Ly hôn vì mẹ
Có những người, nhất là người trẻ, sẵn sàng chia tay bởi những nguyên nhân chẳng liên quan đến tình cảm hay xung đột vợ chồng, mà chỉ vì sự tác động của cha mẹ, người thân.
Chị An kể, sau hơn hai năm yêu nhau, chị và anh Toàn kết hôn năm 2008. Trước khi cưới, mẹ chồng có hứa sẽ cho vợ chồng chị một căn nhà riêng, nhưng sau đó, bà lờ đi. Mẹ chị cho là con gái mình bị lừa, còn con rể nhu nhược, chỉ biết vâng lời mẹ ruột mà không đấu tranh, bênh vực vợ nên khó có hạnh phúc và bắt chị ly hôn.
Anh Toàn giải thích: “Đúng là mẹ tôi có hứa sau này sẽ cho vợ chồng tôi căn nhà. Nhưng nhà tôi ít người, mẹ tôi muốn dâu - con sống chung một thời gian để thắt chặt tình cảm. Vậy mà, vợ tôi không hiểu, một mực đòi ra ở riêng và yêu sách bằng cách luôn tỏ ra khó chịu, cau có với người nhà tôi, không đụng tay vào việc nhà và thường xuyên bỏ về nhà mẹ ruột ở. Thái độ ấy khiến mẹ tôi không hài lòng nên vẫn chưa giao nhà như đã hứa. Vợ tôi lại càng làm mình mẩy, bắt tôi ra ngoài sống, nếu không thì ly hôn. Tôi chiều vợ, ra ngoài thuê nhà trọ. Lâu nay cô ấy quen được chiều chuộng, sống sung sướng, ở nhà trọ chật chội, phải tự lo cơm nước nên không chịu nổi vất vả, lại bỏ về nhà mẹ ruột. Tôi đã nhiều lần thuyết phục cô ấy về nhà, nhưng mẹ vợ tôi không cho. Từ lúc chúng tôi có con (6/2009), mẹ vợ tôi lại càng cản trở chúng tôi tái hợp. Bà còn lấy con tôi làm áp lực và ra điều kiện: Nếu mẹ tôi không sang tên nhà cho vợ chồng tôi thì chúng tôi phải ly hôn. Lâu nay, vợ chồng tôi chẳng có mâu thuẫn gì và tôi cũng không muốn ly hôn, nhưng tôi quá mệt mỏi với sự “nóng lạnh” thất thường của vợ và sự can thiệp quá sâu của mẹ vợ nên tôi đồng ý ly hôn”.
Quyết định chia tay nhanh chóng của chồng lại khiến chị An chùn bước. Thật ra, chị cũng không muốn đẩy vấn đề đi xa đến thế, chỉ định dọa chồng để gây áp lực. Nhưng vào phút 89, sợ “già néo đứt dây” chị quay ra năn nỉ chồng đừng ly hôn. Tòa hòa giải, thuyết phục, chị hứa sẽ trở về chung sống với chồng, cũng như không để mẹ ruột can thiệp sâu chuyện tình cảm. Cuối cùng, anh Toàn chấp nhận.
Tưởng sóng gió đã qua, nào ngờ chỉ bốn ngày sau, chị An lại lên tòa yêu cầu ly hôn. Lý do cũng như lúc đầu: “Mẹ em không cho quay lại, nên em phải ly hôn”. Thẩm phán giải thích, khuyên nhủ, chị vẫn kiên quyết: “Má em đã quyết rồi”. Chị còn yêu cầu được quyền nuôi con và không cần chồng cấp dưỡng. Anh Toàn cũng đồng tình với yêu cầu của vợ. Tòa hòa giải đoàn tụ không thành nên đã ra quyết định “công nhận sự thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự” vào đầu tháng 3/2010.
Vậy là cuộc hôn nhân của hai người “chết” chỉ sau ngày kết hôn một năm chín tháng. Điều mà mọi người tiếc nuối là chẳng phải anh chị ghét bỏ, hoặc cả hai có mâu thuẫn gì trầm trọng. Giá như người chồng đủ bản lĩnh, biết cách tạo lòng tin và làm chỗ dựa cho vợ thì có lẽ vợ anh đã không băn khoăn khi chọn mẹ hay chồng. Và giá như người vợ đừng quá lệ thuộc, dựa dẫm vào mẹ ruột... Cuộc đời và hạnh phúc là của riêng mỗi người, sao cả hai lại không biết tự gìn giữ?
Theo Giang Thùy
PNO