Lương osin của “đại gia” đủ xây nhà lầu

Nhiều osin cho các “đại gia” nhận mức lương, thưởng “khủng” đã gom đủ tiền về quê xây nhà lầu, tậu xe “xịn”.

 
Lương osin của “đại gia” đủ xây nhà lầu - 1


“Đại gia” ưng ý = nhận lương + thưởng “khủng”

 

Đối với những gia đình khá giả, việc thuê từ 2 - 5 người giúp việc (osin) là điều hết sức bình thường. Mỗi osin sẽ phụ trách những phần việc khác nhau trong gia đình họ. Chẳng hạn, người chăm trẻ - thường là các thiếu gia, tiểu thư của “đại gia” này, người dọn dẹp nhà cửa, người chuyên nấu ăn, người rửa xe và mở cổng đón khách, thậm chí còn có cả osin chuyên tắm, dắt chó đi dạo.

 

Đương nhiên, thu nhập của họ cũng có nhiều sự khác biệt. Bên cạnh khoản thu nhập cố định, họ còn được nhận thêm các khoản tiền thưởng “tùy vào tâm trạng” của chủ nhà.

Theo tìm hiểu của PV, mức lương “cứng” dành cho osin trong những gia đình như vậy thường dao động từ 2 - 5 triệu đồng/tháng, nuôi ăn ở, chưa kể thưởng. Có một số gia đình chỉ thuê osin theo giờ để họ làm những công việc lặt vặt với mức giá từ 100.000 - 150.000 đồng/giờ (chưa kể tiền thưởng).

 

Nga (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - Tiểu thư con Giám đốc một doanh nghiệp có tiếng - cho biết: “Với osin dọn dẹp nhà cửa, mẹ tôi trả cho họ 2,5 triệu đồng/tháng, với osin chuyên nấu ăn được trả 5 triệu đồng/tháng vì họ là người có bằng trung cấp nghề nấu ăn trong khi osin chuyên tắm và dắt cún đi dạo do làm ít giờ hơn nên chỉ được trả 2 triệu đồng/tháng mà thôi. Ngoài ra, nếu họ làm tốt công việc của mình, gia đình tôi còn thưởng thêm tiền và quà cho nữa”.

 

Chia sẻ về các món quà dành tặng cho osin, Nga nói: “Chủ yếu là tiền mặt, từ 200.000 - 500.000 đồng/lần và số lần thưởng không hạn chế, chỉ cần bố mẹ tôi cảm thấy hài lòng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tặng họ những bộ quần áo hoặc đồ trang sức hàng hiệu cũ, đã lỗi mốt nữa. Nếu để dùng, chúng vẫn còn dùng tạm được còn nếu đem thanh lý, họ sẽ kiếm được một khoản kha khá từ những món đồ chúng tôi bỏ đi đó”.

 

Còn theo tiết lộ của bà Thu (người Thái Bình) - osin đã gắn bó với gia đình của một đại gia bất động sản ở Mỹ Đình (Hà Nội) hàng chục năm nay thì với sự tận tuỵ, trung thành với chủ nhà của mình, qua nhiều năm tích luỹ tiền lương và tiền thưởng, bà đã kiếm được một khoản kha khá gửi về quê cho các cháu xây nhà cao tầng to đẹp nhất nhì xã để sau này bà có nơi tĩnh dưỡng lúc già.

 

Bà Thu kể: “Khi biết tôi đang xây nhà ở quê mà không có con cái phụ giúp, người ta (chủ nhà - PV) thậm chí còn cho thêm ít tiền để sắm đồ và cũng cho luôn cả một số đồ nội thất mà gia đình họ không dùng tới nữa về để trang trí nhà cửa ở quê. Một số bà bạn già của tôi, cũng cùng cảnh cô quả, đi làm osin còn may mắn hơn khi được chủ nhà xây tặng cho hẳn một căn hộ nhỏ ở quê rồi còn thường xuyên được đi du lịch cùng với gia đình chủ”.

 

Nước mắt osin

 

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn được “ăn sái” lại hàng hiệu của chủ nhà, được hưởng nhiều quyền lợi như những trường hợp nêu trên. Phần lớn osin bây giờ hưởng mức lương từ 1,5 triệu - 3 triệu đồng trong khi khối lượng công việc khá lớn và thời gian làm việc thường trên 8 tiếng một ngày, bất kể ngày đêm.

Thậm chí, để tránh tình trạng chồng “ăn chả”, nhiều bà nội trợ bây giờ chỉ thích thuê osin theo giờ với mức giá từ 40.000 - 100.000 đồng/giờ (tuỳ khối lượng công việc) khiến cho thu nhập của nhiều người lao động trở nên bấp bênh hơn.

 

Chị Dung, 27 tuổi, người Thái Nguyên làm giúp việc cho một cặp vợ chồng trẻ ở Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) tâm sự: “Gia đình chị chủ cũng có một đứa con 5 tuổi, trạc tuổi con trai tôi ở nhà. Kể từ khi nhận giúp việc ở đây, mỗi tháng tôi chỉ được về thăm con có 1 lần vào thứ 7 hoặc Chủ nhật mà thôi. Nhiều khi nhìn bọn trẻ trên này nô đùa với nhau, tôi nhớ thương con phát khóc, nhưng vì gia cảnh quá khó khăn nên tôi đành phải đi chăm sóc con người khác”.

 

Cùng cảnh ngộ với chị Dung, chị Liên, người giúp việc ở nhà bên cạnh cũng than thở: “Osin nhà khác mỗi lần về quê được chủ nhà cho tối thiểu 200.000 đồng gọi là tiền tàu xe cùng nhiều quà bánh, quần áo cho bọn trẻ ở quê, còn gia đình này tuyệt nhiên không chi thêm một đồng nào. Tôi toàn phải tự bỏ tiền túi ra mua quà cho các cháu, mua vé tàu mỗi lần về thăm nhà, tính ra cũng mất 1/4 tháng lương rồi nên dù nhớ nhà, tôi cũng hiếm khi về lắm”.

 

Trong khi đó, bà Hoàn (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, bà may mắn thuê được một osin khá chăm chỉ và thật thà. “Tuy nhiên, chị này đi làm osin là để kiếm tiền nuôi 2 con ăn học đại học nên thường xin tạm ứng trước vài tháng lương. Dù vậy, mẹ con họ cũng vẫn vất vả đủ đường, nhiều khi chúng tôi trông cũng chạnh lòng lắm mà không giúp đỡ gì hơn được do đồng lương hưu của tôi cũng chẳng là bao”, bà Hoàn nói thêm.

 

Bà Tâm (Nam Định), osin cho gia đình một doanh nhân thành đạt ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Nhà chỉ còn có 2 mẹ con. Từ hồi cháu lên Hà Nội học đại học, do muốn ở gần cháu nên tôi đã nhận giúp việc cho một gia đình ở gần đấy. Tôi già rồi, sức khoẻ có hạn nên chẳng thể làm được những việc nặng nhọc khác. Tuy nhiên, nhiều khi nghĩ bạn bè của con mình sẽ nghĩ gì nếu biết mẹ của cháu là osin tôi cũng thấy tủi thân, chạnh lòng”.

 

Không ít “đồng nghiệp” của bà Tâm cũng rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi nhận giúp việc tại các gia đình có trẻ nhỏ do họ không đủ sức để nô đùa cùng chúng.

 

“Tôi phải học cách dùm bỉm của thời hiện đại, học nấu bột, pha sữa kiểu mới và bắt buộc phải làm đúng từng công đoạn do chủ nhà rất khó tính. Rồi còn phải lo cho miếng ăn, giấc ngủ, đặc biệt là sức khoẻ của bé khi trở trời. Nhiều khi bà củ còn khó tính không cho tôi nô đùa cùng cháu do sợ cháu mất đi chất giọng Hà Nội, học theo giọng của người tỉnh lẻ, nhà quê như tôi” - Bà Thiên tâm sự.

 

Trong năm qua, công chúng đã chứng kiến không ít vụ bạo hành osin mà ở đó osin thường bị chủ nhà đánh đập, tra tấn một cách hết sức dã man chỉ vì những lí do “trên trời”. Dù vậy, số lượng osin hiện vẫn đang không ngừng tăng lên do nhu cầu ngày càng cao của người thành thị. Hơn lúc nào hết, hiện nay những người giúp việc vẫn đang mong mỏi cộng đồng công nhận osin là 1 nghề cho dù nghề này không được “sang trọng” như những nghề khác với cùng mức thu nhập trong xã hội.

 

Theo VTCnews