“Một ngày như mọi ngày”

Hôn nhân không đơn giản là con đường phẳng trải đầy hoa hồng, bất cứ đời sống vợ chồng nào cũng sẽ đều trải qua những giai đoạn bỗng dưng... muốn khóc vì nhàm chán, buồn tẻ.

 
“Một ngày như mọi ngày” - 1


Ngày còn yêu nhau, chị Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) nghĩ rằng vợ chồng chị sẽ hạnh phúc đến “đầu bạc răng long” vì ngày nào không gặp nhau thì cả hai trở nên ngây ngây dại dại.

 

Thế mà, chỉ sau 3 năm kết hôn, có với nhau một cô con gái đáng yêu, chị lại thổ lộ: “Mình thấy cuộc sống vợ chồng thật buồn tẻ, ngày nào cũng như ngày nào, vợ chồng gặp nhau chẳng biết nói gì. Mình chỉ thích nói chuyện với con gái, ôm con gái ngủ, nhiều lúc tự nhiên thấy... chán chồng, thậm chí ghét chồng. Nếu kéo dài tình trạng này, chắc mình ngoại tình mất”.

 

Không riêng gì chị Thanh, rất nhiều chị em tâm sự trên một diễn đàn rằng mình chán chồng và muốn đổi chồng. Chủ đề này được rất nhiều chị em tham gia và đồng ý... đổi. Tuy là tâm sự trong lúc chán chường, nhưng điều này cũng nói lên thực tế rằng hiện đang có rất nhiều chị vợ chán cuộc hôn nhân của mình, muốn tìm sự mới mẻ, đó là chưa kể, chưa có sự lên tiếng của các anh chồng.

 

Theo các chuyên gia tâm lý, khi vợ chồng sống với nhau khoảng 3-5 năm sẽ bước vào giai đoạn “thoái trào”, vì quá quen thuộc nhau, nhìn nhau hàng ngày nhưng không biết nói gì với nhau ngoài việc trao đổi công việc, con cái, nội ngoại hai bên, vấn đề thời sự...

 

Mâu thuẫn, bất hòa xảy ra khi có những phân công trong công việc. Chị em luôn thấy mình quá tải khi vừa làm việc vừa phải chăm sóc con, làm việc nhà, chuyện bếp núc; trong khi đó đàn ông cũng cảm thấy bất công khi bị vợ “ép” phải làm những việc mà anh ta cho là của... đàn bà.

 

Trong giai đoạn này, nếu không tìm cách cải thiện, làm mới thì sẽ phát triển lên giai đoạn tiếp theo, từ quen thuộc “tiến lên” nhàm chán, buồn tẻ. Từ đó hai người trong cuộc tách nhau ra đi tìm cho mình mảnh trời riêng, tự do. Tổ ấm trở thành tổ lạnh.

  

Mỗi ngày hãy chọn một niềm vui

 

Mái ấm gia đình cũng có “tuổi thọ” như cái nhà đang chứa tổ ấm đó, theo thời gian nó sẽ trở nên quen thuộc, tuy thân thương nhưng buồn tẻ và rồi sẽ xấu xí, xuống cấp nếu không được chủ nhân tân trang, dọn dẹp, nâng cấp. Do đó, trong hôn nhân, vợ và chồng thỉnh thoảng hãy làm mới, thay đổi một chút để tổ ấm rộn rã tiếng cười, tràn ngập hạnh phúc.

 

“Có khó chi đâu khi chỉ thay đổi một chút trong nếp sinh hoạt lại có thể làm thay đổi, biến chuyển cả một tình cảm gia đình đang nguội lạnh” - Đó là nhìn nhận của một người chồng.

 

“Hình ảnh thường nhật trong gia đình tôi diễn ra như thế này, sáng ngủ dậy, mạnh ai người nấy đi làm, vợ đưa con đi học phối hợp cả ăn sáng. Chiều tối về, thường thì vợ con ăn cơm trước vì tôi hay về muộn, tôi về ăn cơm một mình sau. Sau ăn cơm xong, vợ tôi hì hục dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, con thì xem hoạt hình chờ mẹ làm việc xong để hướng dẫn học bài. Xong việc, vợ cho con học bài đến 10 giờ đêm, sau đó lại giục giã đi ngủ để sáng mai còn đi học, đi làm cho kịp. Còn tôi ăn cơm xong, tự rửa bát và xem ti vi một mình, rồi đi ngủ. Có khi tôi về sớm ăn cơm cùng, sau đó thì cũng xem ti vi hoặc viết bài, tìm tư liệu. Thứ bảy, chủ nhật thì chở nhau về thăm nội, ngoại, có khi tôi phải đi làm thì mẹ con ở nhà chơi với nhau.

 

Rồi một ngày, tôi nhận ra cuộc sống của vợ chồng tôi thật buồn tẻ và chán ngán, lâu lắm rồi hai vợ chồng không có dịp cà phê cùng bạn bè và không có cả “khúc dạo đầu” khi “giao ban” vì mọi việc diễn ra giống như “trả nợ sinh lý”. Tôi cũng nhận ra vợ tôi cũng không quan tâm đến chồng nhiều như trước, không trao đổi trò chuyện râm rang như ngày nào, thay vào đó là những cằn nhằn trách móc. Và tôi nghĩ mình cần làm một cuộc ‘cải cách”.

 

Mỗi ngày hoặc hai ba ngày tôi tạo cho gia đình một niềm vui hoặc một không gian riêng cho hai vợ chồng. Chủ nhật, thay vì thăm ông bà, tôi thay kế hoạch chở vợ con ra ngoài ăn sáng, rồi đi uống cà phê. Bữa tối có khi tôi gọi điện bảo vợ không cần nấu nướng gì, mình ra hàng ăn rồi cùng vào siêu thị mua sắm.

 

Thỉnh thoảng mua tặng vợ cái áo và nói dối là “có cửa hàng giảm giá” (để cô ấy không tiếc tiền). Tôi cũng tranh thủ về nhà sớm hơn để giúp con học bài, vợ chồng có thời gian nghỉ ngơi, cùng nằm xem tivi…Chỉ một chút thay đổi ấy thôi, tôi thấy con vợ con vui vẻ, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc hơn.

 

Theo Hạnh Nhi

BSGĐ