Moi về
(Dân trí) - “ Moi về, moi về ... bà con ơi!”. Già trẻ, gái trai liền vác các thứ đồ nghề lỉnh kỉnh, lục tục kéo ra biển, dầm mình vào dòng nước đặc sánh moi (có nơi gọi là con ruốc, có nơi gọi là con khuyết).
Thường là lúc giữa trưa, những luồng moi di chuyển từng lúc áp vào bờ. Biển đang trong xanh bỗng thấy một vùng nước lớn sủi bọt, moi lâm râm, tanh tách như cơm sôi. Nhiều người đang tay không cũng rối rít hốt moi và cho vào bất cứ cái gì có thể đựng được như túi ni lông nhặt được trên bãi cát, thậm chí là cởi cả áo ra để đựng. Người thì nhanh chân chạy ngược lên phía làng vừa gọi to: “ Moi về, moi về ... bà con ơi!”. Già trẻ, gái trai liền vác các thứ đồ nghề lỉnh kỉnh, lục tục kéo ra biển, dầm mình vào dòng nước đặc sánh moi.
Đàn moi đông quá! Có khi chỉ cần chao mấy vợt đã được một mẻ đầy. Việc vớt moi phải thật nhanh và khẩn trương bởi vì moi không ở lâu bên bờ mà chợt đến rồi chợt đi. Moi có vẻ mềm yếu và èo uột hơn con tép riu cất được từ ngoài đồng nhưng con moi vừa vớt lên khỏi biển vẫn roi rói, bàng bạc, lấp lánh một màu hồng tươi như ngói, lao xao một lát đã nằm yên trong rổ.
Ngụp lặn trong dòng đặc ngầu con moi ấy, có cảm giác như hàng ngàn mũi kim châm cắn nheo nhéo vào thịt da rất thú. Khuấy động chừng nửa tiếng rồi moi đi, biển khơi lại trở về vẻ yên tĩnh và trong xanh vốn có. Những ghánh moi nặng kẽo kẹt, oằn xuống hai đầu thúng bắt đầu rảo về các chợ...
Moi về thường không theo một lịch trình nào cả. Bởi vì ngay ngày sau người ta lại chuẩn bị những rổ, vợt, lưới kéo... túc trực bên bờ cát “đón moi” nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy bóng dáng con moi nào lai vãng.
Moi, mắm muối và các thứ rau rợ như sả, gừng, tỏi, ớt, chanh, khế, rồi rau mùi, rau thơm ... người miền biển khéo làm nên những món ăn dân dã, độc đáo với đủ các biến tấu nào là gỏi, hấp, luộc. Moi tươi không ăn hết thì đem muối xổi, muối trường, chắt nước cốt làm mắm ...và phơi khô.
Về miền biển mùa này đi đâu cũng nghe ngàn ngạt mùi mắm và ruốc moi. Trong mỗi gian bếp nhà nào cũng có túi moi khô thật đầy và la liệt những hũ, vại, chum ruốc chín dậy mùi thơm, làm thức ăn dữ trữ phòng khi mưa gió, đói kém. Người dân biển đi xa thể nào cũng gói ghém cẩn thận những thứ ấy cho vào bọc để làm quà, hào phóng như lòng biển cả vậy!
Xuyến Chi - Khánh Hồng