Lì xì Tết: Niềm vui con trẻ, nỗi lo người lớn

Ngọc Linh

(Dân trí) - "Mình đưa bao lì xì nhưng các bé không nhận vì nghĩ tiền để trong bao lì xì thì chỉ có mệnh giá 10.000-20.000 đồng", chị Trần Kim Chi chia sẻ.

Lì xì dịp Tết vốn là nét văn hóa đẹp trong văn hóa Việt mỗi dịp xuân về. Lì xì vốn được gửi gắm rất nhiều thông điệp như lời chúc may mắn đầu năm. Thế nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay lì xì ngày Tết lại khiến nhiều người đau đầu suy nghĩ và ít nhiều biến tướng làm mất đi vẻ đẹp của một phong tục.

Lì xì Tết: Niềm vui con trẻ, nỗi lo người lớn - 1
Lì xì dịp Tết vốn là một phong tục đẹp trong ngày Tết cổ truyền (Ảnh: Lê Ngọc Bảo Châu).

Chị Trần Kim Chi (28 tuổi, Hà Nam) cho biết: "Hồi nhỏ cứ mỗi đêm giao thừa mình sẽ được bố mẹ mừng tuổi một đồng tiền giấy màu hồng, trị giá không cao, thường sẽ là 500 đồng. Kèm với đó là một bao diêm và gói muối nhỏ. Lửa và muối đem lại may mắn cho năm mới, công việc, học hành thêm thuận lợi.

Bố mình bảo tiền lì xì đầu năm là "lộc may" chỉ "tán lộc" vào cuối năm. Nên tiền lì xì mình thường sẽ giữ bên mình, trị giá cũng chẳng lớn để mua được cái gì. Khách đến chơi nhà bố mẹ mình cũng chỉ lì xì lửa, muối và một đồng tiền trị giá rất nhỏ. Đó là nét đẹp trong Tết xưa nhà mình.

Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại ngày nay, người ta lại thường tặng con trẻ những đồng tiền mệnh giá rất lớn 100.000 - 200.000 không cần bỏ vào bao lì xì để thể hiện sự hào phóng. Lâu dần hình thành nên thói hư ở trẻ chỉ mong ngóng người lớn lì xì tiền to để có một khoảng làm quỹ tiêu riêng.

Mình còn nhớ có lần, một người bạn đến chơi nhà đưa bao lì xì tặng con mình đầu năm. Bé từ chối và nhất quyết không lấy. Khi khách ra về mình hỏi con lý do vì sao không nhận, con nói: "Ai mà tặng bao lì xì thì chỉ có 10.000-20.000 bên trong thôi mẹ ạ".

Câu trả lời của con khiến mình bất ngờ và suy nghĩ rất nhiều", chị Chi chia sẻ.

Giống như chị Chi, chị Huỳnh Thu Khánh (Đống Đa, Hà Nội) cũng không khỏi đau đầu về vấn đề lì xì đầu năm.

Chị Khánh cho biết việc lì xì năm mới nhiều năm nay không còn giữ được những nét đẹp thuần túy trong truyền thống. Mình rất ngại khi người khác sẵn sàng rút ví cho con mình 200.000, 500.000 đồng. Người ta cho con mình bao nhiêu mình sẽ mừng lại bấy nhiêu để "có qua có lại".

Có một sự thật rất nhiều người vẫn lợi dụng tục lì xì trong dịp Tết để phục vụ mục đích của bản thân. Mỗi khi đến chúc Tết sếp hay đối tác, nhiều người bỏ phong bao lì xì cả triệu đồng cho con trẻ với suy nghĩ tiền cho con kiểu gì bố mẹ cũng sẽ giữ.

Chính những suy nghĩ và hành động sai lệch của người lớn sẽ hình thành lên tư tưởng sai lệch ở trẻ nhỏ. Một nét đẹp trong ngày Tết, giàu ý nghĩa như vậy nhưng lại trở thành nỗi lo của mọi người mỗi dịp Xuân sang.

Theo Nhà Nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, "lì xì" là tiếng Quảng Đông, phổ biến ở Nam Bộ từ trước 1975. Sau năm 1975, nó mới lan tỏa ra Bắc và hiện nay dùng rất phổ biến. Âm Hán Việt đọc là "lợi thị" tức tiền lãi do buôn bán mà có.

Lì xì Tết: Niềm vui con trẻ, nỗi lo người lớn - 2
Nhà Nghiên cứu Văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ (Ảnh: VNU).

"Lộc bất hưởng tận" nên người ta tặng mọi người để mong buôn may bán đắt. Trước đó, miền bắc dùng các từ "mở hàng", "phát vốn", hai từ này cũng gắn với việc buôn bán và "mừng tuổi", từ này dành cho cả người già và trẻ em. Đó là một nét ứng xử đẹp trong văn hóa Việt ngày Tết.

"Trên đời này, không có cái gì là không thể biến tướng. Đến như kim cương mà vẫn có kim cương giả. Tiền lì xì cũng vậy", chuyên gia Nguyễn Hùng Vỹ nói.

Chia sẻ thêm về sự biến tướng của tục lì xì trong dịp Tết, Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Thực tế "lì xì" là tiền mừng tuổi. Với năm mới, người ta thêm một tuổi. Đối với người già là tăng thêm tuổi thọ, đối với các em bé là thêm tuổi để thêm lớn.

Bởi vậy, trong chúc Tết người ta có lệ mừng tuổi. Tiền mừng tuổi đặt trong phong bao giấy hồng, thường có tiền lẻ, có ý là tiền đó sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Lì xì Tết: Niềm vui con trẻ, nỗi lo người lớn - 3

Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Vì nhiều lý do khác nhau, lì xì bỗng trở thành một món nợ đồng lần. Người ta thường sẽ mừng tuổi con trẻ số tiền ngang bằng với số tiền con mình nhận được từ người khác để không cảm thấy mắc nợ.

Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế tốt họ sẵn sàng chi một khoản tiền không hề nhỏ để lì xì cho người khác. Nhưng với những gia đình có điều kiện kinh tế không mấy khá giả việc lì xì "đáp lễ" quá lớn cũng là khó khăn nhất định".

Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo cũng cho rằng, chính tâm lý và cách hành xử như trên của người lớn đã hình thành nên tâm lý "chờ đợi" của con trẻ được nhận một khoản lì xì "to" dịp Tết.

Điều đó cũng gây ra nỗi lo dịp Tết cho người lớn về câu chuyện lì xì trong Tết cổ truyền. Đây cũng là thực tế xuất phát trong cuộc sống đương đại khi mọi người có nhiều mối quan hệ xã hội phức tạp hơn ngày xưa.

"Làm thế nào để trả lại nét đẹp vốn có của một phong tục hay trong Tết cổ truyền? Tôi cho rằng nếu chúng ta xác định lì xì lấy may đầu năm theo đúng nghĩa của nó thì chỉ cần một khoản tiền nhỏ đặt trong một chiếc bao lì xì đỏ để phát lộc, đem lại niềm vui, niềm may mắn cho người nhận mà không cần quá câu nệ về giá trị đồng tiền, thì khi đó nét đẹp văn hóa vẫn sẽ được mỗi chúng ta duy trì", Tiến sĩ Hương Thảo khẳng định.