Mới “nứt mắt” đã than... “ế”

Rất nhiều cô cậu học trò tuổi mới lớn đã lo lắng vì chưa có người yêu, sợ bị ế khi thấy bạn bè xung quanh có người để cặp kè. Nhiều teen đã lãng phí thời gian cho tâm trạng buồn phiền vì nghĩ rằng mình kém cỏi, cô đơn.


Hình minh họa: Tuổi Trẻ Thủ Đô

Hình minh họa: Tuổi Trẻ Thủ Đô


Mối tình đầu của Lê Hương Lan (sinh năm 1998) và cậu bạn cùng học cấp 2 kéo dài được một năm lớp 9 thì thôi khi mỗi bạn thi đỗ vào một trường trung học phổ thông. Ngay lớp 10, Lan đã lọt vào mắt xanh của một anh chàng khóa trên. Cô học trò nhanh chóng nhận lời yêu. Tuy nhiên, đến nay tình yêu với anh chàng khóa trên của Lan cũng đã chấm dứt. “Mình chia tay bạn trai được hơn 3 tháng, giờ vẫn chưa có bạn trai mới. Khi trước, ai cũng biết mình có người yêu rồi nên không biết có ai yêu mình hay không nữa”, Lan nói.

Lê Nguyễn Quỳnh Mai (trú tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) mới bước sang tuổi 17. Mai có gương mặt xinh xắn, chân dài, da trắng và khá điệu đà khiến nhiều cậu trai si mê. Sau khi biết con gái có những biểu hiện yêu đương ở tuổi học trò, bố mẹ của cô bạn đề ra nguyên tắc là “nghiêm cấm con gái yêu khi chưa tốt nghiệp cấp 3” và kèm theo một số “điều khoản” buộc Mai phải tuân thủ. Bởi vậy, dù khó chịu, ấm ức, cô gái cũng phải làm theo nguyên tắc ấy.

Quỳnh Mai vừa thi xong tốt nghiệp phổ thông trung học cũng đã đến lúc “thanh lí” nguyên tắc của bố mẹ, cô bạn “tá hỏa” vì đám bạn bè xung quanh đã có người yêu còn cô mới được đi tìm “một nửa”. Trong khi chẳng thấy anh chàng nào “thương thầm nhớ trộm”, còn cậu lớp trưởng mà Mai có tình cảm từ khi mới vào lớp 10 đã có người yêu. Lê Nguyễn Quỳnh Mai phân trần: “Mình có đến nỗi nào đâu mà lại trở thành “kẻ cô đơn”. Giá như bố mẹ không nghiêm cấm thì bây giờ mình đã có người yêu”.

Trên mạng internet, các mạng xã hội như Facebook các bạn trẻ lập ra những hội mang tên FA (nghĩa là cô đơn) như: Hội FA xuyên quốc gia, hội những người FA nhưng sốt ruột, hội FA đi tìm nửa còn lại của mình, hội những người cô đơn, hội ế dài dài…Mỗi hội hàng chục nghìn thành viên và số đông thành viên trong độ tuổi teen.

Dạo quanh một số trang cá nhân của các teen, nhiều vô kể những chia sẻ, bình luận xoay quanh việc khó có người yêu, chưa được yêu, thất tình... Nick name “Bong bóng mong manh” chia sẻ: “Cứ mỗi cuối tuần bệnh “tự kỉ” lại trầm trọng hơn. Ước gì có người yêu để có nhắn tin, quan tâm, để đi chơi cùng nhau cho vơi bớt nỗi sầu. Còn ế đến bao giờ nữa”

Mấy cô bạn “ruột” của Nguyễn Thanh Thế (sinh năm 1997) hễ gặp Thế lúc nào là nhờ cậu làm mối. Còn chính bản thân Thế cũng đang tìm cách “cưa cẩm” bạn gái nhưng không biết phải làm sao. Chàng trai chia sẻ: “Mình chỉ mạnh miệng đưa ra lời khuyên, làm “quân sư quạt mo” cho đám bạn chứ mỗi khi đứng trước cô gái mình thích thì chẳng dám nói gì. Đành ngậm ngùi với phận FA và nhìn nàng đi với người khác”.

Rời quê lên thành phố Hà Nội học trường chuyên, Thế sống xa bố mẹ nên cậu càng mong có một ai đấy để chia sẻ tâm sự, 17 tuổi rồi nhưng chưa có bạn gái. Trong khi cậu bạn cùng phòng đêm đêm gọi điện buôn chuyện, nhắn tin với người yêu còn Thế khi nào chán học chỉ biết chơi game giải trí. Điều đó khiến chàng trai lấy làm buồn.

Bạn nam có nick mane “Tình buồn” trên Facebook chia sẻ: Nhiều người thì thay người yêu như thay áo còn mình thì chả có ai quan tâm, để ý. Ngày cuối tuần các bạn có đôi có cặp đi chơi còn mình nằm ở nhà. Họ “đính hôn”, “hẹn hò” công khai trên facebook rồi đưa những hình ảnh, status (trạng thái) lên tường được cả cộng đồng biết, bao nhiêu người vào like (thích), comment (bình luận). Mình thì “F.A dài tập thật buồn”

Theo Lê Dung
Tuổi Trẻ Thủ Đô