn xong họ chia phần mang hết về, người nào đang còn ăn thì mặc kệ họ vẫn chia phần, ai mà ngồi với mâm này thì không ăn được gì (tôi đã bị như vậy).

Còn mâm bà già thì họ chỉ có ăn cơm với canh và một số thức ăn xào có ít nước, còn thức ăn khô như tôm, gà, giò thì để gọn một góc, đến lúc cả mâm cùng ăn xong họ mới bỏ ra chia phần và gói vào túi bóng mang về.

Dù là ngoại thành nhưng chủ yếu là làm nông nghiệp, với gia đình vợ chồng trẻ thì họ đi làm công ăn lương đủ tiền nuôi con cái và sinh hoạt cuộc sống, nghỉ ngày công nào là mất tiền ngày đó.

Còn với những người già thì bám vào vài sào ruộng để mưu sinh. Bữa cơm của họ cũng chỉ có mớ rau với tấm đậu rán, nếu ốm đau cũng chỉ có viên thuốc không dám đi viện vì sợ tốn tiền. Vậy nhưng khi có đám họ sẵn sàng bỏ ra vài trăm ngàn và bỏ việc để đến mừng.

Với họ, danh dự còn quan trọng hơn là cuộc sống. Mọi người quan niệm, "người ta đi thì mình cũng phải đi, không đi sẽ bị nói". Và đúng là họ sợ bị nói hơn là sợ cuộc sống khó khăn của mình.

Không chỉ có tôi mà những người về làm dâu ở đây cũng rất khó chịu. Nhiều khi vợ chồng cãi nhau cũng chỉ vì theo hay không theo "lệ làng". Gia đình tôi một tháng biết bao nhiêu tiền chi tiêu, trong đó chi tiêu cho các đám cưới hỏi, ma chay trong họ "hờ" đã mất đến tiền triệu, còn chưa kể tháng nào cũng có. Thật sự là rất mệt mỏi!

Theo Độc giả Phạm Thị Xuân
Vietnamnet