Mẹ chồng Ta, mẹ chồng Tây

“Thật thà cũng thể lái trâu, yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng” được coi là “đại diện” tiêu biểu cho mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu Việt. Trong khi đó, mối quan hệ giữa con dâu Việt và các bà mẹ chồng Tây lại hoàn toàn khác.

  

Mẹ chồng Ta, mẹ chồng Tây - 1


1.001 chuyện về mẹ chồng ta thời nay

 

“Ngay sau đám cưới, bà nội con dẫn mẹ vào nhà sau, chỉ vào một bộ đồ mặc nhà và bảo: “Đồ của chị bây đó, thay ra mau để còn dọn dẹp”. Mẹ, khi ấy vẫn đang mặc áo dài cưới và đội lúp. Mẹ ngỡ ngàng đến mức đứng im như phỗng.

 

Bà nội phải giục thêm lần nữa, mẹ mới luống cuống thay áo. Chẳng kịp rửa mặt, mẹ ngồi bệt xuống sàn nước, dọn rửa cả một thau bát, nồi... Mười đầu ngón tay vừa được cắt tỉa hôm trước giờ lem nhem, có ngón bật cả máu. Mẹ vừa làm vừa ấm ức đến phát khóc. Ngày vui của mình...”. Đó là những lời kể tóm tắt của mẹ tôi về ngày đầu tiên làm dâu cách đây gần hai mươi năm.

 

Không hẹn mà gặp, cô em họ tôi vừa cưới cách đây hai tháng cũng than thở về mẹ chồng: “Mỗi ngày, em phải dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, nấu luôn bữa trưa rồi mới đi làm. Chiều tan sở, em lại tất tả chạy ra chợ mua thức ăn về lo bữa chiều. Nhiều hôm mệt bở hơi tai, làm chậm tay một tí, mẹ chồng chẳng giúp mà còn càu nhàu. Làm dâu sao mà khổ quá”.

 

Trong khi đó, Như Hảo, cô bạn đã kết hôn bốn năm, lại thổ lộ: “Tôi làm gì cũng phải hỏi qua ý kiến mẹ chồng nên nhiều lúc vô cùng khó chịu, bởi mình đâu phải trẻ con, đâu cần người giám hộ. Trong cách nuôi dạy con trẻ cũng vậy. Chẳng hạn như khi háng em bé bị hăm, thay vì để khô ráo cho nhanh khỏi, bà lấy lá diếp cá giã nhỏ, đắp vào, khiến nó lở loét ra. Hoặc tôi muốn cho cháu bú sữa đến sáu tháng mới ăn dặm, bà lại bảo nên cho trẻ ăn lúc bốn tháng để cơ thể cứng cáp...”.

 

Ba câu chuyện trên của hai thế hệ tuy khác nhau nhưng đều xoay quanh mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu không mấy tốt đẹp. Điều này lý giải vì sao hầu hết những cô gái sắp lên xe hoa đều sợ mẹ chồng. Bên cạnh người bạn đời, mẹ là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất lên cuộc đời và những quyết định trọng đại của người đàn ông. Chuyện vợ chồng tan đàn xẻ nghé vì con dâu không vừa ý mẹ chồng chẳng phải cá biệt.

 

Bỏ qua những ganh tỵ tình cảm của các bà mẹ chồng cực đoan sợ mất con trai, chính khoảng cách thế hệ và sự khác biệt tư tưởng góp phần biến mẹ chồng thành “hung thần”. Ngoại trừ một số ít người có suy nghĩ phóng khoáng và hiện đại, hầu hết các bà mẹ chồng châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn quan niệm phận làm dâu đồng nghĩa với việc phục vụ cả nhà. Khi đã về nhà chồng cần hạn chế qua lại nhà mẹ ruột.

 

Nếu kinh tế khá giả, họ muốn con dâu nghỉ việc ở nhà chăm sóc con. Họ đòi hỏi con dâu phải chu toàn cả việc trong nhà lẫn ngoài ngõ, bất kể việc có thể cô là lao động chính và bận tối mắt tối mũi để bảo toàn nồi cơm cho gia đình.

 

Bên cạnh đó, với suy nghĩ “thân quá hóa lờn”, mẹ chồng Việt thường giữ khoảng cách với con dâu. Họ ít khi trò chuyện, tâm tình hay bày tỏ sự chăm sóc và tình cảm yêu thương. Những nghi lễ, phép tắc cổ xưa như làm dâu trưởng phải một tay lo việc giỗ quảy hơn chục lần trong năm, rót trà hầu bố mẹ chồng mỗi sáng... càng khiến mối quan hệ giữa mẹ chồng ta và các cô con dâu hiện đại thêm phần khó chịu.

 

Mẹ chồng Tây - một thái cực khác

 

Chuyện làm dâu bên kia bờ đại dương xem ra nhẹ nhàng hơn hẳn qua lời kể của Thúy Lan, 33 tuổi, nhà thiết kế thời trang: “Chồng tôi là người Pháp. Sau khi kết hôn, tôi theo anh sang Paris và sống chung nhà với mẹ chồng. Trước khi đi, tôi cũng hồi hộp nhưng sống chung rồi mới thấy mừng vì có thêm một... bà bạn già, lại là một “bà đầm” rất phóng khoáng”.

 

Theo lời kể của cô, vốn tiếng Anh của bà mẹ chồng Pháp cũng tạm ổn nên hai mẹ con trò chuyện khá thoải mái. Mẹ chồng Lan thích nấu ăn, chẳng bao giờ ép con dâu phải xuống bếp. Bà thường hay tự đi chợ, nấu nướng cho cả nhà mà chẳng mảy may lườm nguýt con dâu. Bà cũng không bắt cô phải cáng đáng hết việc nhà mà phân công rất rõ ràng. Nếu Lan rửa bát, chồng cô sẽ lau bàn ăn. Nếu Lan lau nhà, chồng cô sẽ quét sàn và tưới cây. Bà không hề khó chịu khi con trai phụ giúp, chiều chuộng, thậm chí ôm hôn vợ trước mặt mình.

 

Biết Lan thích mặc đẹp, vào mùa đông, bà đan những chiếc áo khoác, chiếc khăn rất mốt để tặng con dâu. Thỉnh thoảng đi shopping, bao giờ bà cũng có quà cho Lan, thường là những món rất hợp với vóc dáng và sở thích của cô.

 

“Hạnh phúc nhất là khi tôi sinh con, bà chăm sóc tôi chu đáo chẳng khác nào mẹ đẻ. Tất cả những gì tôi phải làm là ăn, ngủ và cho con bú. Bà lo mọi chuyện từ A đến Z. Khi rảnh, bà còn đọc sách cho tôi nghe vì sợ con dâu buồn. Trong suốt sáu tháng sau khi sinh, bà cấm chồng tôi không được to tiếng hay tỏ ra bực dọc vì sợ tôi giận chồng rồi chẳng may rơi vào hội chứng trầm cảm sau khi sinh. Thậm chí, bà còn bắt anh giữ con để đưa tôi đi shopping, làm móng... Tôi chưa từng nghĩ làm dâu mà sướng đến vậy”, Lan tâm sự với ánh mắt rạng ngời hạnh phúc.

 

Cũng có mẹ chồng Tây như Thúy Lan nhưng câu chuyện của Ngọc Mai, 28 tuổi, chuyên viên marketing lại có phần khác hơn. Mẹ chồng cô là người Đức, sống ở Berlin trong khi cô và chồng sống và làm việc tại Việt Nam. Một năm hai lần, cô cùng chồng bay sang Đức thăm mẹ.

 

Mẹ chồng tôi không giỏi tiếng Anh nên thời gian đầu, chúng tôi trò chuyện bằng cách... quơ là chính. Để mối quan hệ thân thiện hơn, tôi học tiếng Đức. Bà cũng bày tỏ thiện chí của mình bằng cách nhờ tôi dạy những từ Việt Nam thông dụng.

 

Mỗi lần tôi sang, bà lại rủ tôi đi bar uống rượu, bố chồng tôi ở nhà vì “chỉ tổ vướng chân”. Thấy tôi trung thành với loại quần jeans dài, bà mua về mấy chiếc quần shorts rất hầm hố cùng một lố áo hai dây và bảo: “Chân con đẹp, mặc quần dài phí quá. Mặc shorts với áo dây cho đẹp”. “Nhiều khi tôi thấy bà còn sành điệu và chịu chơi hơn cả mình”, Ngọc Mai cho biết.

 

Nghe chuyện của cô, nhiều cô bạn đang làm dâu Việt Nam không khỏi ganh tỵ vì chỉ mặc chiếc váy ngắn hơn gối là đã bị mẹ chồng “chiếu tướng”.

 

Làm sao để dung hòa?

 

Có thể thấy sự khác biệt giữa mẹ chồng ta và mẹ chồng Tây xuất phát từ sự khác biệt trong văn hóa và tư tưởng. Các bà mẹ phương Đông thường quan niệm con cái phải nghe lời cha mẹ tuyệt đối, nhưng các bà mẹ phương Tây lại xem con như một người bạn nhỏ, nghĩa là con sẽ tự chủ và có những quyết định riêng. Chính vì vậy, trong quan hệ với nàng dâu, nếu mẹ chồng ta thường áp đặt con bằng những quy tắc của riêng mình, mẹ chồng Tây lại khá phóng khoáng, tôn trọng tự do, sở thích và lối sống riêng của con dâu. Sự khác biệt này khiến không ít cô gái ao ước được một ngày... đổi mẹ chồng.

 

Tuy nhiên, dù thuộc nền văn hóa nào, các bà mẹ đều rất thương con. Với con dâu, tuy không có quan hệ huyết thống, nhưng họ xác định đó chính là người chia ngọt sẻ bùi với con trai mình và là mẹ của các cháu mình.

 

Sự khác biệt trong lối sống, tư tưởng có thể gây nên mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu. Nhưng trên hết, những ràng buộc trong mối quan hệ gia đình mới chính là chiếc cầu nối hữu hiệu để bạn xóa dần khoảng cách với mẹ chồng.

 

Có nhiều câu danh ngôn nói về tầm quan trọng của gia đình: “Dấu hiệu thứ nhất của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình” (F. Montlosier), “Nếu muốn tinh thần bổn phận đâm rễ trong cốt tủy và biến thành nguồn sống thì ta hãy nhờ gia đình” (J. Simon)... Mỗi gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình hòa hợp, hạnh phúc không chỉ giúp các thành viên dễ gặt hái thành công mà còn kéo dài tuổi thọ. Một nghiên cứu đã khẳng định sống vui vẻ, lạc quan làm tăng tác dụng và số lượng tế bào miễn nhiễm. Tuổi thọ của những người hạnh phúc cũng cao hơn 19% so với người sống bi quan, sầu não.

 

Khúc mắc với mẹ chồng rồi giữ trong lòng, sinh ra cáu gắt, bạn sẽ dần rơi vào trầm cảm, ngày càng xa cách gia đình chồng.

 

Vậy làm sao để khắc phục?

 

Theo các chuyên viên tâm lý, với mẹ chồng ta, bạn cần phải hiểu tâm lý của bà. Đó là bà sợ con trai không còn thương mình, sợ cô độc và văn hóa gia đình bị xáo trộn.

 

Phần lớn mâu thuẫn do khác biệt về nếp sống, cách nghĩ nên bạn phải “nhập gia tùy tục”, nhưng không chiều theo tất cả. Điều gì không đúng, bạn cần thuyết phục và nhờ chồng nói thêm vào. Khi bà tức giận, chửi mắng, bạn im lặng nhưng chớ giữ trong lòng. Hãy đợi đến khi bà bình tĩnh rồi phân tích đúng - sai. Đừng bao giờ ngừng quan tâm, chăm sóc và chia sẻ với mẹ chồng.

 

Với mẹ chồng Tây, dù phóng khoáng hơn, bạn vẫn cần tìm hiểu văn hóa gia đình và đất nước họ, như thế mới có thể sống hòa thuận.

 

Theo Cao Bảo Vy

Phong cách