Một giọt máu đào...

(Dân trí) - Nó tức tối bỏ vào giường: “Sao bác ấy lại nghe trộm điện thoại? Bác cho rằng cứ nuôi ai là có quyền xâm phạm riêng tư của người ấy ư?”, rồi nước mắt ngắn dài nghĩ đến hoàn cảnh nhà mình.

Một giọt máu đào... - 1


Khi ông ngoại mất, mình bà ngoại nó nuôi dưỡng bác Hường và mẹ nó nên người. Bác Hường từ bé đã nổi tiếng khắp làng vì học giỏi, chăm làm, lớn lên bác vừa học đại học vừa tự đi làm nuôi thân. Sau đó bác lấy bác Minh cũng rất thành đạt. Gia đình bác là đích hướng tới của nhiều người.

 

Mẹ nó thì ngược lại, trầy trật học hết cấp ba rồi về làm ruộng. Mười tám tuổi, như bao gái làng, mẹ nó lấy chồng, một anh tá điền chính cống cũng chẳng được học hành nhiều.

 

Chị em nó lớn lên, quen với cảnh bố mình dù say rượu hay không vẫn đánh mẹ thường xuyên, bất kể lý do, còn mẹ nó thì luôn cam chịu.

 

Năm nó học lớp tám, thằng em học lớp sáu thì gia cảnh nghèo khó, mẹ nó dấn thân đi Đài Loan làm người giúp việc. Vì bố nó uống rượu triền miên không chịu làm lụng gì, mẹ nó đành gửi con ở nhà chị gái là bác Hường nhờ nuôi hộ, để mình đi kiếm miếng cơm.

 

Nó lại bật khóc khi nghĩ đến cảnh “ăn nhờ ở đậu”. Nó và em trai được bác huấn luyện bắt làm tất cả các công việc nhà cùng với hai anh con nhà bác, cứ phân công, thay nhau mà làm. Bác cũng bắt sử dụng đồ dùng sao cho thật tiết kiệm và cẩn thận. Bên cạnh đó, nó bị quản lý chặt chẽ việc học hành, không được tự do đi chơi như trước. Ngay cả bạn bè cũng ít khi bác cho nó gặp, muốn đi đâu phải xin phép và được sự đồng ý. Nó rất khó chịu vì bị bác can thiệp quá sâu vào việc riêng nhưng biết thân biết phận không dám phản kháng.

 

Đi được hai năm thì mẹ nó hay tin bố nó bị say rượu trượt chân ngã xuống giếng mà chết. Quá đau lòng, mẹ nó định về Việt Nam luôn nhưng bác Hường lại động viên: Gắng tiết kiệm, đi mà kiếm lưng vốn, chứ ở đây mình mẹ nó với đồng lương bèo bọt nuôi con sao được, hai đứa đã có bác lo.

 

Mẹ nó gạt nước mắt và buồn đau, cố trụ lại hai năm nữa, kiếm được một khoản kha khá và tính về nước tìm công việc gì đó làm để được gần con. Nó cũng đã cuối cấp, thằng em lớp mười. Nó chờ từng ngày một mẹ về, giờ bị bác mắng nó càng cầu mong điều đó.

 

Đang khóc rấm rứt thì bác Hường vào lay vai, nó gạt đi. Bác chỉ nhẹ nhàng: “Vì bác quan tâm nên muốn biết cháu đang chơi với người thế nào và có ảnh hưởng đến việc học của cháu hay không thôi”. Nó vặc lại: “Cháu không cần”.

 

Bác sững sờ, thở dài bỏ đi. Tuần sau thì mẹ nó về, ba mẹ con ôm nhau, nó khóc thút thít. Tối mẹ bảo nó đi học, để mẹ ra gặp bác.

 

... Nó tung tẩy xuống phòng khách uống nước, vô tình đi ngang qua nghe tiếng nói chuyện mà giật mình. Tiếng bác đang vang lên nghe rợn người. “Nuôi giúp dì hai đứa tổng là tám năm, chị đã ghi chép cẩn thận các khoản chi gồm học phí, ăn ở, quần áo, sách, bút… dì xem này. Cả thảy là hai trăm triệu đồng. Dì chuẩn bị đi!”.

 

Nó suýt hét lên: “Ở cái thị xã nhỏ này mà đắt đỏ cỡ đó à? Bác ấy tính giá “cắt cổ” vậy? Nó làm phép tính nhẩm và cho rằng không thể đến thế, nó càng thêm tức giận với bà bác giàu có mà keo kiệt chỉ biết đến tiền.

 

Lên giường rồi mà mẹ nó cứ trằn trọc. Nó thương mẹ cũng không ngủ được. Đêm thật dài.

 

Hai tháng sau mẹ nó mua một miếng đất ngoài mặt đường, gần trường nên cũng khá đông người qua lại. Nó tự nhủ chắc ở nước ngoài mẹ làm ăn được, nó an tâm phần nào, tập trung vào ôn thi tốt nghiệp.

 

Có hôm nó lo lắng hỏi mẹ, nếu con đỗ đại học mẹ có đủ tiền nuôi không? Mẹ nó cười: “Không đủ thì nhờ bác Hường, sau con đi làm sẽ trả nợ bác, lo gì?”. Nó cắn cảu: “Con thèm vào!”. Mẹ nó ngạc nhiên. Nó vùng vằng thuật lại, mẹ nó hiểu ra liền giúi trán nó: “Nghe trộm mẹ và bác nói chuyện hả?”. Nó phô hết những khắc nghiệt mà bác từng dành cho nó, từ làm việc nhà cho đến tiết kiệm và cả chuyện học hành, bè bạn…

 

Mẹ nó cười xòa nhìn nó âu yếm: “Bác đã thay mẹ dạy con những điều hay lẽ phải, con phải biết ơn bác ấy. Còn việc bác lấy tiền nuôi các con ngần ấy năm là đúng, bác đâu nhặt được tiền. Con tưởng nuôi dạy các con đơn giản lắm hay sao? Vậy mà thật ra bác cũng đâu có lấy. Chẳng qua vì bác khuyên mẹ mua mảnh đất hiện tại mà mẹ không dám, muốn để dành nuôi các con ăn học, bác ấy tiếc quá nên mới bày ra việc thu tiền nuôi các con như thế. Coi như mua cho mẹ mảnh đất, vì chỗ này rất đắc địa. Mẹ có thể kinh doanh và sẽ đủ khả năng nuôi các con học lên cao. Bác rất tốt đó con!”.

 

Nó bối rối hiểu ra vấn đề. “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Thế mà bao lâu nay chưa một lần nó nói lời cảm ơn bác, toàn hiểu nhầm và trách sai bác thôi.

 

TSL

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm