Mẹ kế

(Dân trí) - Bảy tuổi con mồ côi mẹ. Mười tuổi con có thêm người mẹ thứ hai. Chỉ có điều suốt những năm tuổi thơ, đó luôn là điều con muốn chối bỏ, bởi “mấy đời bánh đúc có xương...”

Mẹ kế - 1

Con đã chẳng thèm bận tâm ánh mắt buồn của bố, chẳng thèm để ý nỗi buồn của mẹ. Con đã chênh vênh đi qua tuổi thơ mình với nỗi tủi hờn khi bố có vợ mới, khi những đứa em lần lượt ra đời. Và con tự cô lập chính mình, tự tạo cho mình một vỏ bọc khó gần, khó chịu.

Bố có lẽ vì thương mẹ kế nên đã đôi lần cáu gắt với con. Nhưng mẹ vẫn luôn dịu dàng nhẫn nại. Mẹ có em bé, ai cũng nói với con rằng “mẹ sẽ chỉ thương con mẹ đẻ ra thôi”. Nhưng mẹ với con mình và con chồng chưa hề một lần tỏ ra phân biệt hắt hủi. Có quà bánh mẹ luôn chia cho con phần hơn. Mọi mong muốn của các em mẹ luôn chần chừ, nhưng chỉ cần biết con thích gì là mẹ sẵn sàng tìm mua cho bằng được.

Con ra đường, con đến trường, mọi người đều tò mò hỏi con: “Mẹ kế đối xử với mày thế nào? Mẹ kế có thương mày không?”. Mẹ có thương con hay không, con thực sự không biết chắc được điều đó. Con nói mẹ chẳng bao giờ đánh hay mắng con, người ta bảo “Thế là bà ấy không thương mày rồi, mày có nghe người ta nói “thương cho roi cho vọt không?”. Và con đã lớn lên trong nỗi hoang mang như thế.

Con đối với mẹ chưa từng có một lời ngọt ngào, thay vào đó chỉ là những câu thưa gửi trống không, những câu chào hỏi hững hờ. Mẹ xưng “mẹ” với con, con luôn cố chấp gọi mẹ là “dì”, nhưng mẹ hình như cũng chẳng quá bận tâm vì những điều như thế.

Có một lần, rất lâu rồi, trong giấc ngủ chập chờn con nghe thấy bố trách mẹ “Em đừng chiều con bé quá nó đâm hư. Nó ương bướng hay sai trái chỗ nào, em không dám đánh thì nói anh để anh dạy. Trẻ con là cứ phải đòn roi mới nên người được”. Tiếng mẹ lúc đó thì thầm: “Nó mất mẹ sớm cũng là nỗi thiệt thòi, em dù yêu thương nó bao nhiêu cũng không bù đắp hết được, huống chi trái tim trẻ con rất nhạy cảm, dễ tổn thương. Đừng có tưởng nó bé không biết gì, em thương nó ra làm sao nó biết cả đấy, chỉ là trẻ nhỏ cũng có cái tôi của trẻ nhỏ. Nhưng em tin rằng, cái gì xuất phát từ trái tim chắc chắn sẽ đến với trái tim”.

Con lớn lên, đi học xa nhà. Mỗi lần về rồi đi, luôn là mẹ gói ghém chuẩn bị hành trang, còn chu đáo mua thêm quà cáp để con mang cho bè bạn. Có đợt con ốm, cha vì nhiều việc gánh vác khó rời quê, là mẹ lặn lội từ miền Trung vào tận Sài gòn xa xôi chăm con. Mẹ chu đáo tận tâm đến nỗi các bạn con phải ghen tỵ.

Rồi con ra trường, lấy chồng rồi sinh con. Vẫn là mẹ chăm nom những khi cần, nhẫn nại ngay cả khi con vô cớ bực mình cáu gắt. Con chẳng hiểu vì sao con lại như thế, không ghét mẹ nhưng lại chẳng thể nào nói nổi những lời nhẹ nhàng yêu thương.

Con lấy chồng xa, vừa nuôi con nhỏ vừa đi học, vừa đi làm. Mẹ thương cháu còn nhỏ không muốn cho đi trẻ liền bàn bạc với con cho cháu về ở với ông bà. Năm tháng sau con học xong về quê đón con, con trai nhìn mẹ nó rồi trốn vào góc nhà, bởi với con trai con lúc ấy, bà chính là “mẹ”.

Làm mẹ, con thấm thía bao nỗi gian lao, đôi khi bực mình đánh con xong rồi lại ôm con khóc. Con chợt nhận ra, đứa con mình dứt ruột đẻ ra mà mình còn đánh đau như thế. Vậy mà mẹ chưa một lần dùng đòn roi với con, cũng chưa một lần nặng lời mắng nhiếc khi con hỗn hào chống đối. Phải yêu thương nhiều lắm, phải yêu thương thật lòng mới làm được như thế, phải không mẹ?

Ngày của mẹ - ai cũng gửi những lời cám ơn lẫn yêu thương tới mẹ của mình. Con chưa từng dành cho mẹ bất cứ lời chúc nào vào bất kì ngày lễ nào cả. Có lẽ mẹ cũng biết con gái mẹ vụng về không khéo nói năng nên không để lòng phiền muộn.

Những ân tình mẹ dành cho con, không chỉ bằng một vài dòng mà kể hết. Nhưng con cũng không muốn nói nhiều, chỉ muốn nói một câu ngắn gọn thôi: Mẹ ơi, con yêu mẹ!

Mi Mi

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm