Mẹ biết ai đó luôn cần một cái nắm tay...
(Dân trí) - Hôm ấy nhóc con ba tuổi hồn nhiên hỏi: “Giường bố có chật không ạ?”. Tinh thần bố dao động, không hiểu con hỏi có ý gì, muốn sang ngủ cùng bố mẹ chăng, nên bố đáp: “Giường bố mẹ chật lắm con ạ”.
Con túm luôn lấy tay bố bảo: “Bố sang với con, giường con không chật tí nào”. Làm bố ngớ người, khi kể lại cứ cười hinh hích mãi.
Bao phen con đổ cả hộp thức ăn vào bể cá, đã nhiều lần con mở tủ lạnh đứng cho mát và không ít phi vụ con vặt lá cây hoa mẹ trồng… Nếu cứ dùng roi thằng bé sẽ chai đòn mất, mẹ chỉ biết kêu trời. Thế rồi lâu mẹ không dám kêu nữa vì có lần cả nhà đang dạo bộ, con cũng than như một cụ ông kỹ tính: “Trời ơi là trời, sao bố mẹ dẫm vào cát, bẩn hết chân rồi”, khiến bố trố mắt.
Lần đèn ngủ bị rơi mất cái chụp, bị hở điện, chắc con thò tay vào định tắt, bị giật, vẻ mặt hoảng hốt của con khiến mẹ cũng sợ hãi theo, mẹ lay tay con: “Thấy chưa, mẹ dặn không được nghịch đồ điện cơ mà”. Nhưng có vẻ như con còn ngây thơ lắm, chẳng thể nhớ hết lời mẹ dặn và hoàn toàn chưa biết tự vệ. Nghe mẹ nhắc: “Con không được đi quá cái vạch đường này, xuống đó là bị ông ba bị bắt cóc đi đấy”. Con thản nhiên: “Nếu bị bắt con sẽ về xin phép mẹ, rồi gọi mẹ ơi, con bị bắt cóc”. Bố buồn cười quá liền đùa: “Con ông ba bị thì sợ gì”. Thế là có lần con chỉ lên ảnh cưới của bố mẹ chú thích: “Đây là ông ba bị này, đây là bà ba bị”. Ông nội thắc mắc, con nhoẻn cười giải thích: “Bố bảo, con là con ông ba bị”.
Có một hôm mẹ trêu thôi, mà cứ lần nào tắm xong, đang chuẩn bị mặc áo là con lại lấy tay gõ vào xương sườn: “Mẹ nhìn con đánh đàn sườn này”. Rồi lại líu lo hát bảy nốt nhạc “Đồ rê mi pha…”, làm ai nhìn cũng phải phì cười.
Rảnh rỗi thằng bé lại thích đi bán hàng, miệng cứ ráo hoảnh “Ai bán rau không?”. Mẹ chỉnh: “Phải rao là ai mua rau không chứ”. Con mặc kệ, cứ rao như cũ, rồi mới rao tiếp: “Ai mua bánh cuốn không?”. Mẹ chìa tay không, vờ đưa tiền cho con, con cũng làm bộ nhét vào túi như thật, rồi nhảy chân sáo sang “bán” cho bố.
Một hôm, đi làm về mẹ than thở: “Đau quá, con đấm lưng cho mẹ nhé”. Nhưng con mải chơi, mệt quá mẹ tính nằm ngả lưng tí cho giãn gân cốt, mãi con mới nhớ ra, nhìn sang thấy mẹ nằm bẹp vội cuống quýt chạy lại, lay đẩy mẹ: “Mẹ ơi mở mắt ra, mẹ ngồi dậy đi, mẹ hỏi chuyện con đi, mẹ nắm tay con với”. Mẹ cứ nằm im xem con làm gì, thì thấy thằng bé bắc ghế bật công tắc tất cả bóng điện trong nhà lên và vừa khóc vừa tiếp tục gọi: “Mẹ ơi trời sáng rồi, dậy thôi”. Mũi mẹ tự dưng cay cay, nhớ những khi bị ngã, bị đau hay vui cười thích chí… con luôn nhớ và gọi mẹ trước tiên. Mẹ nghĩ quẩn, nhỡ một ngày nào đó mẹ “nằm xuống” thật mà thương con vẫn còn bé bỏng.
Vậy là giờ mẹ đã biết lo toan hơn, không còn bốc đồng cạn nghĩ, làm gì mẹ cũng nhớ đến con, tai mẹ tinh hơn, mẹ tin mình có thể phân biệt được tiếng nói, tiếng cười, tiếng khóc của con, giữa hàng trăm đứa trẻ khác. Bởi mẹ biết mình đã trở thành chỗ dựa của ai đó, và mẹ biết có người luôn cần ở mẹ một cái nắm tay.
TSL