Một cái Tết nhà rất vắng người
(Dân trí) - Nghe xong cuộc điện thoại buổi sáng, ông quay ra thở dài bảo bà: "Thằng cả bảo Tết này nhà nó không về được rồi, năm nay thế là không có Tết"...
Dịch covid tự nhiên "bùng" trở lại vào đúng những ngày sát sạt cuối năm, khi kỳ nghỉ Tết truyền thống đã cận kề. Con ông bà thuộc diện F1 gián tiếp ngồi chung chuyến xe bus cùng một bệnh nhân F0, cả nhà đang phải chủ động cách ly để ngăn phòng dịch bệnh phát tán rộng.
Ông bà chỉ có một người con, nhưng vợ chồng nó lại ở nhà riêng, tuần mới đưa các cháu về chơi với ông bà một lần vào mỗi cuối tuần. Ngày trong năm các con đều bận rộn công việc, chỉ có Tết chúng mới rồng rắn kéo vali, dọn về ăn Tết với ông bà vài ngày. Không khí gia đình khi ấy đầm ấm, rộn ràng vui hơn hẳn. Năm nào ông bà cũng trông chờ ngày Tết, nay nghe con báo tin, ông bà không nén nổi lo lắng, buồn phiền.
Nghe chuyện, tôi bảo ông bà: "Hai bác cứ xem như một kỳ nghỉ lễ được nằm nhà nghỉ dưỡng đi ạ, chỉ có ăn uống xem phim rồi lại nằm lười, làm những việc mình thích, không phải đi đâu, hạn chế gặp gỡ mọi người, không chè chén say sưa, hì hụi cỗ bàn, có khi ra Giêng lại thấy khỏe hơn ấy chứ".
Suy nghĩ lạc quan thì là thế, nhưng Tết nhà vắng người - rất vắng người, thật ra buồn lắm.
Những gia đình ở chung trong một thành phố, dù hoàn cảnh đặc biệt không thể sum họp ngày Tết, thì con cháu không dịp này vẫn còn nhiều dịp khác trong năm để về. Nhưng các cụ ở quê quanh năm con cháu xa nhà, chỉ có dịp Tết là nỗi mong ngóng trở nên lớn hơn khi nghĩ tới cảnh được đoàn viên, sum họp. Tết để nhìn xem mấy đứa cháu qua một năm đã lớn thế nào, học hành tấn tới ra sao, để nghe các con báo cáo xem một năm qua chúng đã làm được những gì, sống có hạnh phúc không, đã mua được nhà, được xe chưa hay vẫn đang ở trọ. Mong ngóng quanh năm vậy, mà ngay trước thềm năm mới con cháu lại không về. Buồn lắm.
Hay các cháu sinh viên, học sinh đi học xa nhà, những con người mưu sinh lên thành phố vất vả lao động làm thuê, cả năm ăn uống tạm bợ, giật gấu vá vai trong khoản tiền nhỏ nhoi cha mẹ ở nhà gửi cho hay tiền mình kiếm được nhưng không dám tiêu hết còn để gửi cho gia đình, nhiều lúc nhớ nhà, thèm hơi ấm của tình thân, chỉ mong ngày Tết được về ăn những món ngon mẹ nấu, được ngủ vùi trong chiếc chăn bông ấm bện mùi ẩm mốc thân thương, được thức dậy giữa không gian quen thuộc, được nói cười với những người ruột thịt... Tất cả mong ngong có thể cũng không thành hiện thực, vì "cô Vít".
Bà thiểu não bảo ông: "Năm ngoái cả gia đình vẫn được quây quần ăn Tết vui vẻ rồi mới có dịch nhỉ. Năm nay còn ít ngày nữa thôi là Tết, thế mà "cô Vít" lại về sớm thế".
Ông an ủi bà, "thôi mình vẫn may mắn hơn nhiều người ngoài kia, hơn các cụ ở quê, hơn những người tha hương, hơn cả các cầu thủ bóng đá ấy, năm nay nhiều người trong số họ không thể về nhà. Các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch cũng có Tết đâu. Mình còn có con cháu sống trong cùng thành phố, hết 21 ngày cách ly chúng nó lại sang. Năm mới sẽ là thắng lợi mới. Hy sinh hạnh phúc riêng để chung tay chống giặc "cô Vít" cùng cộng đồng, vì sức khỏe chung của tất cả mọi người bà ạ".
Tiếng hai cụ trò chuyện trong ngôi nhà rất vắng người cứ rì rầm to nhỏ giữa khói hương ban thờ tổ tiên của ngày đầu năm mới... Cầu một năm mới bình an.