“Lộ” con riêng vì chồng “bỗng dưng keo kiệt”

4 năm chung sống, tôi là người chịu trách nhiệm giữ quỹ chi tiêu trong gia đình nhưng bỗng một ngày chồng đòi đổi vai. Nhờ anh keo kiệt mà tôi phát hiện một sự thật chấn động…

Một ngày cuối năm, chồng bảo tôi ngồi kiểm kê chi tiêu trong năm vừa qua. Sau khi xem xong những con số tôi liệt kê, tính toán, anh phán một câu xanh rờn: “Em không biết tiết kiệm chút nào, từ nay để anh giữ tiền của gia đình”.

“Lộ” con riêng vì chồng “bỗng dưng keo kiệt”


Mặc tôi mắt chữ O, miệng chữ A và có cảm giác bị xúc phạm, chồng vẫn thao thao bất tuyệt về việc sẽ đưa cho tôi 1 triệu tiền lương của anh còn lại mọi chi tiêu trong gia đình hoàn toàn lấy lương của tôi. Anh bảo, anh sẽ tiết kiệm lương của anh để làm những việc lớn, không chúng tôi không bao giờ có khoản nào nên hồn để mua xe, đổi nhà. 

Cuộc hôn nhân của chúng tôi đang bước vào những ngày tháng khủng khoảng, liên tiếp những tranh cãi, bất đồng từ chuyện công việc của anh tới các mối quan hệ bạn bè, tới chuyện hai bên nội - ngoại. Chúng tôi ngủ riêng từ lâu với một lí do rất chính đáng nhưng rất “vớ vẩn”: con lớn, giường chật nên chồng ngủ dưới đất. Cả tháng chúng tôi may ra làm “chuyện vợ chồng” được một lần. Thế nhưng mỗi lần “làm cho xong ấy”, anh để lại cho tôi cảm giác hẫng hụt hơn. 

Đã quá lâu rồi, chúng tôi không dành cho nhau nổi 1 tiếng để ra quán cà phê uống một ly, hay một buổi xem phim cuối tuần. Tất cả những gì tôi nhận được từ anh là hai từ: anh bận. Anh bận nhưng vẫn có thời gian tụ tập đá bóng với bạn bè cuối tuần, trưa vẫn “chém gió” ngoài quán cà phê nhưng vợ rủ đi ăn thì luôn từ chối thẳng thừng. 
Tôi không phải là một cô vợ giỏi tiết kiệm nhưng những khoản chi tiêu của tôi đều chính đáng. Thế mà bỗng nhiên anh căn ke tới độ nói mỗi ngày chỉ cho tôi tiêu đúng 40 ngàn cho nhu cầu cá nhân như ăn sáng, ăn trưa... Tôi không hiểu có chuyện gì với người chồng vẫn chung sống hơn 4 năm nay? Từ hồi yêu nhau tới bây giờ cũng 7 năm rồi, chưa khi nào thấy anh “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” như thế này.

Những ngày đi làm mà cứ phải nghĩ tới việc chồng chỉ cho phép tiêu 40 ngàn giống như ăn phải củ hành chưa ngấu cay xè mũi nhưng tôi cứ để xem anh sẽ tiết kiệm giỏi thế nào mà nói với vợ những câu xúc phạm như thế? 

Sau ba tháng để chồng giữ tiền, tôi bàng hoàng phát hiện một việc chấn động. Hôm ấy, bố tôi phải mổ cấp cứu do tai nạn giao thông. Mẹ tôi khóc lóc chỉ kịp nói mẹ đang trong viện, con cho mẹ mượn ít tiền nộp viện phí cho bố vì bà vội quá không kịp lấy tiền. 

Tôi bấn loạn gọi cho chồng nhưng anh đang đá bóng nên không nghe điện thoại. Vội vã lục ví chồng để ở nhà lấy thẻ ATM trước đây vẫn dùng giữ quỹ chung gia đình. Anh từng một lần bị mất ví ở sân bóng nên thường không mang đi. Tôi nhẩm tính phải còn khoảng vài chục triệu tiết kiệm vì chúng tôi chưa mua bán, chi tiêu gì đặc biệt đợt này. 

Phóng thẳng ra cây ATM, tôi đăng nhập để rút tiền, rất may chồng vẫn giữ mã pin cũ. Nhưng thật ngỡ ngàng khi tài khoản chỉ còn đúng hơn 1 triệu. Tôi bấn loạn vì đang cần chục triệu gấp mà lại chỉ còn vài triệu trong ví, cuối cùng phải nhờ cô bạn thân mang tiền thẳng tới bệnh viện “cứu nét”.
 
Sau ca phẫu thuật của bố thành công, tôi mới có thời gian nghĩ tới cái thẻ. Tôi gặng hỏi chồng mà anh có vẻ lúng túng, anh bảo mới cho bạn vay tiền mua nhà. Tôi nói: “Anh cho vay hết như thế lúc nhà có việc gấp, em không biết xoay kiểu gì? Anh giữ tiền thì cũng phải để một khoản phòng việc khẩn cấp chứ?”. Anh ừ, nhưng tôi vẫn thấy dạo này có quá nhiều điều lạ ở anh. Anh đòi hỏi tôi phải tiết kiệm, để anh giữ tiền nhưng lúc cần thì không có đồng nào. 

Cô bạn thân tôi sau một hồi trách móc cái tội để chồng giữ tiền thì chỉ thế thôi, biết đâu đã mang hết cho gái. Tôi bỗng hoài nghi với những biểu hiện lạ của chồng gần đây. Quyết tâm lục lọi điện thoại, facebook của chồng - việc mà trước đây tôi chưa làm bao giờ.

Và không “phụ công” tôi lục lọi điện thoại chồng trong lúc anh đi đánh răng, vệ sinh cá nhân buổi sáng, một tin nhắn vừa tới từ một số điện thoại không lưu tên: “Con bị sốt, trưa anh qua mua cho con mấy miếng dán hạ sốt nhé”. 

Không tin nổi những dòng chữ vừa đọc, tôi lục tung album ảnh trong máy, bỗng phát hiện hình ảnh thằng bé tầm 3-4 tháng tuổi giống hệt chồng mình. Tay tôi run lẩy bẩy nhưng vẫn cố bình tĩnh đặt điện thoại xuống bàn.

Tôi im lặng, giả vờ như chưa biết gì. Tôi dành cả buổi để theo dõi chồng. Và sự thật đau đớn không thể chối cãi. 

Trưa hôm đó, anh “đưa” tôi tới nhà người đàn bà có đứa con giống hệt anh. Nhìn thấy cô ta bế thằng bé giống hệt chồng mình ra mở cửa, lồng ngực tôi như bị ai thít chặt. 

Tôi cố gắng lắm mới đi nổi xe về nhà. Nhắn tin cho sếp xin nghỉ làm, tôi nằm vật vã trong nước mắt, trong nỗi thất vọng tràn trề. Tôi im lặng một tuần liền, im lặng cho tới khi cả hai thấy cần phải có một cuộc nói chuyện rõ ràng. 

Khi chồng tôi biết chuyện đã bị lộ, anh cũng chẳng giải thích gì nhiều chỉ nói rằng thằng bé cũng là con anh nên anh không thể bỏ nó.

Tình yêu trong tôi cũng chẳng còn nhiều để hận thù một người chồng phản bội như anh nhưng tôi không muốn con mình sống trong một gia đình dang dở như thế. Tôi đã quá chủ quan với những thay đổi của chồng. Và hậu quả là anh đưa mẹ con tôi vào cuộc “tranh giành bố” của hai đứa trẻ. Chẳng đứa trẻ nào có tội, đứa trẻ nào cũng xứng đáng có bố.

Tôi vẫn chưa quyết định ly hôn, anh vẫn đi lại với mẹ con cô ta. Tôi cũng chẳng có “nhu cầu” tới nhà gặp cô ta để đòi bố về cho con mình. Anh không nói yêu cô ta mà bảo chỉ là sự nhỡ nhàng trong những phút giây say nắng. 

Anh cũng không muốn ly hôn nhưng cũng không cắt đứt liên lạc với mẹ con cô ta. Chẳng biết tôi có thể kéo dài cuộc hôn nhân dang dở như thế này tới khi nào?

Theo Mai Lam
Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm