Mối nguy từ thiếu giao tiếp tích cực trong gia đình

Nhiều gia đình trong cuộc sống hiện đại đang thiếu hụt giao tiếp, nguy hiểm hơn là thiếu trầm trọng giao tiếp tích cực.

Mối nguy từ thiếu giao tiếp tích cực trong gia đình - 1

Ảnh minh họa: Phụ Nữ Việt Nam.

Thông thường, ai cũng yêu cái Tôi của mình. Vì vậy, nhiều khi cái Tôi cá nhân không chịu gặp cái Ta trong mối quan hệ gia đình. Hiện nhiều người chăm chăm làm giàu, kiếm tiền mà quên đi sự kết nối với chính bản thể của mình. Dần dần, ta không còn thấu hiểu chính mình, không còn đủ yêu và trân trọng chính mình.

Khi không yêu và trân trọng chính mình, ta mang trên mình đủ thứ mặt nạ và những bộ áo giáp cồng kềnh. Nó làm cản trở sự thấu hiểu giữa các bên, cản trở sự giao tiếp giữa mọi người. Ta không dám chân thật với chính mình. Ta lại càng không dám chân thật với người bạn đời.

Ta không hiểu tại sao anh ấy, cô ấy lại làm thế này thế kia, nhưng ta ngại hỏi, vì sợ người ta bảo mình là ngu. Rồi ta tự hiểu. Nhưng đó là hiểu theo cách của ta, dưới hệ quy chiếu và nền tảng của ta, không phải của họ. Cái tự hiểu như vậy làm ta hiểu lầm nhau thường xuyên trong giao tiếp và cuộc sống. Rồi vỡ ra chuyện không như ta hiểu, thì ta cho rằng họ lừa ta. Ta thất vọng, ta oán trách. Thảm biết bao!

 Ta tạo dựng chung một cuộc sống, một dòng tộc cùng người bạn đời. Thế mà ta cứ tự quyết định hết rồi vờ như là quyết định chung của cả gia đình vậy. Nếu buộc phải nói ra, phải hỏi thì thực ra lại nói, lại hỏi theo kỹ xảo giao tiếp để thuyết phục người bạn đời nghe theo ý mình hơn là hai người cùng nhau thảo luận, phân tích và cùng nhau ra quyết định.

Cái Tôi của ta cũng ngăn cản ta chấp nhận cái Tôi của người khác, cho dù người đó là người thân thiết, quan trọng nhất cuộc đời ta. Khi họ có lời nói, lối cư xử khác với những gì ta đã quen, ta đã được "lập trình" trước đó, thay vì lắng nghe họ, đặt mình vào vị trí của họ, lịch sử của họ, để hiểu những gì họ nói, thì việc đầu tiên là ta phản ứng. Ta nói, ta cố gắng thuyết phục họ sai rồi, thay đổi suy nghĩ, hành vi đi. Không được ta làm lớn chuyện. Không được nữa ta im lặng, chịu đựng cho qua chuyện để tránh xung đột. Mà ta quên đi mất khi hai bên im lặng chịu đựng, đó không phải là cách tránh xung đột gay gắt. Đó là chuyển từ chiến tranh nóng sang chiến tranh lạnh. Nó như những quả mìn ta cứ tự nhét vào bụng mình mỗi ngày. Cho đến khi nhiều không chứa nổi nữa, nó nổ bum cả nhà, và cả ta luôn.

Đó là con đường dẫn tới sự phẫn uất. Phẫn uất rồi mà đối phương không chịu thay đổi theo ý ta thì ta cự tuyệt và kìm nén nỗi đau khổ trong sự bất lực, bế tắc mối quan hệ quan trọng nhất cuộc đời mình.

Phải dần tiến tới kiểm soát cái Tôi, ta mới tự nhiên mà giao tiếp tích cực được. Ta cho phép mình được là chính mình. Ta cho phép bạn đời được là chính họ. Ta lắng nghe, tôn trọng họ bất kể sự khác biệt, mâu thuẫn về quan điểm, lối sống. Để hiểu tại sao họ lại có suy nghĩ như thế. Để hiểu tại sao họ lại khác bạn như thế. Để cảm thông và yêu họ hơn. Nhờ đó, ta không tự quyết định rồi cố gắng thuyết phục họ nữa. Ta cũng không tranh giành đúng sai với họ nữa. Ta sẽ cùng họ thảo luận, phân tích và cùng nhau ra quyết định cho phù hợp, cho tốt nhất với cả hai người.

Khi một người được tôn trọng và lắng nghe, họ sẽ không sửng cồ lên cố để người kia phải nghe họ. Khi một người được thấu hiểu, họ không cần phải gào to lên để người kia hiểu họ muốn nói gì.

Hãy cho phép bản thân bạn và người bạn đời được tự nhiên thể hiện quan điểm riêng của mình, dẫu có sự khác biệt, mà không một lời phàn nàn, chỉ trích hay thuyết phục đúng sai nào. Sau khi lắng nghe xong, hãy cùng nhau trao đổi về sự khác biệt đó, để hiểu hơn, để ghi nhận và trân trọng người bạn đời hơn. Bạn làm được như vậy, nhà bạn sẽ dần trở thành thiên đường, nơi mọi người đều muốn trở về để được là chính mình.

Theo phunuvietnam.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm