Bạn đọc viết:

Món quà của Thượng đế

(Dân trí) - Mỗi năm cứ đến ngày 30 tháng 4, mẹ tôi lại nhớ đến ba tôi, một người lính Miền Nam tập kết ra Bắc. Mẹ tôi kể…

Ngày đó khắp trên mọi vùng quê Miền Bắc dấy lên một phong trào tự nguyện, đoàn viên thanh niên xung phong lấy chồng là thương binh nặng. Ngày ấy, thương binh về làng nhiều lắm. Họ toàn là những thanh niên trẻ, đẹp trai nhưng người thì bị cụt chân, người bị cụt tay, có người mù cả hai mắt… Nhiều lắm những tội ác của chiến tranh hằn in trên thân hình những người lính nhưng ở họ đều toát lên một niềm vui lạc quan, yêu đời. Họ tin vào chiến thắng và tin vào cuộc sống ngày mai.

 

Phong trào đó xuất phát từ cái tâm của mỗi con người chứ không ai bắt buộc. Đó cũng là thể hiện tấm lòng biết ơn đối với những người có công với dân với nước. Kể cho con nghe con thấy rất buồn cười phải không? Con sẽ nghĩ rằng tình yêu ai lại đi làm như vậy, thế thì còn gì là tình yêu nữa, nó giống như là vật hiến thân thì đúng hơn nhưng không phải đâu con à.

 

Hôm đó là ngày 2 tháng 9 mẹ và một số người bạn là đoàn viên thanh niên đến trạm thương binh nặng. Người đầu tiên mẹ gặp là ba con, một thanh niên cụt một chân, một tay, chỉ có khuôn mặt đẹp trai là nguyên vẹn, giọng nói Miền Nam rất khó nghe nhưng lại có giọng cười rất sảng khoái. Ấn tượng đầu tiên đó làm cho con tim mẹ rung lên, hai má ửng đỏ, mẹ hỏi thăm gia đình cuộc sống của ba con, ba con chỉ cười. Khi mẹ ngỏ lời yêu thì nước mắt ba con đã làm ướt khăn tay của mẹ rồi ba con từ chối thẳng thừng: “Em đừng thương hại anh mà lấy anh. Có em đến chăm sóc động viên anh thế này thì anh toại nguyện lắm rồi. Anh không thể nào hủy hoại cuộc sống hạnh phúc của em với một người thương binh tàn tật nặng như anh được. Em hãy tha cho anh đi, tình thương không thể là tình yêu được em ạ. Nếu lấy anh cuộc sống của em sau này sẽ gặp nhiều khó khăn”. Nói rồi ba đẩy mẹ ra không cho mẹ đến gần.

 

Nhưng mẹ vẫn cương quyết yêu ba con. Sau một thời gian kiên trì thuyết phục, mẹ đã có được ba con. Mẹ đưa ba con về nhà và tổ chức đám cưới. Một đám cưới chỉ có nước trà, thuốc lá, kẹo bánh, trầu cau nhưng thắm tình hai họ Bắc Nam.

 

Ngày con ra đời, với mẹ là một sự vượt cạn khó khăn nhưng với ba con thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Ba con đã thét lên thật to trước cửa trạm xá khi nghe tiếng khóc chào đời của con: “Tôi đã có con rồi đồng đội ơi!”. Nghe tiếng reo mừng của ba con ai cũng cảm động, nhiều người đã không cầm nỗi nước mắt.

 

Khi con tròn năm tuổi thì vết thương trong đầu của ba con tái phát, nhưng ba con không hề kêu ca một lời nào. Nhìn con nằm ngủ, ba lấy tay con xoa xoa lên cằm của ba, rồi nói với mẹ: “ Anh cảm ơn em! Cảm ơn thượng đế đã tặng cho anh một món quà là em, để anh có một đứa con hôm nay. Nếu anh có mệnh hệ gì thì anh cũng không hề hối tiếc nữa, anh chỉ mong em thay anh nuôi con ăn học thành người. Nước nhà thống nhất em nên đưa con về quê nội thay anh”. Ba con đưa cho mẹ tất cả giấy tờ mà ba con còn giữ. Cơn đau lại tiếp tục hành hạ ba con, hai ngày sau thì ba con ra đi, nhưng trên khuôn mặt vẫn rạng ngời một nụ cười mãn nguyện.

 

Chiến tranh không còn nữa, mẹ tôi đã già, ước nguyện mà ba tôi dặn lại mẹ tôi đã làm tròn. Tôi lại được về dạy học trên quê hương ba tôi, chính là quê nội của tôi. Đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt. Cuộc sống đã được nâng cao nhưng đến ngày 30 tháng 4, mẹ tôi lại gọi các cháu đến kể về tình yêu của mẹ tôi thời chiến tranh. Các con tôi cười lớn và khen: “ Bà ngoại dũng cảm thật”.

 

Hoàng Bích Hà

Giáo viên trường TH Ninh Sơn