Mẹ - niềm vui dự trữ của đời con?

L. G

(Dân trí) - Hôm qua, chị ngồi bên tôi mà khóc. Mùa đông đang lạnh quá, nhưng không tái tê bằng nỗi lòng của chị. Chồng chị ngoại tình, nỗi đau dù có thấu hiểu thế nào cũng thật để khó nói lời động viên chia sẻ.

- Những lúc buồn thế này chị lại hay nhớ về mẹ thế em ạ. Chị chỉ muốn chạy về quê, sà vào lòng mẹ mà khóc như một đứa nhỏ.

Tôi ôm bờ vai chị, bờ vai gầy rung rung lên sau từng tiếng nấc. "Em cũng thế, bình thường thì không sao, nhưng mỗi khi buồn vẫn thường hay nhớ mẹ".

Mẹ - niềm vui dự trữ của đời con? - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

Ngày ta còn nhỏ, ta vẫn hay làm nũng mẹ với những lần mè nheo, những lần ăn vạ, những thói hờn dỗi trẻ con. Mẹ lúc đó là nàng tiên, là thiên thần. Việc gì mẹ cũng làm được, điều gì mẹ cũng hay biết. Cái gì không biết, cái gì không làm được, chỉ cần mẹ ra tay là mọi thứ đều trở nên tốt hết.

Rồi ta dần lớn, cái tôi cũng lớn dần lên, cá tính hình thành, tự coi mình là một mặt trời riêng biệt. Mẹ không còn nói gì cũng đúng, không còn làm gì cũng hay. Ta dễ gắt gỏng với mẹ hơn, khó chịu với những quan tâm mà ta cho rằng đó là sự kiểm soát. Đôi lần ta còn cãi lời mẹ, cho rằng mẹ không hiểu ta.

Rồi ta lớn khôn, ra đời, tự cho mình đã đủ lông đủ cánh để sải bay giữa trời. Đôi lần vấp ngã, đôi lần thất vọng về đời, về người. Nhận từ mẹ những lời khuyên cũng đều không thấy thỏa mãn.

Rồi ta lấy chồng, lấy vợ, học cách tự làm chủ, tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Mẹ chỉ bày cách chăm con nhỏ cũng dễ gắt lên: "Thời này không còn nuôi con giống thời của mẹ đâu". Những kinh nghiệm mẹ chăm bẵm mình ngày xưa trong con mắt mình bỗng trở nên lỗi thời, cổ hủ.

Chúng ta có cuộc sống riêng, mải mê với những hoạch định của đời mình. Những cuộc thăm hỏi thưa vắng, những lần gặp gỡ cha mẹ ít dần đi. Ta bận lo cho sự nghiệp, cho gia đình riêng, lo tận hưởng những ngày nghỉ bằng những chuyến du lịch xa gần. Những khi đủ đầy, những khi hạnh phúc vui tươi, rất ít khi lòng thấy nhớ mẹ.

Nhưng nếu có một ngày, chẳng may có chuyện gì đau buồn ập đến: Mệt mỏi, áp lực, khổ sở, tổn thương… Khi trong lòng chứa đựng đầy nỗi sợ hãi, mất mát, cô đơn, người ta nghĩ nhiều nhất lúc ấy lại là người mỗi khi vui ta ít khi nghĩ đến.

Lại nhớ ngày nhỏ, mỗi lần bị ai đó bắt nạt đều chạy về mách mẹ. Mẹ sẽ làm gì đó cho ta quên đi nỗi ấm ức tủi hờn.

Lại nhớ thời thiếu nữ mới lớn lên, biết yêu lần đầu, biết thất vọng lần đầu. Vẫn là mẹ ngồi bên nói về những rung động thơ ngây con trẻ.

Lại nhớ những khi phân vân lựa chọn trong tình yêu. Mẹ thủ thỉ thật nhẹ nhàng: "Hãy chọn người đàn ông mà khi ở bên con cảm thấy tin cậy và bình yên nhất".

Là ngày đớn đau chuyển dạ cho lần đầu tiên sinh nở, trong lúc đau xé ruột xé gan, vẫn là mẹ thập thò ngoài cửa phòng sinh, giơ cánh tay lên: "Cố lên con gái".

Là những khi buồn chuyện gia đình, chồng con chẳng biết tâm sự cũng ai, chỉ biết gọi về nhà, mẹ bắt máy, giọng đầy lo lắng thương yêu: "Cuộc sống lúc thăng lúc trầm, hãy bình tĩnh, mọi chuyện rồi sẽ ổn cả".

Và khi ta đau khổ nhất, mệt mỏi nhất, tuyệt vọng nhất, người ta nhớ về chỉ có mẹ mà thôi. Vì chẳng ai có đủ thời gian, đủ yêu thương, đủ bao dung và chia sẻ để lắng nghe, thấu hiểu mình như mẹ. Mẹ như một niềm vui dự trữ, để những khi ta buồn quá, khổ đau quá thì tìm về để khỏa lấp, để nương náu cho qua cơn đau, để tâm hồn bớt sóng gió mà bình yên trở lại.

Càng nghĩ, càng thêm thương mẹ quá. Tại sao mình lại xem mẹ mình chỉ như một niềm vui dự trữ, chỉ khi thật sự khổ đau bế tắc mới tìm về?